Nghịch tử dùng chày đập chết bố có thể nhận án tử

07:26, 04/04/2015
|

(VnMedia) - Hành vi dùng chày giết bố của Mạnh đã phạm tội Giết người. Với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như có tính chất côn đồ, giết bố đẻ, Mạnh có thể phải nhận mức án cao nhất là tử hình...

Ảnh minh họa
Đối tượng Nguyễn Văn Mạnh

Đứa con bất hiếu

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vừa xảy ra vụ án mạng con trai giết chết bố. Theo đó, vào tối 1/4, sau khi uống rượu với 3 người bạn, Nguyễn Văn Mạnh (36 tuổi, trú xóm Vườn Rau, Thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hoá) trở về nhà cãi nhau và xảy ra xô xát với ông Nguyễn Văn Sơn (60 tuổi, là bố đẻ của Mạnh, hiện đang ở cùng nhà) về việc chuyển giao quyền sử dụng đất trong gia đình.

Sau khi đã dùng tay đấm liên tiếp vào người ông Sơn, Mạnh khóa cửa, cầm chày đánh nhiều nhát vào vùng mặt, vùng ngực, tay, đầu gối ông Sơn rồi ép ông viết giấy chuyển quyền sử dụng đất cho mình.

Sáng hôm sau Mạnh phát hiện bố đã tử vong liền chạy đi thông báo với chị gái Nguyễn Thị T. (38 tuổi,  ở cùng xóm) là bố tử vong. Sự việc sau đó được thông báo lên cơ quan công an.

Lúc đầu, Mạnh khai nhận có xô xát với bố đẻ, song khẳng định, ông Sơn tử vong vì bị ngã sau khi uống rượu. Qua đấu tranh, Nguyễn Văn Mạnh đã thừa nhận hành vi phạm tội. Cơ quan công an đã thu giữ được chiếc chày - hung khí đối tượng sử dụng khi gây án.

Ngày 3/4, Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Mạnh về hành vi giết người.

Vụ việc xảy ra ở trên khiến dư luận vô cùng bức xúc trước hành vi côn đồ, vô lương tâm của đứa con bất hiếu. Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào đối với hành vi giết bố đẻ của hung thủ?

Có thể tử hình

Trả lời câu hỏi về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, đây là một thảm kịch trong gia đình, gây bàng hoàng trong xã hội khi đối tượng Nguyễn Văn Mạnh chỉ vì mâu thuẫn nhỏ khi uống rượu đã nhẫn tâm dùng chày đánh bố tử vong. Hành vi của đối tượng Nguyễn Văn Mạnh đã phạm tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 93 BLHS với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như có tính chất côn đồ, giết bố đẻ. Do vậy, mức án cao nhất đối tượng có thể phải nhận là tử hình.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, khi cơ quan công an bắt khẩn cấp đối tượng Mạnh khai nhận có đánh bố, nhưng bố chết là do say rượu và bị ngã. Nhưng qua kết luận giám định cảu cơ quan chuyên môn về cơ chế hình thành thương tích dẫn tới tử vong do tác động của hung khí là chiếc chày gây ra thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về hậu quả giết người với lỗi cố ý trực tiếp.

Việc khai báo ban đầu của đối tượng là quyền của Bị can nhằm trốn tránh trách nhiệm hoặc làm giảm nhẹ hành vi. Theo qui định tại Điều 10 BLTTHS, xác định sự thật vụ án thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Luật sư Thơm cho biết thêm, đối tượng Nguyễn Văn Mạnh là người nghiện ma túy và sau khi uống rượu đã đánh chết bố đẻ mình thì hành vi dùng chất kích thích hay uống rượu say không phải là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng các chất kích thích là ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Nếu cố tình sử dụng các chất kích thích mà gây ra hậu quả đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó.

Điều 14 BLHS đã qui định “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Quá trình điều tra, cần thiết phải làm rõ các vấn đề liên quan đến nhân thân, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của của đối tượng đã từng đi điều tri bệnh liên quan đến tâm thần liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích hay không. Nếu đối tượng có dấu hiệu bất thường về tâm thần thì cần thiết phải cho đối tượng đi giám định năng lực chịu trách nhiệm hình sự để làm căn cứ xử lý theo qui định của pháp luật. Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của Bị can.

Nếu xác định bị can không có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi mà chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà giết người thì còn bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng có tính chất côn đồ và tình tiết giết bố đẻ.

Nếu đối tượng bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Hành vi phạm tội của Bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi.

Điều 93, Bộ luật hình sự. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

.....

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.

................


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc