Phút yếu lòng của những “trùm” tham nhũng

10:36, 02/01/2015
|

(VnMedia)- Trước tòa, khi đối mặt với hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, những "trùm" tham nhũng cũng có phút yếu lòng: khóc, xin được người thân tha thứ...

>> "Bầu" Kiên bị tuyên y án 30 năm tù cho 4 tội

"Bầu" Kiên bật khóc

Ngày 15/12/2014, sau 4 ngày nghị án, phiên phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên, 50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) và đồng phạm đã kết thúc. "Bầu" Kiên bị tuyên y án sơ thẩm với mức án 30 năm cho cả 4 tội danh.

Cụ thể: 20 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”; 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 6 năm 6 tháng tù về tội “Trốn thuế”. Tổng hình phạt là 30 năm tù.

Trước đó, dư luận lần đầu tiên thấy "Bầu" Kiên khóc kể từ khi bị bắt năm 2012.

Ảnh minh họa

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm nghe tuyên án trong ngày kết thúc phiên phúc thẩm, 15/12/2014.

Chiều 11/12/2014, tại phiên toà phúc thẩm xử Nguyễn Đức Kiên và 5 đồng phạm, sau khi kết thúc phần tranh tụng và chuyển sang nghị án, HĐXX đã cho các bị cáo nói lời sau cùng. Trước toà, “Bầu” Kiên đã bật khóc khi nói lời cuối khi nhắc đến gia đình, vợ con, bạn bè.

Trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cầm giấy đọc: “35 năm làm việc, tôi chưa bao giờ cầm giấy để nói. Nhưng để tránh không kìm nén cảm xúc, tôi xin được đọc lời cuối cùng của tôi. Tôi không nói về nhân thân, về những việc đã làm vì tôi tin tôi hoàn toàn không có tội. Tôi chỉ xin cám ơn bố mẹ tôi - những nhà giáo đã nuôi tôi khôn lớn. Tôi tự hào vì nhưng đóng góp của bố mẹ tôi cho sự nghiệp nước nhà. Con cảm ơn bố vì nhưng trận đòn mà nhờ nó con đã trưởng thành, đứng vững đến hôm nay. Xin cảm ơn bạn bè đã giúp đỡ trong lúc khó khăn nhất. Đặc biệt tôi xin cám ơn vợ tôi là người chưa bao giờ kinh doanh đã phải đứng ra gánh vác công việc, chăm lo gia đình, con nhỏ”. Khi nhắc tới những người thân gia đình, bị cáo Kiên bật khóc và dừng lại trong chốc lát.

Không chỉ bật khóc khi nhắc đến gia đình, "Bầu" Kiên cũng nói, " Tôi không bao giờ lừa đảo bạn bè tôi, anh Long - một người bạn lâu năm của tôi. Các sơ suất trong các giao dịch kinh tế, dân sự, nếu không phải là cố ý, không phải là gian dối, thì không phải là hành vi phạm tội. Chúng tôi không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ai cả. Tôi rất đau xót khi anh Thanh, chị Yến bị ngồi tù oan. Tôi với anh Long là hai người bạn thân, giờ một người bị đẩy vào tù oan, người bị mang tiếng oan đẩy bạn vào tù. Tôi khẩn thiết đề nghị HĐXX xem xét kỹ”.

Lời cuối, bị cáo Kiên khẳng định: "Trong quá trình tố tụng, do bị ức chế, tôi có thể có những ngôn từ không phù hợp, gây khó chịu cho một ai đó, đây là điều nằm ngoài chủ ý của tôi. Tôi không có thủ đoạn gây án, không là sân sau của bất kỳ ai. Tôi chỉ kinh doanh và có niềm đam mê bóng đá. Tôi mong HĐXX xem xét lời kêu oan của tôi…”.

Bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên PCT HĐQT Ngân hàng ACB) khóc khi nói về vợ

Trước khi nghị án, bị cáo Trịnh Kim Quang trình bày xuất thân là một giảng viên, luôn nghĩ mình là người thượng tôn pháp luật. Bị cáo Quang nói: “Tôi đã lớn tuổi, mắc nhiều chứng bệnh. Bố vợ tôi là liệt sỹ, đã hy sinh anh dũng. Địch bắt và tra tấn cho tới khi bố tôi chết. Mẹ vợ tôi vì sự kinh hoàng ấy mà mất. Vợ tôi 11 tuổi đã phải bơ vơ một mình cho tới khi gặp tôi là chỗ dựa duy nhất. 40 năm qua vợ tôi đã không đòi hỏi một sự đền đáp nào cho cha mẹ mình”.

Trước toà, bị cáo Quang khóc khi nói về vợ: “40 năm qua cô ấy không xin xỏ gì cả, nhưng giờ đây ở tuổi 64 bị suy tim, đủ chứng bệnh trong người, 2 đứa con ở nước ngoài, cô ấy không chịu nổi sự bơ vơ một mình ở tuổi đó. Cô ấy xin Đảng, Nhà nước một ân huệ duy nhất là cho tôi được trở về để chăm sóc cô ấy ở quãng đời còn lại”.

Ra tòa phúc thẩm, Huyền Như xin tài sản để mẹ nuôi các cháu

Sáng 15/12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo với số tiền lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này vẫn chưa có án phúc thẩm.

Ngày 23/12, phiên tòa phúc thẩm vụ án lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng tiếp tục phần thẩm vấn với nội dung liên quan đến căn biệt thự 43 tỷ mà Huyền Như cùng mẹ kháng cáo đòi lại.

Ảnh minh họa

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.

Tại tòa, Huyền Như khai sau khi bị bắt giữ, vì quá run và sợ bị chủ nợ siết nhà nên bị cáo này mới khai căn biệt thự nói trên là tiền của mình mua và yêu cầu công an phong tỏa. Sau phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.HCM đã có lệnh kê biên với căn biệt thự để đảm bảo thi hành án, khắc phục một phần thiệt hại cho các nạn nhân của Huyền Như.

Theo kháng cáo của Huyền Như thì căn biệt thự đứng tên bà Lang, do bà tự bỏ tiền ra mua. Nay cả bị cáo và chị gái là Huỳnh Mỹ Hạnh đều phải đi tù nên "xin" lại căn nhà để bà nuôi các cháu.

Trước đó, tại phiên xử ngày 16/12, HĐXX nói bà Lang muốn nhận lại căn nhà thì đưa ra những chứng cứ chứng minh bà đã bỏ tiền mua nhà, số tiền đó ở đâu mà có,.... thì cơ quan thực thi pháp luật sẽ xem xét.

Trước vành móng ngựa, Như có thừa nhận trước đó đã mang căn nhà đi cầm cố. HĐXX hỏi: "Nhà của mẹ, không phải tài sản của mình sao lại mang đi bán". "Bị cáo chỉ thế chấp giấy tờ lấy tiền chứ không bán", Huyền Như đối đáp.

Căn biệt thự bị TAND TP.HCM tuyên tịch thu và kê biên để đảm bảo việc thi hành án dân sự của Huyền Như, thuộc dự án Nam Hải Resort tại tỉnh Quảng Nam, diện tích gần 3.000 m2, được định giá 43 tỷ đồng.

Nhiều tài sản của Huyền Như đã bị kê biên để đảm bảo việc thi hành án dân sự, khắc phục hậu quả mà "siêu lừa" này đã gây ra. Trong đó có nhiều tài sản "khủng" như thửa đất hơn 4.700 m2 tại An Giang; căn biệt thự gần 3.000 m2 tại Quảng Nam, căn hộ thuộc Tháp Rubi (quận Bình Thạnh), 4 căn hộ hạng sang tại khu chung cư Orient Apartment (quận 4), biệt thự thuộc dự án The Garland (quận 9). Sổ tiết kiệm trị giá gần 83 tỷ đồng cùng 3 xe ô tô hiệu Civic, Lexus, Toyota của Huyền Như cũng đang bị phong tỏa.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc