“Khó phục dựng lại nguyên trạng chùa Trăm Gian”

06:21, 31/08/2012
|

(VnMedia) - Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Hà Nội, việc chùa Trăm Gian bị xâm hại là mất mát không nhỏ vì đã phá dỡ đi thì không thể tính toán được. Ngay cả việc phục dựng lại cũng khó có thể phục dựng nguyên trạng ban đầu vì có hang nghìn chi tiết, không thể biết bỏ xót chi tiết nào.

>>>5 tỷ đến chậm, chùa nghìn tỷ bị phá 
 

Xung quanh vụ chùa Tram Gian tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị phá bỏ xây mới, chiều 30/8, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) chức họp báo chính thức để thông báo về sự việc này. Cuộc họp thu hút gần 100 phóng viên các báo, đài tham gia.
 
Chỉ có hai hạng mục bị phá bỏ
 
Theo Sở VH, TT&DL Hà Nội, ngày 24/98 sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, đơn vị này đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng về kiểm tra trực tiếp tại di tích chùa Trăm Gian. Cùng kiểm tra có Thanh tra Bộ VH, TT&DL, Cục Di sản văn hóa, Ủy ban xã Tiên Phương….
 
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại di tích chùa Trăm Gian có hai hạng mục bị hạ giải là: gác Khánh và nhà Tổ (không phải toàn bộ di tích). Hai hạng mục này đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sập đổ. 
 
Đại diện Sở VH, TT&DL Hà Nội cho biết, cuối năm 2011, liên Sở gồm: VH, TT&DL, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban huyện Chương Mỹ đã có văn bản đòng trình UBND Hà Nội cho phép hạ giải ngay các hạng mục này và đề nghị đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo nhưng chưa bố trí được nguồn kinh phí đầu tư.
 
Trong khi các thủ tục đầu tư của UBND Hà Nội và Sở VH, TT&DL đang hoàn thiện để thực hiện dự án thì trong đợt mưa bão vừa qua, hạng mục nhà Tổ bị hư hỏng nặng hơn (theo giải trình của sư trụ trì Thích Đàm Khoa). Nguy cơ sẽ kèm theo sập đổ toàn bộ kết cấu khung nhà đang bị hư hỏng, gây hư hại hệ thống tượng phật và mất an toàn cho khách thập phương vào hành lễ nên nhà chùa tự ý tháo dỡ và thi công nhà Tổ cùng hạng mục gác Khánh.
 
Việc thi công nhà Tổ và gác Khánh được thực hiện trên nền móng cũ, giữ nguyên các bước gian theo hiện trạng, chất liệu gỗ cũng được nhà chùa sử dụng nằm trong nhóm tứ thiết (gỗ lim), hình thức kiến trúc theo kiến trúc cổ truyền thống nhưng chưa đúng theo nguyên gốc và hồ sơ thiết kế. 
 
"Việc nhà chùa tự ý hạ giải và thi công hai hạng mục nói trên của di tích là sai nguyên tắc, không báo cáo chính quyền để làm thủ tục theo đúng quy trình, đã vi phạm Luật Di sản văn hóa cùng các quy định hiện hành", thông cáo báo chí của Sở VH, TT&DL nêu rõ.

Ảnh minh họa

Nhà Tổ chùa Trăm Gian bị phá đi để làm mới không theo quy trình, quy định - ảnh: Báo Lao động

 
Có cơ sở để phục dựng lại di tích đã bị dỡ

 
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội cho biết, với những sai phạm xảy ra tại chùa Trăm Gian, chiều 29/8, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo, đình chỉ ngay việc thi công hai hạng mục nhà Tổ và gác Khánh, có biện phá xử lý sai phạm; bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của nhà Tổ, gác Khánh và đá bậc cấp cũ trước sân tiền đường.
 
Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ đạo, nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa cấu kiện cũ của công trình và thiết kế được thỏa thuận. Đồng thời, tiến hành thanh tra, xác định rõ sai phạm của các cá nhân và tập thể liên quan để xử lý theo quy định.
 
Đề cập đến vấn đề xử lý trách nhiệm các đơn vị liên quan, ông Giám đốc VH, TT&DL cho biết, việc chùa Trăm Gian bị xâm hại có trách nhiệm của Ban Quản lý di tích, của UBND huyện Chương Mỹ, của xã Tiên Phương và cả Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch….
 
“Bằng ấy cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm về việc xâm hại chùa Trăm Gian nhưng trách nhiệm đến đâu phải chờ kết luận của cơ quan điều tra”, ông Long nói.

Lãnh đạo SởVH, TT&DL cũng thừa nhận, điểm mấu chốt dẫn đến sai phạm ở chùa Trăm Gian chính là sự thiếu kiểm tra, giám sát. Vì thế, sau hơn một tháng các hạng mục bắt đầu bị hạ giải (đầu tháng 6), chính quyền địa phương và ban quản lý di tích mới nắm được thông tin và báo cáo. 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm trực tiếp thuộc về mình. “Tôi và chủ tịch UBND xã Tiền Phương sẽ chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự việc. Còn mức độ xử lý thế nào đối với tập thể, cá nhân từ xã đến huyện, nhà sư và ban quản lý di tích thì chúng tôi sẽ chấp hành theo kết luận thanh kiểm tra”, Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông thẳng thắn.

Đề cập đến khả năng phục hồi lại các hạng mục bị dỡ bỏ, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết, sau khi chùa bị dỡ xuống, đơn vị này đã xuống khảo sát hiện trường và đã kịp thời giữ nguyên được một số cấu kiện, các cột, ngói, chân cột cũ.
 
Hiện các hồ sơ thiết kế từ thời Pháp và hồ sơ khảo sát trước khi lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian vẫn còn. Qua khảo sát cho thấy, một số cấu trúc ban đầu còn nguyên và đủ để phục hồi nguyên trạng theo thiết kế ban đầu.

“Khi đã bị phá dỡ thì rất khó phục hồi theo nguyên trạng nhưng vẫn có thể đảm bảo sẽ phục hồi gần được như nguyên trạng ban đầu”, ông Vinh cho biết.
 
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Phạm Quang Long, Giám đốc VH, TT&DL thì ngay cả như vậy cũng khó có thể phục dựng lại như trước vì có hàng nghìn chi tiết, khi đã dỡ bỏ thì không ai biết còn xót chi tiết nào nên chỉ có thể phục dựng gần giống với hiện thực.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc