Thủ tướng chỉ đạo thận trọng, quyết liệt trong vụ nhận hối lộ từ JTC

11:07, 02/04/2014
|

(VnMedia)- Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm qua, 1/4, liên quan đến nghi án hối lộ dự án tại tổng công ty đường sắt, Thủ tướng chỉ đạo làm thận trọng, quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo theo quy định của pháp luật, theo quy trình điều tra.

>> Chuyến đi Nhật tìm chứng cứ hối lộ thu được gì? 

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ bê bối hối lộ liên quan đến dự án đường sắt đang khiến dư luận hết sức quan ngại về sự minh bạch và hiệu quả các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, về vấn đề này, những ngày gần đây, chúng ta đã nghe nhiều nhưng đây chỉ mới là thông tin ban đầu, chúng ta vẫn chưa biết cụ thể như thế nào.

Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, mặc dù vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương, nhanh chóng phối hợp với phía Nhật Bản nắm thông tin, điều tra làm rõ, sớm có kết luận để xử lý nghiêm minh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, "chúng ta có thể thấy được sự chỉ đạo của Chính phủ thể hiện ở việc có hai Phó Thủ tướng chỉ đạo, cùng với những chỉ đạo bằng văn bản và trực tiếp từ các bộ, ngành. Trước khi lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể đồng thời, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã tranh thủ gặp Thủ tướng Nhật Bản. Tôi chứng kiến lời đầu tiên hai Thủ tướng gặp nhau là: "Chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ, điều tra thận trọng, xử lý nghiêm minh. Nếu là sự thật thì phải nhanh chóng rút kinh nghiệm để ngăn chặn những chuyện tương tự xảy ra". Trong cuộc gặp này, Thủ tướng nói: Chúng tôi sẽ cố gắng không để ảnh hưởng đến sự giúp đỡ về ODA của Nhật".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, điều đó nói lên quyết tâm của Việt Nam, khi có thông tin dù chưa rõ nhưng chúng ta quyết tâm phải làm và đang làm. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, cử một Thứ trưởng trực tiếp qua Nhật Bản để gặp các tổ chức có liên quan để làm rõ. Hiện nay các cơ quan đang điều tra, làm rõ.

"Trong cuộc họp hôm nay, Thủ tướng chỉ đạo làm thận trọng, quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo theo quy định của pháp luật, theo quy trình điều tra. Dự án sử dụng vốn ODA đang nói đến có quy định đặc biệt là chỉ nhà thầu Nhật Bản mới được tham gia. Lúc đầu, có nhiều nhà thầu Nhật Bản tham gia nhưng về sau chỉ còn một, như vậy không còn yếu tố cạnh tranh và những yếu tố khác đi theo. Vì vậy phải hết sức thận trọng. Đây mới là nguồn tin nên trước hết mình phải tin mình, phải bảo vệ người Việt Nam mình. Khi sai phạm đã rõ thì phải xử lý. Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ, chúng ta cần phải làm đúng quy trình điều tra, thận trọng nhưng vẫn phải kỹ lưỡng. Đây là câu chuyện dài nhưng hiện nay chúng ta đang chờ đợi, cơ quan công an, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc. Chúng ta tin tưởng sẽ làm quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm và sẽ xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm", ông Nguyễn Văn Nên cho biết.

Trước đó, tối 29/3, Bộ Giao thông Vận tải đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, từ ngày 25-28/3/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu sang Nhật Bản để làm việc với các cơ quan hữu quan của Nhật Bản nhằm làm rõ các thông tin mà báo Nhật Bản (Yomiuri Shimbun) đưa tin. Tham gia đoàn công tác còn có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và JICA cũng cho biết, hiện nay vụ việc đã được giao cho cơ quan tư pháp Nhật Bản ( Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thuế) điều tra. Cho tới nay, Bộ Ngoại giao và JICA chưa có thông tin về tình hình điều tra vụ việc và thông tin chỉ có thể được cung cấp sau khi có kết luận điều tra và được sự cho phép của Chính phủ.   

Bộ Ngoại giao Nhật Bản và JICA đề nghị trong khi công tác điều tra đang được tiến hành tại Nhật Bản, hai bên cần khẩn trương làm rõ, công khai minh bạch về vụ việc xảy ra; Phối hợp để đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm phòng ngừa tham nhũng, hối lộ, cạnh tranh không bình đẳng trong quá trình triển khai các dự án ODA. Phía Việt Nam cần xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm nếu vụ việc được cơ quan điều tra kết luận là có thực; Các Bộ, ngành của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản và JICA tại Việt Nam để thống nhất nội dung thông tin cung cấp công khai cho công chúng và thiết lập cơ chế đối thoại phòng chống tham nhũng giữa hai bên.

Trước đó, sau khi báo chí nước ngoài và trong nước đưa tin Chủ tịch Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản "tố" đưa hối lộ 700.000 USD cho một quan chức đường sắt Việt Nam để giành được hợp đồng tư vấn thiết kế tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt để giải trình, làm rõ thông tin liên quan.

Tiếp đó, đến chiều ngày 24/3, có thêm 2 Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và một Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam bị đình chỉ công tác có thời hạn để giải trình về lời tố giác của phía đơn vị tư vấn nước bạn. Chiều 26/3, Bộ Giao thông Vận tải lại bất ngờ ra thông báo yêu cầu 7 cán bộ đương chức và 3 cán bộ đã nghỉ hưu phải làm giải trình do nghi ngờ có liên quan đến vụ việc.

Như vậy, đến thời điểm này, để làm rõ "nghi án" nhận hối lộ do đơn vị tư vấn thiết kế Nhật Bản tố cáo, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải đã tạm dừng công tác và yêu cầu viết biên bản báo cáo với 14 người do có liên quan đến dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi (Hà Nội).

Hiện vụ việc vẫn đang được Bộ Giao thông vận tải tiến hành điều tra, làm rõ.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc