3 trẻ tử vong đúng là do tiêm nhầm thuốc

19:13, 01/04/2014
|

(VnMedia) - Trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ QH chiều nay 1/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết công an Quảng Trị kết luận 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin ở Quảng Trị vào tháng 7/ 2013 là do bị tiêm nhầm thuốc.
 
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo sự khai nhận của cán bộ tiêm là Nguyễn Thị Thuận và sau nhiều tháng Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành điều tra đã kết luận, Nguyễn Thị Thuận đã lấy nhầm 3 lọ thuốc giống 3 lọ vắc-xin để tiêm cho cháu bé do không làm đúng quy trình chuyên môn đã được quy định.
 
Về các tai biến nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, tai biến y khoa là khó tránh khỏi và “còn chữa bệnh thì còn tai biến” và “hàng mấy trăm năm nữa cũng vẫn có” và có những sai sót nền y học không thể khăc phục được. Theo bộ trưởng, ngay cả ở Mỹ,  tử vong do tai biến y khoa là 120.000 người/1 năm và các vụ án dân sự tồn đọng nhiều nhất là về tai biến y khoa. “Càng phát triển thì lại càng phát sinh những tai biến ở trình độ cao.” Bộ trưởng cho biết.
 
Về những sai sót do đạo đức nghề nghiệp, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu đòi hỏi, tắc trách để tai biến xảy ra, bộ trưởng cũng cho biết, không dám nói là bao giờ chấm dứt nhưng sẽ “cương quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức”.

Ảnh minh họa

2 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn trước Thường vụ Quốc hội ngày 1/4



Ngạc nhiên về sự thay đổi tích cực

Trong khi các đại biểu phản ánh về việc bất bình đẳng giữa bệnh nhân bảo hiểm y tế và bệnh nhân dịch vụ, thì Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cũng thừa nhận ở một đôi nơi có khác biệt. Tuy nhiên, bà Bộ trưởng giải thích, đó là do bên bảo hiểm đông bệnh nhân, mức chi trả chỉ được theo bảo hiểm quy định, với giá dịch vụ, giá phòng rất thấp… trong khi đó, bên dịch vụ cơ sở tốt hơn, khang trang hơn, có máy lạnh…đã tạo nên sự khác biệt.

"Tuy nhiên, tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu và nhân dân bức xúc, đó là có phần thái độ của cán bộ y tế. Cái này nằm trong y đức." Bộ trưởng nói và cho biết, sắp tới sẽ ra những quy định, nếu bệnh viện còn có hiện tượng đó thì bảo hiểm xã hội sẽ không ký với các bệnh viện này và sẽ không có bệnh nhân. "Khi không có bệnh nhân thì bệnh viện tồn tại cũng sẽ không để làm gì. Nhưng lộ trình đó phụ thuộc vào cơ chế tài chính." - Bộ trưởng nói.
 
Để giải quyết thủ tục phiền hà đối với bệnh nhân bảo hiểm, Bộ trưởng Y tế cho biết đã ra các văn bản yêu cầu cải cách và nâng cấp toàn bộ khoa khám bệnh để phục vụ cho bệnh nhân bảo hiểm. Theo đó, tăng thêm chỗ ngồi, mở thêm khoa khám bệnh, lấy số điện tử, rút từ 9 chữ ký còn 6 chữ ký và 12 quy trình còn 6 quy trình, sắp xếp các chỗ xét nghiệm để bệnh nhân không phải đi lại nhiều…giúp thời gian khám chữa bệnh đã giảm hẳn.
 
"Chúng tôi đi thăm gần hết các tỉnh thành, những nơi như Bạc Liêu, Lâm Đồng, Hà Nội, những nơi xa xôi như Đắk Lắk, Lạng Sơn, Yên Bái… và rất ngạc nhiên về sự thay đổi. Có nơi mua ghế như ngồi chờ ở sân bay, có số điện tử, có quạt, có cầu thang máy... Chúng tôi sẽ cố gắng hơn trong thời gian tới. Nguồn kinh phí để thực hiện những thay đổi này trích từ nguồn 15% tăng giá dịch vụ y tế để cải tạo phòng khám, kết hợp với bảo hiểm xã hội giảm tối đa các thủ tục phiền hà cho người bệnh." - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vui mừng báo cáo.

Trong khi đó, trả lời về hiệu quả của đường dây nóng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ khi Bộ Y tế thiết lập đường dây nóng, đã có hàng ngàn cuộc gọi đến nhưng chỉ có hơn 2.000 cuộc gọi có giá trị phản ánh, trong đó 40% phản ánh thái độ phục vụ của nhân viên y tế và đều đã được xử lý.

Theo Bộ trưởng Tiến, đường dây nóng có tác dụng răn đe rất lớn đối với cán bộ y tế. Chỉ cần có thái độ cáu gắt, bệnh nhân gọi đến đường dây nóng thì sẽ bị cảnh cáo trước cuộc họp giao ban toàn bệnh viện và đây là mức xử lý nhẹ nhất.

Bà Tiến cũng cho biết, sắp tới, Bộ Y tế sẽ lắp tổng đài tự động và ghi âm toàn bộ các cuộc gọi phản ánh qua đường dây nóng.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc