VPF đã khác xưa?

11:58, 29/03/2014
|

(VnMedia) - Một trong những sự thay đổi sau Đại hội VII với nhiệm kỳ mới 2014-2018, với ban lãnh đạo mới của VFF, là mối quan hệ và liên kết hoạt động giữa VFF và VPF.

 

VPF không phải “công ty tổ chức sự kiện”

 

Đại hội khóa VII nhiệm lỳ 2014-2018 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã tiến hành xong. Bóng đá Việt Nam đã có người lãnh đạo mới, đó là ông Lê Hùng Dũng. Sau 2 nhiệm kỳ kéo dài 8 năm, ông Nguyễn Trọng Hỷ đã chính thức “nghỉ hưu”. Sẽ có rất nhiều những sự thay đổi với bóng đá Việt Nam, với sự điều hành, lãnh đạo các hoạt động của bóng đá quốc nội trong những năm tới, còn có thành công hay không thì còn cần phải chờ thời gian và giờ thì chưa ai khẳng định được.

 

Một trong những sự thay đổi lớn nhất, sẽ là sự phối hợp hoạt động giữa VFF và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Hai tổ chức này, một đóng vai trò điều hành lãnh đạo, một đang đóng vai trò tổ chức các giải đấu của bóng đá Việt Nam sẽ có những sự điều chỉnh trong phối hợp hoạt động. Nói một cách đơn giản hơn, trước đây VFF và VPF có những lúc cách xa nhau, “vênh” nhau, thậm chí mâu thuẫn, nhưng giờ đây thì chuẩn bị trở nên “tuy hai mà một”.


        Ảnh minh họa
                          Sau Đại hội khóa VII nhiệm kỳ 2014-2018 của VFF, mối quan hệ
                                                 VFF và VPF sẽ có nhiều thay đổi

 

Nhìn lại sự ra đời của VPF, thì mục đích ra đời của công ty này phần lớn nằm ở chính sự mâu thuẫn, ở sự “không phục” của các ông bầu bóng đá với cách điều hành các giải đấu bóng đá Quốc gia của VFF. VPF ra đời bắt đầu từ một bài phát biểu “nổ súng” của ông bầu Nguyễn Đức Kiên trong một hội nghị của VFF. Trong đó, bầu Kiên không ngần ngại chỉ rõ, vạch ra những yếu kém của VFF, từ đó đòi hỏi phải có sự ra đời của một tổ chức, một công ty chuyên nghiệp để điều hành tốt hơn các giải đấu. Bầu Kiên và các ông bầu khác cùng đứng lên thành lập VPF. Nhiều người không hiểu chuyện lúc đó còn mạnh miệng nói rằng VPF ra đời là đẩy lùi luôn vai trò của VFF. VFF và VPF vênh nhau ở rất nhiều điểm, chẳng hạn như vấn đề bản quyền truyền hình, khi VFF đã bán đứt cho đối tác AVG với 1 bản hợp đồng dài hạn, nhưng VPF và bầu Kiên kiêm quyết chiến đấu để đòi lại.

 

Rõ ràng, một nền bóng đá cần đến 1 công ty chuyên tổ chức điều hành thi đấu của các giải đấu là cần thiết, nhưng công ty đó phải trực thuộc liên đoàn, liên đoàn với vai trò “chủ giải” phải điều hành tốt cái công ty đang điều hành giải đấu của mình, và có sự vênh nhau là điều không ổn.

 

VFF - VPF trở thành "tuy hai mà một"

 

Rất nhiều biến động đã xảy ra, bầu Kiên vướng vòng lao lý và không còn hiện diện trong lĩnh vực bóng đá. VPF từ khi xuất hiện, với sự kì vọng lớn, do rất nhiều nguyên nhân đã chưa thể cải thiện được tốt hơn chất lượng giải đấu V-League. Các ĐTQG, ĐT U23 thất bại ở các giải đấu liên tiếp là lỗi của VFF, giải bóng đá đầy bạo lực, bất ổn định khi nhiều đội bóng bỏ giải, công tác trọng tài vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, cái này thuộc trách nhiệm của VPF. Trong khi đó, thành tích của ĐTQG lại có liên quan mật thiết đến giải VĐQG, cái ngọn đương nhiên phải có sự liên quan đến cái thân cây.

 

VPF cứ mờ nhạt dần đi, và với nhiệm vụ chính là tổ chức, điều hành các giải đấu bóng đá khiến nhiều người nói rằng thực chất đây chỉ là một “công ty tổ chức sự kiện”. Điều dễ thấy nhất ở việc VPF thiếu đi “quyền” nằm ở việc các sai phạm nằm ở giải đấu do VPF tổ chức, nhưng người xử, và có quyền xử các sai phạm này, đương nhiên vẫn là VFF.

 

Tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi còn đang nắm quyền chủ tịch đã có phát biểu rằng một trong những điều cần thay đổi trong thời gian tới là thay đổi mối quan hệ với “đối tác” VPF, rằng Công ty cổ phần chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam không phải “thằng em sai vặt”, chỉ lo đi tổ chức thi đấu cho “ông anh”.

 

Sau khi bầu Kiên bị bắt, VPF do ông Võ Quốc Thắng quản lý. Bầu Thắng không thiết nhiệt huyết, nhưng là người mềm tính hơn, ít có những phát biểu quyết liệt. Bầu Thắng với bầu Đức vốn nằm trong nhóm các ông bầu lập nên VPF, và giờ đây bầu Đức đang đóng vai trò Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF. Ông Lê Hùng Dũng, bầu Thắng, bầu Đức rõ ràng thân nhau hơn, dễ nói chuyện, dễ hợp tác cùng nhau hơn so với bầu Kiên và ông Nguyễn Trọng Hỷ khi xưa.

 

Rõ ràng, nếu VFF và VPF trở thành “tuy hai mà một” thì sẽ có ích, có lợi nhiều hơn cho bóng đá Việt Nam .


Quang Anh

Ý kiến bạn đọc