Người phụ nữ “hồi sinh” sau khi nhiễm "H"

21:55, 05/12/2012
|

(VnMedia) - Bàng hoàng và đau đớn khi biết mình bị HIV/AIDS, chị Nguyễn Thị Uyên đã định tự tử. Nhưng vì đứa con khỏe mạnh, chị phải sống và tìm thấy ý nghĩa cuộc đời khi giúp đỡ  những người cùng cảnh ngộ…

Từng định lao đầu vào ô tô tự tử

Ảnh minh họa

Chị Uyên chăm sóc một người bị AIDS những giây phút cuối đời


Được cán bộ Trung tâm Y tế huyện An Lao giới thiệu, tôi tìm đến nhà chị Uyên (SN 1971, ở khu Xuân Áng, thị trấn Trường Sơn, An Lão, Hải Phòng) là trưởng Nhóm tự lực “Trường Sơn xanh” tuyên truyền HIV/AIDS. Chị Uyên sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuần nông, kinh tế gia đình rất khó khăn nên chỉ được học hết cấp II. Khi mà các nhà máy khu công nghiệp mở ra, chị xin đi làm công nhân giầy da. Năm 20 tuổi, chị lập gia đình và sinh con gái đầu lòng. Anh ấy làm nghề lái xe tải, thường vào nội thành Hải phòng lái thuê để kiếm sống…

Rồi chị kể về cái ngày định mệnh ấy. Đó là vào tháng 9/2004, thấy mình còn trẻ, chị Uyên mạnh dạn làm hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động, hy vọng khi trở về sẽ có lưng vốn để làm ăn. Trong lần khám sức khoẻ tại BV Việt - Tiệp, bác sỹ đưa cho chị tờ giấy xét nghiệm kết quả dương tính với HIV. Giật mình và sợ hãi, chị ngất đi, khi tỉnh dậy chị được các y bác sĩ động viên, khuyên bảo nên đưa chồng đến cơ sở y tế làm xét nghiệm.
 
“Hồi mới phát hiện bị nhiễm HIV, ai cũng nghĩ tôi không thể sống nổi. Sau cú sốc ấy, hàng đêm tôi đã âm thầm khóc trong nỗi chán chường. Tinh thần bị suy sụp, ý chí giảm sút, chẳng còn nghĩ đến làm ăn, buôn bán, quan hệ bạn bè, họ hàng thân thích, chỉ trong thời gian ngắn, tôi còn có 38kg và hơn một lần muốn lao đầu vào ô tô tự tử…” – người phụ nữ 40 rưng rưng nước mắt nhớ lại.

Nén lại những cảm xúc, chị Uyên tiếp lời: “Tôi khuyên chồng đi làm xét nghiệm nhưng anh ấy nhất định không đi. Anh ấy còn nghi oan cho tôi không chung thuỷ nên nhiễm HIV. Bị chồng nghi ngờ, buồn chán mà không biết tâm sự cùng ai, nhiều lần tôi định dí tay vào ổ điện để kết liễu cái bi kịch của đời mình. Chết là hết, nhưng đứa con gái lúc đó còn nhỏ dại đã kéo tôi lại, bởi tôi nghĩ rằng mình chết thì con mình sẽ khổ…”. Chị Uyên đưa con gái đi xét nghiệm, nhưng may mắn cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Đây cũng là động lực giúp chị trụ vững.
 
Cứ như thế, chị Uyên xin nghỉ việc ở công ty, sống khép nép, âm thầm chịu đựng, không dám chia sẽ cũng ai là bị nhiễm HIV. Tháng 6/ 2005, chồng chị ngã bệnh với các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội: sụt cân, tiêu chảy, ngứa, ho lao và qua đời do lao HIV… Ở nhà, chị sợ lây bệnh cho đứa con gái duy nhất của mình nên bắt con nằm riêng, quần áo giặt riêng, đồ dùng sinh hoạt cũng dùng riêng.

Chuyện nhiễm HIV của vợ chồng chị Uyên bị vỡ lở, loan đi khắp nơi. Hàng  xóm láng giềng ít qua lại nhà chị, trẻ con cũng chẳng dám bén mảng đến gần. Cuộc sống bó hẹp, kinh tế khó khăn, chị vay vốn mở quầy bán quần áo để kiếm kế sinh nhai. Vốn bỏ ra lớn, quần áo nhiều mẫu mã nhưng chẳng ai dám mua hàng chỉ vì chị nhiễm "H". Hàng hóa ế ẩm buộc chị phải thanh lý rồi quay sang bán giải khát và nước mía. Và rồi quán giải khát của chị chẳng tồn tại được bao lâu, cũng phải đóng cửa vì không có khách đến uống. Đồng vốn thâm hụt, chị chẳng biết làm gì để kiếm sống và nuôi con ăn học…
 
Hồi sinh

Ảnh minh họa

Một buổi sinh hoạt của nhóm Trường Sơn Xanh tại nhà chị Uyên


Đang trong lúc buồn chán và đau đớn, thì chị Uyên được người chị họ giới thiệu đến sinh hoạt ở CLB “Tình biển”, trong  nội thành Hải Phòng. Sợ người ta dị nghị, chị đến CLB sinh hoạt nhưng giấu bặt tên và địa chỉ thật của mình. Thế rồi, qua những buổi sinh hoạt, được trò chuyện với những người đồng cảnh ngộ đã giúp chị tìm lại nụ cười trên môi. Chị đã trang bị cho mình những kiến thức bổ ích về HIV/AIDS, biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân, phòng lây nhiễm cho cộng đồng… Vết thương trong lòng lâu ngày cũng liền sẹo, chị bảo rằng, nhiễm HIV không có nghĩa là cuộc sống đã chấm hết, chị phải sống, phải vươn lên vì tương lai của con gái mình.

Sinh hoạt ở CLB Tình biển được một thời gian ngắn, về gia đình, chị Uyên đến tiếp cận một số chị em phụ nữ có H. ở huyện An Lão để chia sẽ những buồn vui trong cuộc sống, đồng thời tư vấn, giúp họ hiểu hơn về căn bệnh thế kỷ. Cứ như thế, lúc rảnh, những người có H. tìm đến chị, rồi chị tìm đến họ để tư vấn. Càng đi nhiều, chị mới thấy rằng xung quanh mình còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, có nhiều phụ nữ nghèo cũng là nạn nhân của HIV/AIDS như chị. Rồi người này giới thiệu cho người kia, mỗi ngày những người có H. ở huyện An Lão tìm đến chị ngày càng đông hơn.

Cuối năm 2005, được sự giúp đỡ của CLB “Tình biển”, chị Uyên đã mạnh dạn thành lập CLB “Trường Sơn xanh”, rồi đổi tên thành Nhóm tự lực “Trường Sơn xanh”. Phương châm hoạt động là của nhóm là tạo cầu nối và nơi sinh hoạt của những người có H. Lúc mới thành lập, nhóm chỉ có 4 người nhưng nay đã tăng lên hơn 80 người. Bằng tinh thần tự nguyện, hàng tháng vào tối ngày 15 ngôi nhà của chị Uyên lại nhộn nhịp tiếng nói cười, thành viên CLB lại sum họp tại căn nhà nhỏ của chị để sinh hoạt, giao lưu, học hỏi và chia sẻ.

Năm 2009, nhóm được Trung tâm Y tế và tổ chức Phát triển cộng đồng (Cohed) hỗ trợ 40 triệu đồng, chị Uyên đã tu sửa căn nhà nhỏ thêm khang trang để tiện cho việc sinh hoạt của nhóm. Nhiều năm nay, các thành viên coi chị Uyên như người chị cả trong gia đình và căn nhà của chị là ngôi nhà thứ 2 của họ.

Chị Uyên bảo điều khiến chị vui mừng nhất là bà con hàng xóm không dòm ngó, kỳ thị với gia đình chị nữa, mà sẵn lòng giúp đỡ mẹ con chị lúc tối lửa đắt đèn. Giờ đây, chị đã lấy lại tự tin để sống có ý nghĩa. “Ai cũng trải qua giai đoạn sốc, buồn chán, rồi tất cả sẽ qua đi, chấp nhận và lấy lại niềm tin vào cuộc đời”- đó là triết lý sống của chị, đồng thời đã giúp bao phận người không may mắn nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vượt qua mọi khó khăn, thử thách.


Bảo Nhi

Ý kiến bạn đọc