Cục trưởng Cục Đường sắt bị đình chỉ chức vụ

06:40, 26/04/2014
|

(VnMedia) - Sau những phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm liên quan đến dự án đường sắt bị đội giá 339 triệu USD, hôm nay,  25/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Nguyễn Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam.

>>Điều ẩn giấu sau những dự án đội giá trăm triệu đô

>>Dự án đội giá 339 triệu USD là do ... chưa có kinh nghiệm!

>>Dự án đội giá triệu "đô": 6 năm không xong trụ cầu

>> Cuối 2015, người Hà Nội mới được đi tàu điện trên cao

Tại Quyết định số 1552/QĐ-BGTVT ký ngày hôm nay, 25/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã tạm định chỉ chức Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đối với ông Nguyễn Hữu Thắng, kể từ ngày ký do phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giao thông vận tải.

Bộ trưởng yêu cầu ông Nguyễn Hữu Thắng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc phát ngôn và nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án nói trên, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trước ngày 7/5/2014.

Cũng tại quyết định này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã giao ông Trần Phi Thường, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam trong thời gian ông Nguyễn Hữu Thắng tạm đình chỉ chức vụ.

Ảnh minh họa

Hệ thống trụ cột của tuyến đường sắt số 3 đã được xây dựng xong và đang được thi công lắp dầm. Ảnh: Vne

Liên quan đến dự án này, sau khi việc đề nghị tăng vốn cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông bị Chính phủ yêu cầu làm rõ, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra 9 nguyên nhân gây ra việc đội vốn và cho rằng trách nhiệm thuộc về Cục Đường sắt Việt Nam và Tư vấn lập dự án (TEDI).

Khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đã cho rằng, trước sự việc này, Bộ GTVT sẽ có xử lý, nhưng cùng lắm là kỷ luật, thôi chức vụ các cán bộ, kỹ sư có liên quan. Theo ông Thắng, xử lý thế nào đó để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chứ không phải vì câu chuyện này dự án phải dừng lại.

Khi phóng viên đề cập trách nhiệm của mình, ông Thắng đã nói, “mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên".

Theo công bố của Bộ Giao thông vận tải, những khoản chi phí đẩy tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 339 triệu USD gồm: việc thay đổi phương án thay đổi thiết kế ga 2 tầng thành 3 tầng đã khiến chi phí tăng thêm 84,2 triệu USD (trong đó: tăng do trượt giá: 43,5 triệu USD, tăng do thay đổi quy mô: 40,7 triệu USD).

Việc bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot cũng khiến chi phí tăng thêm 13,54 triệu USD. Việc xây dựng đường tránh Quốc lộ 6 cũng phải bổ sung chi phí là 1,94 triệu USD. Hay việc quyết định đổi vật liệu thân vỏ tàu cũng mất thêm 3,19 triệu USD.

Ngoài ra, việc thay đổi phương án thi công dầm cần phải bổ sung kinh phí (thuê bãi, huy động thêm thiết bị đúc và lao lắp dầm) khoảng 10,16 triệu USD. Các thay đổi chính về biến động giá, thay đổi chế độ, chính sách cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở nên dự kiến cần phải bổ sung kinh phí khoảng 95 triệu USD.
 
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, công tác GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài cũng dẫn đến tăng chi phí; chi phí xây lắp tăng dẫn đến chi phí thuế GTGT, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại (cho phần vốn dự kiến vay thêm) cũng tăng theo dự kiến cần phải bổ sung kinh phí khoảng 88,3 triệu USD.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc