Công bố Chiến lược khai thác tài nguyên biển

18:09, 02/04/2014
|

(VnMedia) - Ngày 2/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 Ảnh minh họa

Những tiềm năng to lớn chưa được phát huy một cách hiệu quả - ảnh minh họa


Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, trong thời gian vừa qua, tài nguyên và kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay những tiềm năng to lớn chưa được phát huy một cách hiệu quả. Tài nguyên thiên nhiên biển đang bị khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt ở một số nơi; các hệ sinh thái biển suy thoái nhanh, chất lượng môi trường biển đảo xuống cấp nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam phải chịu những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng gây ra.

Nhằm cụ thể hóa Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là hiểu rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế và các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

 

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020 mà Chiến lược đặt ra là đáp ứng một bước hạ tầng thông tin kỹ thuật cơ bản về tài nguyên và môi trường biển; cung cấp thông tin dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu kịp thời, đủ độ tin cậy phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển và trên các đảo.

 

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu trong giai đoạn này là giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường vùng ven biển, vùng biển ven bờ và trên các đảo.

 

Ngoài ra, sẽ nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thía biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển và các nguồn lợi từ biển; Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyen theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường biển.

 

Trong khi đó, tầm nhìn đến năm 2030 được đặt ra là có hiểu biết cơ bản về tiềm năng tài nguyên - môi trường, những lợi thế và những tác động bất lợi từ biển trên các vùng biển Việt Nam và vùng biển Quốc tế liền kề đối với phát triển bền vững kinh tế - xã hội; ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học biển nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái biển ở mức ổn định.

 

Chủ động, làm chủ các hoạt động trên biển

 

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Chiến lược sẽ dựa vào 3 đột phá quan trọng. Theo đó, đột phá then chốt chính là đổi mới tư duy, chuyển từ thế thụ động sang thế chủ động trên cơ sở hiểu biết về biển, làm chủ các hoạt động trên biển, kết hợp khai thác, sử dụng bền vững tiềm năng, lợi thế của biển với hạn chế các tác động bất lợi từ biển.

 

Khâu đột phá thứ 2 là phân vùng chức năng để tránh xung đột giữa khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế với bảo vệ, bảo tồn biển, đảo; quy hoạch không gian phát triển vùng ven biển theo hướng mở ra biển, kết nối không gian đất liền với biển cả, với khu vực, châu lục và toàn cầu để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam và hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do biến đổi khí hậu, các tai biến tự nhiên và xung đột môi trường biển gây ra.

 

Ngoài ra, sẽ hoàn thiện đồng bộ và vận hành thông suốt thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất biển, đảo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc