Cuộc thi Tổng cục trưởng đã diễn ra như thế nào?

07:12, 27/04/2014
|

(VnMedia)Trong 2 ngày (25-26/4) diễn ra cuộc thi tuyển Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải tổ chức, 4 ứng viên tham dự đều có chung tâm trạng hồi hội, lo lắng và cảm thấy nhẹ nhõm khi hoàn thành kỳ thi.

>>
15 giám khảo sẽ chấm điểm 4 ứng viên thi Tổng cục trưởng

>>Ngày 25/4, thi tuyển Tổng cục trưởng Đường bộ

>>Bộ Giao thông công bố thi tuyển Tổng cục trưởng

Tham dự kỳ thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải tổ chức trong 2 ngày 25-26/4 vừa qua có 4 thí sinh gồm: Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Huyện, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn và Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Phạm Hồng Sơn. Đều là những lãnh đạo nhưng khi đi thi, cả 4 người đều có chung tâm trạng hồi hộp, lo lắng...

Theo các thí sinh, để có thể tham dự thi kỳ thi này, họ đã phải tìm hiểu kỹ càng về cơ cấu bộ máy tổ chức thực thi nhiệm vụ, các quy định quy phạm pháp luật liên quan đến cơ quan này, đề án đổi mới Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đây là khối lượng kiến thức lớn, đọc phải thuộc nên mỗi thí sinh dự thi sẽ phải chuẩn bị dày công và dành nhiều thời gian cho việc “nạp” kiến thức.

Chiều 26/4, sau khi hoàn thành 2 ngày làm bài thi, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho biết, ông khá hồi hộp, lo lắng và căng thẳng khi bước vào các vòng thi bởi thành phần Ban giám khảo đều là những người lãnh đạo, lão thành có nhiều năm kinh nghiệm.

Mất 1 tuần, đọc hết các tài liệu, lên mạng cập nhật lại thông tin, chiều qua khi thi xong, ông Sơn cho biết, cảm thấy nhẹ nhõm như bỏ được gánh nặng trên vai dù kết quả sau đó thế nào chưa nói.

 Ảnh minh họa

4 ứng viên vừa thi tuyển vào chức danh Tổng cục trưởng Đường bộ do Bộ Giao thông vận tải tổ chức. Ảnh: Tiền Phong

Còn ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI thở phào cho biết, ông đã vượt qua được chính mình. Hỏi lý do, ông này cho rằng, mỗi người vào một vị trí đều phải có trách nhiệm tìm hiểu chính vị trí thực hiện, để hiểu đơn vị sẽ làm và dự định làm những gì là rất tốt, nhưng cái quan trọng nhất là tự kiểm tra khả năng của mình.

Theo ông Sơn, sau khi nộp đơn ứng tuyển thi chức danh này, ông không có thời gian rảnh. Ban ngày đi làm, tối về ông lại lọ mọ tìm các thông tin về hoạt động của Tổng cục bao gồm: quy phạm pháp luật, quản lý bảo trì vận tải, phương tiện người lái, an toàn giao thông nhằm có kiến thức nền cơ bản.

“Chúng tôi đang làm vai trò quản lý, lại giữ vị trí lãnh đạo cơ quan, giờ phải trở lại ngồi học và tìm hiểu kiến thức giống như học sinh cách đây 30 năm thì là một thách thức lớn,” vị Tổng giám đốc TEDI phân trần.

Theo Phó Tổng cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường, những lĩnh vực trong chương trình hành động mà Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thuyết trình đều là công việc thường ngày quen thuộc, lại có thâm niên kinh nghiệm công tác nên bản thân ông trả lời rất say sưa.

“Các câu hỏi của Ban giám khảo tôi trả lời rất tự tin. Mỗi người đều có một thế mạnh riêng nên cơ hội chức danh chia đều cho các thí sinh,” ông Cường chia sẻ sau khi rời phòng thi.

Sẽ dùng đề án của người trúng tuyển làm chương trình hành động

“Các thí sinh đưa ra ý mới và mỗi người đều có thế mạnh riêng. Thí sinh nào được làm Tổng cục trưởng thì đề án của họ có thể được dùng làm chương trình hành động của Tổng cục Đường bộ trong thời gian tới", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi đánh giá sau các phần thi của các thí sinh. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, qua các vòng thi, Bộ đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của thí sinh, trình bày mạch lạc rõ ràng và tự tin để bảo vệ chương trình hành động của mình là điểm rất cần thiết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, tại các vòng thi, Hội đồng Ban giám khảo đặt nhiều câu hỏi để thí sinh chủ động trả lời, đặc biệt nhấn mạnh đến ý tưởng sáng tạo trong vấn đề nâng cao quản lý Nhà nước về đường bộ, phát triển kết cấu hạ tầng như thế nào và công tác duy tu sửa chữa đường bộ khi nguồn vốn hạn hẹp, vấn đề an toàn giao thông hiện nay cũng như quản lý cấp đổi Giấy phép lái xe hay thực trạng xe quá tải hiện nay.

“Chưa có thí sinh nào phản ánh là câu hỏi khó. Nhưng ngay trong quy chế thi đã quy định rõ các câu hỏi phải bám sát đề cương thi và trình bày thuyết trình", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bài thi của thí sinh sẽ được đóng gói và niêm phong. Khi nào chấm xong lý thuyết thì mới mở phần thuyết trình để chấm nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

“Ban giám khảo chấm trong 2 ngày (27-28/4) và sau đó hội đồng sẽ làm việc, cân đối lại toàn bộ tổng số thí sinh và báo cáo ban cán sự Đảng bộ trong tuần sau về kết quả kỳ thi để công bố,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc