Không xác định được hậu quả, khó phạt tù lái xe!

13:56, 26/04/2015
|

(VnMedia)- Các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông thuộc nhóm tội phạm có cấu thành vật chất, phải có hậu quả xảy ra mới có căn cứ xác định được mức độ phạm tội. Để khép một người vi phạm vào một tội danh cụ thể cần có quá trình điều tra, truy tố, xét xử chứng minh hành vi ấy cấu thành tội phạm.

>>
Phạt tù lái xe có cồn trong máu: Đề xuất cho vui?
>> Như thế nào là điều khiển phương tiện khi say?
>> Bao nhiêu cồn trong máu sẽ bị phạt tù?
>> Lại đề xuất phạt tù lái xe uống rượu, bia

Liên quan đến đề xuất phạt tù lái xe uống rượu bia, nhìn nhận từ góc độ một chuyên gia pháp luật, Đại tá Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế, Cải cách thủ tục hành chính và tư pháp Bộ Công an, cho rằng ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm phải xử lý nghiêm khắc với người say rượu điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này có một số vấn đề phải đặt ra.

Tại Khoản 4 Điều 202 Bộ Luật hình sự đã quy định vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Vấn đề đặt ra ở đây thế nào là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”? Năm 2013, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cáo và Tòa án Nhân dân Tối cao đã có Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông. Tại Điều 2 của Thông tư này đã hướng dẫn “Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt”, theo đó “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là làm chết từ ba người trở lên; làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này; Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này; Gây tổn hại cho sức khỏe của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên…

Theo Đại tá Trần Thế Quân, các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông thuộc nhóm tội phạm có cấu thành vật chất, phải có hậu quả xảy ra mới có căn cứ xác định được mức độ phạm tội. Để khép một người vi phạm vào một tội danh cụ thể cần có quá trình điều tra, truy tố, xét xử chứng minh hành vi ấy cấu thành tội phạm. Do đó sẽ rất khó xác định thế nào là khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nguy hiểm nếu không được ngăn chặn kịp thời đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 100miligam/100ml máu hoặc vượt quá 04miligam/1 lít khí thở. Bởi sẽ có trường hợp người có nồng độ cồn như vậy nhưng  không gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì xử lý thế nào? Vì vậy Đại tá Trần Thế Quân cho rằng với quy định pháp luật hiện hành, đề xuất này là quá sớm.

Đại tá Nguyễn Hữu Luyện, nguyên Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, cho rằng đề xuất này không phù hợp với thực tế, bởi không thể xử lý hình sự hành vi vi phạm hành chính.

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc