Hà Nội muốn tăng phí sử dụng hè, lề đường

16:09, 04/12/2012
|

(VnMedia) - Ủy ban Kinh tế và Ngân sách HĐND Thành phố thống nhất với đề nghị của UBND về việc phân vùng để điều chỉnh mức thu trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô, đồng thời bãi bỏ 3 loại phí...

 

Theo Trưởng ban Kinh tế và ngân sách Nguyễn Văn Nam, trong kỳ họp này, UBND sẽ trình quy định điều chỉnh mức thu và tỷ lệ để lại của phí sử dụng hè, lề đường, bến, bãi trông giữ xe ô tô. Ban Kinh tế và Ngân sách thống nhất sự cần thiết phải điều chỉnh mức phí này cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng bộ với phí trông giữ phương tiện.

 

Đặc biệt, Ban Kinh tế và Ngân sách đồng tình với phương án phân vùng để điều chỉnh mức thu trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được HĐND Thành phố thông qua.

 

Riêng mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè đối với Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, Ban thống nhất tạm thời điểu chỉnh mức thu từ 2% doanh thu lên 3% doanh thu như đề nghị của UBND, đồng thời, đề nghị HĐND giao UBND xây dựng phương án để chuyển toàn bộ việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lề đường sang thu theo mét vuông sử dụng trình HĐND tại kỳ họp giữa năm 2013.

 Ảnh minh họa

Thành phố sẽ phân vùng để điều chỉnh mức thu trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô

 

Để quản lý và thực hiện tốt việc thu phí nói trên, Ban Tài chính và Ngân sách đề nghị UBND sớm tổ chức tổng kết việc thí điểm mô hình “khoán quản” tại quận Hoàn Kiếm để làm cơ sở thực hiện thống nhất mô hình tổ chức thu phí sử dụng hè, lề đường, bến, bãi trông giữ xe ô tô trên toàn địa bàn Thành phố. Đồng thời, Ban cũng đề nghị UBND cần tăng cường các biện pháp quản lý, có giải pháp cụ thể và quyết liệt đảm bảo việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân trông giữ phương tiện về mức thu phí, về sử dụng vé đúng quy định, về nộp ngân sách… Kiên quyết thu hồi giấy phép của tổ chức, cá nhân vi phạm.

 

Ủy ban Kinh tế và Ngân sách cũng đề nghị Thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các điểm đỗ xe, bãi trông giữ phương tiện công cộng; tiếp tục rà soát sắp xếp lại các điểm trông giữ phương tiện giao thông trên vỉa hè, lòng đường đảm bảo diện tích giao thông, hè cho người đi bộ, nhất là các tuyến phố chính và các tuyến phố có nhiều người đi bộ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; hạn chế tiến tới chấm dứt việc cấp phép trông giữ phương tiện tại các gầm cầu đường bộ.

 

Đặc biệt, Ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị UBND Thành phố tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn thu phí, lệ phí để lại đảm bảo sử dụng đúng mục đích theo dự toán thu, chi; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; Tiếp tục xây dựng đủ các loại phí, lệ phí theo quy định; rà soát, điều chỉnh những loại phí đang bất hợp lý, những loại phí, lệ phí thay đổi do chính sách của các Bộ, ngành Trung ương, kịp thời trình HĐND Thành phố quyết định theo thẩm quyền.

 

Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Văn Nam cũng đề nghị UBND Thành phố bổ sung vào Nghị quyết việc giao UBND Thành phố xây dựng phương án để chuyển toàn bộ việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lề đường sang thu theo mét vuông sử dụng, trình HĐND tại kỳ họp giữa năm 2013.

 

Thành phố được yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý, có giải pháp cụ thể và quyết liệt đảm bảo việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân trông giữ phương tiện về mức thu phí, về sử dụng vé đúng quy định, về nộp ngân sách… Kiên quyết thu hồi giấy phép của tổ chức, cá nhân vi phạm.

 

HĐND Thành phố thống nhất với đề nghị của UBND về việc bãi bỏ 3 loại phí, lệ phí quy định tại Danh mục các khoản phí, lệ phí kèm theo Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 do căn cứ pháp lý ban hành hết hiệu lực.

 

Các khoản phí đó bao gồm: Phí dự thi, dự tuyển; Phí thẩm định kết quả đấu thầu; phí cung cấp thông tin doanh nghiệp.
 

HĐND cũng thống nhất ban hành mức thu mới thay cho mức thu cũ đối với 2 loại phí gồm: Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; (Phí đấu giá, phí tham gia đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời, bổ sung 1 loại phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử (Phí tham quan Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long) để phù hợp với tình hình thực tiễn và quản lý nhà nước đối với di sản văn hoá thế giới.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc