Thẻ căn cước sẽ thay thế bao nhiêu giấy tờ?

07:39, 26/04/2014
|

(VnMedia) - Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật căn cước công dân đề nghị làm rõ việc cấp Thẻ căn cước công dân sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ công dân, thay thế được những loại giấy tờ nào…

Ảnh minh họa

Cần làm rõ việc cấp Thẻ căn cước công dân sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ công dân,



Chiều 24/4, trong buổi làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật căn cước công dân.

Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Căn cước công dân do Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tới năm 2020 thẻ Căn cước công dân sẽ thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh. Cụ thể, trên thẻ Căn cước công dân sẽ có thông tin về nơi thường trú của công dân. Do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu.

Nếu Luật đi vào thực hiện thì chậm nhất 1/1/2020, các địa phương phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
 
Đánh giá về dự thảo luật, UBTVQH đề nghị làm rõ mối liên hệ giữa cơ sở dữ liệu căn cước công dân với các cơ sở dữ liệu khác như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở dữ liệu về cư trú.... Theo đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu chung; thông tin căn cước công dân được lấy từ cơ sở dữ liệu này để bảo đảm tính chính xác, tính thống nhất về thông tin, đồng thời bảo đảm đầu tư hiệu quả, tiết kiệm và tránh gây phiền hà cho công dân. UBTVQH cũng đề nghị, trong Luật cần khẳng định cơ sở dữ liệu về căn cước công dân là một bộ phận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
 
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xây dựng Luật về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm căn cứ pháp lý, tạo điều kiện để Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đáp ứng nhu cầu quản lý của tất cả các ngành, lĩnh vực, vừa bảo đảm sự thống nhất, vừa bảo đảm đầu tư tiết kiệm, hiệu quả.
 
Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh, dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu của UBTVQH do vẫn xác định cơ sở dữ liệu về căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, được xây dựng độc lập, tuy có sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng vẫn có một số thông tin công dân phải bổ sung.
 
Theo Uỷ ban Quốc phòng an ninh, trước hết cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng thu thập, cập nhật đầy đủ các thông tin về công dân để đáp ứng mọi yêu cầu thông tin về dân cư phục vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan, phù hợp với từng lĩnh vực chuyên ngành để nâng cao giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó quy định việc sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó có hoạt động quản lý về căn cước công dân.

Về số định danh cá nhân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, tuy dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định về số định danh cá nhân, nhưng quy định tại khoản 5 Điều 3 chưa thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật hộ tịch, đồng thời cũng chưa có những quy định cụ thể về phương thức xác lập số định danh cá nhân, thẩm quyền cấp số định danh cá nhân; việc cấp số định danh cá nhân đối với những người đã có chứng minh nhân dân, việc cấp số định danh cá nhân khi chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sau khi đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giá trị sử dụng của số định danh cá nhân...

Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể về số định danh cá nhân và quy định việc cấp, quản lý số định danh cá nhân trong một dự án Luật là Luật căn cước công dân.

Về thẻ Căn cước công dân, theo Ủy ban Quốc phòng an ninh, việc cấp thẻ căn cước công dân đã được Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cấp cho công dân ngay từ khi sinh ra.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh nhận xét, tuy dự thảo Luật hộ tịch không quy định về việc cấp giấy khai sinh, nhưng vẫn quy định về thủ tục đăng ký khai sinh tại cơ quan quản lý hộ tịch, đồng thời quy định về việc cấp trích lục khai sinh cho công dân khi có yêu cầu.

“Các quy định này cần được cân nhắc, vì để giảm giấy tờ công dân, giảm thủ tục hành chính đối với công dân, nếu đã quy định về cấp thẻ căn cước công dân từ khi sinh ra như dự thảo Luật thì cần xem xét kết hợp việc cấp thẻ và số định danh cá nhân ngay khi làm thủ tục đăng ký khai sinh thông qua quy định về cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định số định danh cá nhân và cấp thẻ căn cước công dân.” - Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật căn cước công dân đề nghị làm rõ việc cấp Thẻ căn cước công dân theo quy định trong dự thảo Luật sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ công dân, thay thế được những loại giấy tờ nào, vào thời điểm nào; tác động của việc cấp Thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân; tác động của việc cấp Thẻ căn cước công dân ngay từ khi công dân sinh ra; việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với người không quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam v.v...

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo quy định chi tiết hơn nữa những nguyên tắc quản lý căn cước công dân; bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư, quyền sử dụng giấy tờ về căn cước công dân trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc