Tự sự của một con nghiện về "nàng tiên nâu"

11:08, 22/12/2014
|

(VnMedia)- Năm 2003, trong một lần đi chơi, bị bạn bè rủ rê, Chính thử “dùng ma túy một lần cho biết cảm giác”. Từ lần thử đầu tiên, Chính bắt đầu lệ thuộc vào ma túy...

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ.

Những ngã rẽ giống nhau của những người nghiện ma túy

Lớn lên trong gia đình khá giả, anh Nguyễn Đức Chính, SN 1982 (TP Lạng Sơn) được bố mẹ nuông chiều, sẵn sàng thỏa mãn mọi đòi hỏi cậu con trai duy nhất trong nhà... Có tiền trong tay, Chính sớm lao vào con đường ăn chơi để cố chứng tỏ mình cho bằng bạn bằng bè. Năm 2003, trong một lần đi chơi, bị bạn bè rủ rê, Chính thử “dùng ma túy một lần cho biết cảm giác”. Từ lần thử đầu tiên, Chính bắt đầu lệ thuộc vào ma túy...

Cai lên cai xuống không được, Chính mất niềm tin ở bản thân mình, lẫn sự tin tưởng của gia đình người thân. Chính kể, mỗi lần đi cai, ra khỏi cổng trung tâm cai nghiện, trên ô tô từ trung tâm cai nghiện về nhà, anh đã nghĩ ngay đến việc sử dụng ma túy. Về nhà, chỉ cần bạn nghiện gọi điện hỏi thăm thôi, Chính đã thấy nôn nao khó chịu, xuất hiện cảm giác thèm nhớ ma túy. Không chiến thắng nổi chính mình, anh quyết định sử dụng ngay sau đó...

Đây cũng là câu chuyện tương tự của một gã nghiện ma túy ở Hà Nam. Mới 22 tuổi nhưng Nguyễn Minh Quân ở Phủ Lý, Hà Nam  đã có thâm niên 7 năm sử dụng ma túy. Năm 2007, Quân học lớp 10, mặc dù nghe nhiều về những tác hại ghê gớm của ma túy nhưng cậu vẫn tò mò muốn thử. Cậu kể, lần đầu sử dụng thuốc lắc “nhìn thấy cái gì cũng đẹp, cũng thích”....  Buổi đầu cắn thuốc, cậu luôn cắn gấp đôi bạn chơi. Đều đặn như vắt chanh, có khi vừa chơi xong, đi tắm vào  lại chơi tiếp...

Tâm lý tình cảm, liệu pháp cai nghiện thành công?
 
Trên đây chỉ là tâm sự của rất nhiều con nghiện khi đến tham gia liệu pháp cai nghiên tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD).

Trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, qua một người bạn giới thiệu, anh Nguyễn Đức Chính quyết định tham gia trị liệu bằng phương pháp mới tại Trung tâm PSD. Sau một thời gian tham gia trị liệu, anh chia sẻ: Mới đầu tôi cũng thấy hơi bất ngờ với phương pháp mới này. Một phương pháp tôi chưa từng trải nghiệm trước đây. Ở PSD, tôi được làm việc hằng tuần với các chuyên gia Tâm lý. Tôi biết cách để lấy lại cảm giác thoải mái, dễ chịu về mặt cơ thể lẫn tinh thần, vì thế tôi  không còn xuất hiện nhu cầu sử dụng ma túy nữa.
 
Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Thơm, người trực tiếp trị liệu cho học viên Nguyễn Đức Chính chia sẻ: Trước khi trị liệu ở đây, học viên Chính  không  hiểu biết nhiều về ma túy, các nguyên nhân gây tái nghiện. Sau quá trình trị liệu ở đây,  Chính tiến bộ rất nhiều.
 
Khi đã hiểu những nguyên nhân gây tái nghiện, mỗi lần gặp tình huống có nguy cơ sử dụng ma túy, Chính vận dụng hiệu quả những bài tập đã được tập luyện ở PSD. Có thời gian về quê thăm nhà, Chính nói chuyện với bạn cả ngày, bạn nghiện sử dụng ma túy trước mặt nhưng anh không có cảm giác thèm nhớ. Trò chuyện với chúng tôi, Chính cho biết, trước đây, anh sống nửa vời không mục đích, chỉ mong khi nào cũng có tiền đủ mua ma túy. Bây giờ, khi đã đoạn tuyệt với ma túy, anh quyết định gắn bó với trung tâm, để có cơ hội giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ.

Chặng đường cai nghiên của Nguyễn Minh Quân cũng "lên bổng, xuống trầm" không kém.
 
Từ khi phát hiện con nghiện, bố mẹ Quân đôn đáo chạy vạy khắp nơi kiếm chỗ cai nghiện cho con. Có lần bố còn đưa Quân  vào tận Đồng Nai, cho học nghề sửa xe  để cách ly với bạn nghiện. Thương bố mẹ vất vả,  Minh Quân quyết tâm tự cai tại nhà, từ cai bo đến dùng đủ các loại thuốc, đi trung tâm cai tự nguyện... nhưng vẫn chưa thành công.  Quân kể, những lúc cai bo, cậu đau nhức cơ bắp, cảm giác giòi bò trong xương, mất ngủ cả tuần, vật lộn với ma túy nhưng vẫn không thoát ra được. Có khoảng thời gian, mỗi ngày Quân dùng Heroin khoảng 5 lần, một ngày cậu đốt từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi tiền thuốc. Vật vã, loay hoay tìm cách thoát khỏi ma túy, Quân rơi vào trạng thái chán chường, tuyệt vọng.
 
 
Thương con, mẹ Quân – cô Hòa tự tìm kiếm thông tin về phương pháp của PSD trên mạng Internet, với hy vọng tìm cho con trai một cách cai nghiện hiệu quả, không phải chịu đựng những giày vò của hội chứng cai....
 
Sau khi cắt cơn được 7 ngày, Quân được chuyển lên Hà Nội trị liệu tại trung tâm PSD. Sau mỗi buổi làm việc với các chuyên gia, Quân về nhà, sinh hoạt bình thường, tự thực hiện các bài tập theo sự chỉ dẫn... Quân vui mừng chia sẻ, ngày trước, mỗi lần buồn chán chuyện gia đình hay  gặp những biến cố trong chuyện tình cảm, cậu thường tìm đến ma túy để giải tỏa vì nghĩ chỉ có ma túy mới mang lại cho cậu cảm giác dễ chịu. Bây giờ, sau khi tham gia trị liệu tại Trung tâm PSD, gặp những tình huống như vậy, Quân có những kỹ năng cần thiết để giải quyết mà không nghĩ đến việc sử dụng lại ma túy. Trao đổi với PV, Quân  tâm sự: Làm chủ chính mình, kiềm chế cảm xúc là điều quan trọng nhất. Ở PSD, tôi học được cách làm chủ chính mình.
 
Phương pháp cai nghiện mới của chính người từng nghiện nặng
 
Từ một sinh viên nghiện ma túy hạng nặng, cai nghiện thành công, trở thành một doanh nhân thành đạt Lê Trung Tuấn quyết tâm “trả nghĩa” cho đời bằng cách quay lại giúp đỡ những người lầm lỗi tìm thấy Nẻo về của mình. Ông đã dùng chính kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ nhiều  người nghiện ma túy cai nghiện thành công, đồng thời lặng lẽ nghiên cứu trong nhiều năm nhằm tìm ra phương pháp cai nghiện bền vững nhất, đây chính là nguồn tư liệu thực tiễn có giá trị cho những nghiên cứu về sau.
 
Sau đó, ông Lê Trung Tuấn thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) với hy vọng giúp đỡ  nhiều người cai nghiện thành công. PSD ra đời lập tức  thu hút nhiều nhà khoa học giàu tâm huyết và nhiệt thành tham gia nghiên cứu, trực tiếp trị liệu cho học viên. “Xóa bỏ sự  lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm” là một công trình khoa học mang tính đột phá, lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam. Công trình là thành quả của những ngày tháng nghiên cứu miệt mài của đội ngũ những nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm. Phương pháp được PSD nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng công trình khoa học của các tác giả P.V Pavlov,  P.K.Anokhin, I.M.Sechenov… ; đồng thời dựa trên những nghiên cứu được ứng dụng thành công về điều trị nghiện ma túy của Viện Hành vi thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Nga.

PSD nghiên cứu và đưa ra phương pháp này nhằm mục đích ngăn chặn sự hình thành tất cả những động cơ tiềm ẩn, thúc đẩy hành vi sử dụng ma túy; loại bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc tâm lý vào ma túy - vấn đề được coi là gốc rễ của tình trạng nghiện. Đặc biệt, phương pháp làm thay đổi hoạt động của ADN, thiết lập mối kiên kết mới giữa các nơron của não bộ; là cơ sở để tạo nên trạng thái tích cực mới của cơ thể và từ đó hình thành nên hành vi mới. Quá trình này nhằm đem đến kết quả dập tắt hẳn hành vi sử dụng ma túy. Theo lời ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch trung tâm PSD, Phương pháp "xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm" có thể áp dụng thành công cho 60% người nghiện ma túy.
 
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đức Hiền - Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Phương pháp “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm” của PSD là phương pháp phòng chống tái nghiện mới  mang tính đột phá ở Việt Nam, bước đầu tỏ ra hiệu quả góp phần đáp ứng nhu cầu thực sự trong công tác phòng, chống tái nghiện ở Việt Nam. Điều đó hoàn toàn phù hợp với sự chỉ đạo của Chính phủ, mang lại động lực mới cho công cuộc cai nghiện ma túy cấp bách hiện nay. Tôi tin rằng cùng với những nỗ lực về mặt khoa học, PSD đang có những tác động rất tích cực đến nhận thức của các tổ chức xã hội, tới cộng đồng. Tôi mong muốn và đề nghị các cơ quan Nhà nước, các tổ chức khoa học tiếp tục có sự hỗ trợ, phối hợp mọi mặt để PSD hoàn thiện phương pháp này có thể áp dụng rộng rãi”.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc