Tâm lý “nghe ngóng” làm kinh tế ảm đạm hơn

14:00, 04/12/2012
|

(VnMedia) -  Do thông tin đại chúng và các báo cáo đều theo xu hướng bi quan nên mỗi nhà, mỗi người, mỗi đơn vị, mỗi tế bào xã hội… đều dừng chi tiêu để nghe ngóng. Điều này đã đẩy tình hình căng thẳng hơn - đại biểu HĐND của Hà Nội nhận định...

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Hà Nội, thảo luận tại tổ chiều 3/12, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đánh giá, năm 2013 sẽ là năm thực sự khó khăn của doanh nghiệp với mức độ có thể nặng hơn năm 2012. Tuy nhiên, theo ông Thắng, mức độ khó khăn này không phải hoàn toàn là thực chất của nền kinh tế mà có phần do tâm lý tiêu dùng. Đây chính là điều mà các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Thành phố chưa đề cập đến.


 Ảnh minh họa

 Các đại biểu HĐND thảo luận ở tổ chiều 3/12

 

Ông Thắng đánh giá, tình hình kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp rất khó khăn, nhưng thực tế không đến mức như vậy. Đại biểu Thắng cho rằng, do các ngành, các doanh nghiệp, các trào lưu thúc đẩy lẫn nhau cùng tạo nên một sự “khó khăn dồn” cho nền kinh tế 

 

Ví dụ như doanh nghiệp này định xây nhà cao tầng, thấy khó khăn thì dừng lại khiến cho vật liệu xây dựng không bán được, nhiều người định mua sắm tivi, tủ lạnh… thấy có vẻ khó khăn cũng dừng lại... Mỗi nhà, mỗi người, mỗi đơn vị, mỗi tế bào xã hội… đều dừng chi tiêu để nghe ngóng đã đẩy tình hình căng thẳng hơn. Điều này cho thấy còn thiếu vai trò tuyên truyền phổ biến...

 

Nhìn vào con số thì thấy, nợ công của chúng ta (cả nước - PV) là 57%, thấp hơn so với nhiều nước đang phát triển. Còn thực tế tình hình thu nhập, khả năng mua sắm của người dân cũng không đến mức như hiện nay. Vấn đề đặt ra là hầu hết phương tiện thông tin đại chúng, các báo cáo chủ yếu nêu khó khăn, hình như rọi vào quần chúng, vào người tiêu dùng một tư tưởng bi quan hơn là lạc quan. Chính xu hướng này tiếp tục đẩy tình hình khó khăn hơn.” - ông Thắng phân tích.

 

Đại biểu Thắng cũng thông tin, 1 trong 20 nhà lý luận hàng đầu thế giới về chiến lược phát triển kinh tế cũng đánh giá, tình hình kinh tế của Việt Nam không đến mức độ đáng ngại nhưng công tác định hướng tuyên truyền, ứng xử của chính quyền… đang đi theo hướng tiêu cực, lo lắng hơn là lạc quan.

 

Ông Thắng cho rằng, dù chỉ là 1 trong 63 đơn vị hành chính của cả nước, nhưng thị trường và quy mô của Hà Nội là lớn, vì vậy, Thành phố nên đưa vào giảipháp tháo gỡ khó khăn cho năm 2013 là định hướng chương trình tuyên truyền, khuấy động phong trào tiêu dùng… để tạo khí thế chứ không nên để tình hình ngày càng ảm đạm hơn.

 

Cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan

 

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận chính là việc tìm ra “thủ phạm” dẫn đến việc 10/15 chỉ tiêu của năm 2012 mà Thành phố không đạt được.

 

Theo đó, các đại biểu đều cho rằng, báo cáo của UBND Thành phố đã nêu lên nhiều nguyên nhân khách quan, tuy nhiên, đó là những nguyên nhân dễ thấy. Điều quan trọng là phải chỉ rõ được những nguyên nhân chủ quan, những hạn chế, yếu kém của điều hành, chỉ đạo, đánh giá tình hình và đặt ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể chứ không thể chung chung, định tính.   


 Ảnh minh họa

 Đại biểu Nguyễn Hoài Nam trong phiên thảo luận


Năm 2012 chúng ta có 10/15 chỉ tiêu không đạt, nếu 2013 chúng ta xây dựng bộ chỉ tiêu như thế này thì phải dựa trên cơ sở nào? Nếu không có, rồi lại kiểm điểm là không đạt, mà không đạt cũng chẳng thấy ai bị làm sao cả. Không đạt thì phải có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan thì dễ nói bởi nó là tình hình thế giới, thiên tai…, nhưng về chủ quan cần phải phân tích sâu hơn nữa” - đại biểu Nguyễn Hoài Nam nói.

 

Nói về giải pháp của năm 2013, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp không phải là mục tiêu tổng quát mà chỉ là giải pháp, trong đó, Thành phố không thể chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp bất động sản mà phải quan tâm đến cả những doang nghiệp khác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. “Chúng ta có hàng nghìn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề… đang tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Đây là chỗ chúng ta cần quan tâm chứ không phải chỉ nói là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách chung chung" - ông Nam phân tích.

 

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cũng nêu một ví dụ cụ thể, đó là việc Thành phố đưa ra giải pháp tiếp tục kiểm tra nhà đầu tư vi phạm đất đai. “Chúng tôi đã kiểm tra, đã chỉ ra cả một danh mục các dự án bỏ hoang 10-15 năm. Vậy mà bây giờ Thành phố vẫn đưa ra giải pháp tập trung rà soát. Điều cần làm bây giờ là giải quyết ra sao, thu hồi thế nào chứ không phải là kiểm tra”.

 

Ông Nam cũng thông tin rằng, có nhiều vấn đề, HĐND Thành phố đã giám sát, chỉ ra bất cập, đề ra nhóm giải pháp, nếu Thành phố chấp nhập thì đưa vào giải pháp thực hiện, hoặc không chấp nhận thì đưa ra thảo luận chứ không phải tiếp tục đưa ra những giải pháp định tính kiểu tăng cường, nâng cao… “Đó chỉ là khẩu hiệu mà sau này không thể dùng để kiểm điểm được” - ông Nam nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, đại biểu Hồ Quang Lợi cho rằng, cần đánh giá sâu hơn về những nguyên nhân chủ quan khiến kết quả không đạt chỉ tiêu năm 2012, từ đó xem xét chỉ tiêu của năm 2013 đặt ra có cơ sở hay không hay có khả thi không. “Các chỉ tiêu đã không đặt ra thì thôi, nếu đã đặt ra thì phải tính toán đầy đủ, xác thực để cố gắng làm được chứ không phải đặt ra là để phấn đấu, cuối năm lại nêu lý do không đạt được" - ông Lợi nhấn mạnh.

 

Ông Lợi cũng cho rằng, bên cạnh hỗ trợ các thành phần kinh tế cơ bản thì phải chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vì bộ phận này nếu không có công ăn việc làm sẽ xảy ra nhiều hệ luỵ.

Đại biểu Nguyễn Đình Dương thì cho biết, năm 2012, có 37/187 công trình đặt ra kế hoạch là phải hoàn thành nhưng không hoàn thành, tuy nhiên trong báo cáo của Thành phố cũng không đánh giá nguyên nhân chủ quan.


Trong khi đó, đại biểu huyện Phúc Thọ nêu ý kiến rằng, cần làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn, bởi mặc dù nền kinh tế đang khó khăn, đầu tư công đã bị thu hẹp nhưng phần vốn trong kế hoạch cũng bị giải ngân quá chậm đã góp phần làm cho nền kinh tế bị đình trệ thêm.


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc