Bi kịch như Quả bóng vàng Việt Nam!

15:53, 14/04/2013
|

(VnMedia) - Được xem là danh hiệu cao quý nhất của làng bóng đá Việt Nam, nhưng cuộc bình chọn năm nay không dễ tìm ai là người xứng đáng nhất. Thậm chí sự sa sút ở cấp độ đội tuyển, có lúc ban tổ chức còn phải hạ các chỉ tiêu khắt khe để tìm người trao giải.
 
Nghịch lý lựa chọn số 1

 
Kể từ lúc ra đời, ban tổ chức Quả bóng vàng Việt Nam luôn coi thành tích, màn trình diễn ở tầm đội tuyển là thước đo quyết định thành công. Đây là tiêu chí chuẩn mực dựa trên những đóng góp cho nước nhà, chứ không chỉ vì màn trình diễn ở tầm câu lạc bộ. Cứ tùy vào năm lẽ tổ chức SEA Games, năm chẵn tổ chức AFF Cup, ban tổ chức lại lựa chọn 5 cái tên sáng giá nhất cho cuộc bầu chọn cuối cùng.
 
Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, luật áp dụng quá khắt khe đã khiến ban tổ chức mỏi mắt tìm ngôi sao xuất sắc nhất. Như trường hợp đội trưởng Nguyễn Minh Phương nhận Quả bóng vàng Việt Nam 2010 cũng từ việc anh giã từ sự nghiệp ở cấp độ đội tuyển. Trong thời điểm những gương mặt sáng giá khác chơi không thực sự nổi trội ở AFF Cup 2010, Phương "captain" lần đầu tiên bước lên vị trí cao nhất của làng bóng đá nam Việt Nam.
 
Quả bóng vàng năm ấy như sự tri ân với Minh Phương thay vì anh thực sự bùng nổ ấn tượng trên sân cỏ. Nhưng dù sao cuộc bầu chọn năm ấy vẫn được người trong nghề và giới chuyên môn thừa nhận xứng đáng, trong khi 2 năm trở lại đây trở thành thảm họa cho ban tổ chức Quả bóng vàng Việt Nam.

Ảnh minh họa

Khi tuyển Việt Nam (trắng) sa sút ở giải đấu khu vực gần đây, ban tổ chức
Quả bóng vàng Việt Nam vất vả tìm người xứng đáng để trao danh
hiệu

Như SEA Games 2011, U23 Việt Nam chơi thất vọng ở Indonesia. Nhìn đi, nhìn lại mãi cũng không có được tuyển thủ nào thực sự nổi trội. Có lúc ban tổ chức còn lúng túng khi cầu thủ nhập tịch Huỳnh Kesley còn nổi trội hơn các đồng nghiệp Việt Nam và có nguy cơ nhận danh hiệu Quả bóng vàng 2011, khiến giải thưởng mất đi giá trị tôn vinh các cầu thủ bản địa.
 
Cuối cùng Phạm Thành Lương lần thứ 2 trong sự nghiệp được nhận danh hiệu cao quý trên. sau lần đầu tiên vào năm 2009. Nhưng chính chủ nhân họ Phạm cũng bất ngờ khi được ban tổ chức xướng tên. Bởi ở tầm câu lạc bộ lẫn U23 Việt Nam trong năm 2011, Thành Lương chơi không nổi bật bằng so với cả Trọng Hoàng, Văn Quyết.
 
Nhưng Trọng Hoàng sau khi đưa Sông Lam Nghệ An vô địch V-League lại chơi quá tệ ở Indonesia. Văn Quyết dù bùng nổ ở V-League nhưng cũng chơi không hay ở SEA Games. Kết quả Trọng Hoàng giành Quả bóng bạc, còn Văn Quyết nhận danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2011.
 
Người đáng lý đoạt danh hiệu là Huỳnh Kesley chỉ nhận Quả bóng đồng, chỉ vì anh không phải người bản địa, cho dù màn thể hiện ở V-League của Kesley còn nổi trội hơn 4 ứng viên còn lại, trong khi thành tích U23 Việt Nam cũng chỉ là tham khảo.
 
Bi kịch nối dài với Quả bóng vàng 2012

Cuộc bầu chọn năm 2012 sắp đến gần, nhưng ban tổ chức Quả bóng vàng Việt Nam còn đau đầu hơn với những tiêu chí lựa chọn đã đặt ra. Hầu hết những gương mặt số má bóng đá Việt Nam như Thành Lương, Công Vinh, Tấn Tài, Quang Hải... đều chơi thất vọng ở AFF Cup 2012. Việc tuyển Việt Nam chỉ có 1 điểm và sớm rời cuộc chơi từ vòng bảng, khiến cuộc đua tìm tân chủ nhân Quả bóng vàng Việt Nam bỗng nhiên đi vào ngõ cụt.
 
Đáng nói Quả bóng vàng như phần thưởng cao quý mà bất cứ cầu thủ nào cũng nỗ lực để có được. Nhưng năm 2012, khi tất cả những ngôi sao sáng nhất làng bóng đá nội đều tắt lịm, khiến cuộc bầu chọn rơi vào ngõ cụt. Đã có ý tưởng tạm không trao danh hiệu Quả bóng vàng năm nay cho các nam cầu thủ bản địa, nhưng đã bị nhiều phóng viên, nhà báo thể thao phản đối.
 
Không còn cách nào khác khi ban tổ chức buộc phải hạ chỉ tiêu rất nhiều để phù hợp bối cảnh mới đầy sa sút của bóng đá nội. Không chỉ có thời gian đóng góp nhiều năm cho bóng đá nước nhà, mà các cầu thủ mới xuất hiện, tỏa sáng trong thời gian ngắn, hoặc căn cứ phong độ, màn thể hiện tại V-League 2012, để làm thước đo đưa vào danh sách đề cử của giải nam.

Ảnh minh họa

Trước lễ trao giải 2012, ban tổ chức Quả bóng vàng Việt Nam phải
hạ nhiều tiêu chí để phù hợp bức tranh ảm đạm của bóng đá nước nhà

Thế mới có trường hợp những tân binh ở tầm tuyển như Âu Văn Hoàn (Sông Lam Nghệ An), Nguyễn Gia Từ (V.Ninh Bình) cũng có cơ hội được đề cử. Hoặc cựu thủ quân tuyển Việt Nam Nguyễn Minh Phương từng đoạt danh hiệu này vào năm 2010 bất ngờ trở lại danh sách bầu chọn, dù anh chỉ chủ yếu chơi bóng cùng SHB.Đà Nẵng.

Hoặc Huỳnh Quốc Anh sau sự cố bán độ SEA Games 2005 cùng Văn Quyến, Bật Hiếu, Phước Vĩnh... cũng trở lại chói sáng trong màu áo SHB.Đà Nẵng và tuyển quốc gia. Cùng ba gương mặt cũ là Nguyễn Trọng Hoàng, Huỳnh Kesley, Văn Quyết, Thành Lương, Tấn Tài, Minh Đức... tuy nhiên chất lượng Quả bóng vàng 2012 không được đánh giá cao như trước.
 
Việc ban tổ chức phải đo ni, đóng giày cho phù hợp sự sa sút của bóng đá nước nhà vô tình giảm đi sức hút, danh giá của danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam. Thay vì khích lệ các cầu thủ nỗ lực, bền bỉ để chạm đến đỉnh cao trong sự nghiệp, chính Quả bóng vàng Việt Nam lại phải "gò" mình phù hợp bối cảnh thất bại toàn tập của bóng đá nước nhà ở đấu trường khu vực và những cú ngã từ SEA Games đến AFF Cup vừa qua là điển hình.   


Phương Thảo

Ý kiến bạn đọc