Yêu cầu phục hồi nguyên trạng chùa Trăm Gian

18:44, 29/08/2012
|

(VnMedia) - UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu đình chỉ ngay việc thi công tại di tích chùa Trăm Gian, một ngôi chùa “nghìn tuổi” của Hà Nội, phục hồi nguyên trạng và có biện pháp xử lý sai phạm…

 

Những ngày gần đây, thông tin về việc chùa Trăm gian, một ngôi chùa nghìn tuổi của Hà Nội đã bị phá đi để xây mới khiến dư luận thực sự bức xúc. Điều đáng nói là cho đến khi báo chí đưa tin thì cơ quan chức năng mới biết và vào cuộc.

 

Sau khi báo chí đưa tin, hôm 24/8, Cục Di sản Văn hoá và Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra di tích chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Cùng kiểm tra có Phòng quản lý di sản thuộc Sở VH - TT&DL Hà Nội, đại diện Ban Quản lý di tích và thắng cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương và sư Thích Đàm Khoa - trụ trì chùa Trăm Gian.

 

Tại thời điểm kiểm tra, công trình nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp từ gác chuông lên sân tiền đường đã bị nhà chùa dỡ bỏ hoàn toàn và được xây dựng mới. Nhà tổ cơ bản đã được lợp mái, gác Khánh đã lắp dựng xong bộ khung gỗ. Kiến trúc hai công trình trên được nhà chùa cho thi công không dựa trên thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Toàn bộ cấu kiện gỗ, ngói lợp và chân tảng cũ của nhà Tổ và gác Khách đã bị nhà chùa loại bỏ, để chất đống phía sau chùa và không được bảo quản tốt.

 

Cùng với đó, bậc cấp lên sân tiền đường được làm mới hoàn toàn bằng đá xanh, các bậc cấp bằng đá cũ còn khả năng sử dụng được nhà chùa để ngổn ngang trong khu vực sân chùa.


 Ảnh minh họa

 Nét cổ kính của chùa Trăm Gian

 

Trước thực trạng này, Sư trụ trì chùa Trăm Gian đã nhận trách nhiệm tự ý tháo dỡ, thi công tu bổ nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp phía trước tiền đường khi chưa được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, đồng thời đơn vị thi công do nhà chùa thuê đều là thợ địa phương, không có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

 

Trước những vi phạm xảy ra tại di tích chùa Trăm Gian nêu trên, theo đề nghị của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, ngày 28/8, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố đình chỉ ngay việc thi công tại di tích chùa Trăm Gian và có biện pháp xử lý sai phạm. Đồng thời, lãnh đạo Thành phố cũng yêu cầu bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của nhà Tổ, gác Khánh và đá bậc cấp cũ trước sân tiền đường.

 

Thành phố cũng yêu cầu nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc tam cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thoả thuận.

 

Chùa Trăm Gian có tên chữ là chùa Quảng Nghiêm, được lập từ thời vua Lý Cao Tông, niên hiệu Trịnh Phù thứ 10 (1185). Đến thời nhà Trần, chùa là nơi tu học của hoà thượng Bình An, tên thật là Nguyễn Lữ, quê ở Bối Khê. Tương truyền, hoà thượng là người tinh thông kinh sách, có nhiều phép lạ nên sau khi ông mất, dân làng xây tháp để gìn giữ hài cốt và tôn là Đức Thánh Bối. Chùa vừa thờ Phật vừa thờ Đức Thánh Bối. Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo gồm 104 gian.


 Ảnh minh họa

 Đã bị phá đi để làm mới như thế này - ảnh: báo Lao Động

 

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội xẩy ra hiện tượng phá dỡ các ngôi chùa có giá trị lịch sử để xây mới mà không tuân theo các quy định của pháp luật. Trước đó, Một số người dân phản ánh, một ngôi chùa cổ ở xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, đã bị "trùng tu" bằng cách phá cũ xây mới. Đây là ngôi chùa Di Đà ở xã Cam Thượng, một ngôi chùa cổ thờ Đức Thánh Tản được xây dựng từ mấy thế kỷ trước. Nguyên do để người ta phá ngôi chùa hàng trăm năm tuổi để xây mới rất đơn giản.

 

Đó là do có một gia đình quê ở Hải Phòng suốt nhiều năm đi tìm người thân nhưng không thấy. Một lần vô tình họ xuất hiện ở chùa Di Đà và được biết sư cụ trụ trì chùa chính là thân nhân của mình, nhưng không biết nơi sư cụ được chôn cất ở đâu. Sau đó, bằng phương pháp ngoại cảm, họ tìm được hài cốt của sư cụ ngoài cánh đồng và tiến hành xây lăng. Để đền ơn đáp nghĩa mảnh đất mà thân nhân mình đã sinh sống và gửi lại thân xác, gia đình người Hải Phòng đã xin hiến gỗ xây chùa và đã được địa phương đồng ý.

 

Việc phá dỡ những ngôi chùa hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi để xây mới luôn khiến dư luận bất bình và tiếc nuối. Điều đáng nói là, mặc dù Luật di sản đã quy định rất rõ ràng về trách nhiệm cũng như quy trình trùng tu các di sản, thế nhưng, những sự việc vô cùng đáng tiếc như trên vẫn tiếp tục xảy ra.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc