Tham nhũng nộp tiền có thể thoát án tử hình

14:25, 18/04/2015
|

(VnMedia)- Ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, nếu người phạm tội tham nhũng có thể nộp tiền thì có thể giảm xuống hình phạt chung thân.

>>
70 tuổi phạm tội vẫn áp dụng khung hình phạt tử hình
>> Pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự?
>> Sửa Luật Hình sự để phòng, chống tội phạm
>> Không giảm án tử hình với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ  

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến đề xuất nộp tiền có thể thoát án tử hình theo quy định trong Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi, ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính nhấn mạnh, việc giảm án tử hình xuống chung thân khi khắc phục được khoản tiền phạt nhất định phù hợp với xu thế cải cách tư pháp và chủ trương giảm áp dụng hình phạt tử hình, đặc biệt với tội phạm tham nhũng để có thể thu được một khoản tiền nhất định do tham nhũng mà có khi thực tiễn thi hành vừa qua cho thấy hình phạt tử hình vẫn được áp dụng trong khi tiền bất chính cũng không thu hồi được là bao.

Ảnh minh họa

Ông Trần Văn Dũng cũng đã dẫn quy định trong dự thảo để trả lời câu hỏi của báo chí về việc có một số trường hợp tham nhũng bị kết án tử hình nhưng sau đó bị cáo đã nộp tiền khắc phục và được giảm án xuống chung thân.

Theo đó ông Dũng cho biết, tại khoản 3 điều 38, trong trường hợp người bị kết án tử hình mà khắc phục được khoản tiền nhất định, có thể nghiên cứu giảm hình phạt tử hình xuống còn chung thân.

Ông Dũng lý giải thêm, nên đặt quy định này trong xu thế chung cải cách tư pháp. Đó là Nghị quyết 49, đề cập giảm hình phạt tử hình, giảm hình phạt tù, trong xu hướng giảm nhẹ.

Qua 14 năm tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự, có một điều đối với án tội tham nhũng thì tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp, chỉ hơn 10%.

"Bài toán đặt ra là cứ thi hành như hiện nay, người bị kết án tử hình cứ tử hình, đồng thời phải chấp hành khắc phục và không được đồng nào cả, thì nhà nước chúng ta không thu được đồng tham ô tham nhũng nào cả. Qua nghiên cứu, đặc biệt kinh nghiệm của Trung Quốc. Trung Quốc đã áp dụng vấn đề này. Bài học chống tham nhũng của Trung Quốc là cái mà chúng ta có thể nghiên cứu, học tập. Chúng tôi đưa vào dự thảo, nếu người phạm tội tham nhũng có thể nộp một nửa tiền thì có thể giảm xuống hình phạt chung thân. Đây là quy định mới, nhưng giúp nhà nước ta có thể thu được một khoản tiền nhất định do tham nhũng mà có”, ông Dũng cho biết.

Người phát ngôn Bộ Tư pháp cũng cho biết, sẽ chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này.

Theo đó, hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng (người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng), phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng;

Sẽ mở rộng diện đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, mở rộng trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế; thu hẹp diện các tội danh có quy định hình phạt tử hình.

Đây không phải lần đầu tiên việc nộp tiền thoát án tử hình được đề cập. Trước đó, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật Hình sự sửa đổi đầu tháng 4 vừa qua, báo cáo thẩm tra dự án Luật Hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu, điểm c khoản 3 Điều 39 Dự thảo quy định về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình, nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định không thi hành án tử hình trường hợp nêu trên cần cân nhắc kỹ, vì thực tiễn thi hành không có vướng mắc. Nếu cần thiết phải bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình trên thực tế thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thay mặt ban thẩm tra dự án Luật Hình sự (sửa đổi) đề nghị, để bảo đảm thống nhất áp dụng chính sách hình sự, đề nghị cân nhắc loại trừ các nhóm đối tượng sau: Người đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, các tội phạm về ma túy; Người phạm tội là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc