Luật sư của "bầu" Kiên đề nghị khởi tố thêm vụ án

18:58, 28/05/2014
|

(VnMedia) - Trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa, luật sư Hoàng Đôn Hùng đã kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để xem xét trách nhiệm một số cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước...

Ảnh minh họa
Luật sư Hoàng Đôn Hùng bào chữa cho bầu Kiên

Ngày 28/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về các tội danh về các tội danh "kinh doanh trái phép", "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "trốn thuế".

Luật sư đề nghị khởi tố thêm vụ án

Theo cáo buộc của VKS trrong tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "bầu" Kiên cùng đồng phạm ra chủ trương uỷ thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi 718 tỉ đồng ở Ngân hàng Vietinbank khiến “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt là sai quy định của nhà nước.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về hành vi trên, luật sư Hoàng Đôn Hùng cho biết, ngày 22/3/2010, nghị quyết của ACB không sai so với luật tín dụng và điều lệ của ACB và đã được ngân hàng nhà nước khẳng định.

Kết luận của đại diện Viện Kiểm sát nêu rằng, tại thời điểm thống nhất chủ trương uỷ thác gửi tiền là trái với đối tượng uỷ thác. Kết luận này trái với kết luận của Ngân hàng Nhà nước. Việc uỷ thác gửi tiền của Ngân hàng ACB không vi phạm Điều 106 Luật Tổ chức Tín dụng 2010. Thực tế, chưa có văn bản nào định nghĩa sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Trong bản bào chữa của mình, luật sư Hoàng Đôn Hùng viện dẫn các quy định của Luật Tổ chức tín dụng 2010, các thông tư của Ngân hàng Nhà nước và điều lệ của Ngân hàng ACB tại thời điểm thực hiện hoạt động ủy thác để để chứng minh văn bản ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền là hợp lý, phù hợp với các quy định của Nhà nước. Luật sư Hùng dẫn các văn bản, nội dung các cuộc họp chứng minh Ngân hàng Nhà nước chưa hề có ý định hướng dẫn về hoạt động ủy thác cho các tổ chức tín dụng.

Luật Tổ chức tín dụng 2010, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ban hành hướng dẫn điều 55. Vì vậy không thể cho rằng, việc ủy thác gửi tiền của ACB khi chưa có quy định của pháp luật là sai luật.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các hoạt động mà ngân hàng thương mại đang thực hiện và dự kiến thực hiện đã được thể hiện. Ngân hàng thương mại có thể thực hiện ngay 20 nhóm hoạt động kinh doanh, không thuộc nhóm 6 hoạt động phải xin phép là thanh toán quốc tế, góp vốn mua cổ phần, kinh doanh hoạt động ngoại hối, kinh doanh hoạt động phái sinh…

Hoạt động ủy thác đang được thực hiện bình thường, đúng pháp luật từ nhiều năm qua. Không phải chờ hướng dẫn, khi nào có hướng dẫn mới khác đi thì mới điều chỉnh. Việc Huỳnh Thị Huyền Như dùng chữ ký giả, hồ sơ giả để rút tiền từ Vietinbank diễn ra trong một thời gian dài. Việc phán quyết của tòa rằng, Vietinbank không có trách nhiệm trong việc này gây hoang mang lo ngại cho khách hàng. Đã xác định được các địa chỉ tiền chuyển từ các tài khoản cá nhân.

Việc Cơ quan điều tra tách vụ án Nguyễn Đức Kiên ra khỏi vụ Huỳnh Thị Huyền Như, đồng thời khởi tố các bị can này về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng cả 2 vụ án đều liên quan đến 718 tỉ đồng tiền gửi của Ngân hàng ACB. HĐXX cần phải chờ kết luận rõ ràng chính xác hơn về mối quan hệ giữa các đối tượng, ai chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm bao nhiêu… thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác cho vụ án này.

Theo quan điểm của luật sư Hùng, nếu quy kết các bị cáo tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” thì hàng loạt doanh nghiệp hiện nay phải ngừng hoạt động để chờ thêm 2 năm Ngân hàng Nhà nước đưa ra hướng dẫn việc thực hiện ủy thác theo luật các tổ chức tín dụng. Việc bị cáo Kiên bị khởi tố tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” thì một phần do việc thiếu trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.

Kết thúc phần bào chữa của mình, luật sư Hoàng Đôn Hùng kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để xem xét trách nhiệm một số cá nhân tại NHNN vì ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn chậm, đồng thời đề nghị tuyên Nguyễn Đức Kiên vô tội cố ý làm trái.

Ảnh minh họa
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên

Cần làm rõ chứng cứ về việc "bầu" Kiên có hành vi "trốn thuế"

Cũng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về tội "cố ý làm trái", luật sư Vũ Xuân Nam nêu ra, về nội dung cơ quan điều tra cho rằng Kiên có vai trò chính trong việc điều hành ACB, cụ thể là việc ủy thác nhân viên gửi tiền và việc ACBS hợp tác mua cổ phiếu của ACB.  Theo luật sư Nam, vai trò của Nguyễn Đức Kiên từ năm 2008, Kiên đã chủ động rút lui khỏi HĐQT ngân hàng ACB. Hội đồng sáng lập (Nguyễn Đức Kiên là phó chủ tịch) có nhiệm vụ tư vấn. Việc thành lập HĐSL là đúng pháp luật, điều lệ của ACB về bộ máy giúp việc. Không có chứng cứ nào về việc bị cáo Kiên gây sức ép thành lập HĐSL và gây sức ép với HĐQT. HĐSL và HĐ đầu tư không phải là thành phần trong bộ máy pháp định của ngân hàng nên bị cáo Nguyễn Đức Kiên không phải là chủ thể hành vi “cố ý làm trái”. Việc Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến, ý tưởng không thể coi là hành vi vi phạm pháp luật…

Về chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác, cơ quan điều tra cho rằng bị cáo Kiên gây sức ép với lãnh đạo ACB thực hiện hoạt động này và cho rằng hoạt động này là vi phạm pháp luật. Luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng việc ủy thác này đã được ACB thực hiện từ năm 2005. Vì vậy, luật sư cho rằng cơ quan điều tra đã sai lầm trong việc xác định khách thể của hành vi vì hoạt động ủy thác này không phải hoạt động liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Về tội "Trốn thuế", luật sư Vũ Xuân Nam đã đề nghị VKS làm rõ việc chứng cứ để quy kết "bầu" Kiên biết quyết sách để phạm tội trốn thuế.

Theo cáo buộc, Nguyễn Đức Kiên trốn thuế do biết Quốc hội ra quyết sách về việc miễn thuế cá nhân. Luật sư Vũ Xuân Nam chất vấn VKS, chứng cứ nào cho Kiên ký hợp đồng ủy thác nhằm mục đích trốn thuế?

“Giao dịch hợp đồng giữa bà Hương và ACB đã được kê khai thuế đầy đủ, đây không phải khoản thu nhập chưa được kê khai mà cơ quan pháp luật đang đánh giá tính hợp pháp của các hợp đồng liên quan. Cơ quan điều tra VKS có quyền xác định hợp đồng hợp pháp hay không? Có hợp đồng hợp pháp và không hợp pháp không? Các văn bản trả lời của Tổng cục thuế có phải là chứng cứ chứng minh?”, luật sư Nam đặt đặt câu hỏi.

Luật sư Nam cũng đề nghị VKS làm rõ vấn đề phương pháp  giám định, đối tượng giám định, tiêu chuẩn giám định… “Kiên đã trình bày giám định viên quyên chế độ miễn giảm 30% thuế mà cty B&B được trong năm 2009, vấn đề này có được thẩm tra làm rõ không?, nếu trích lập dự phòng rủi ro thì B&B sẽ bị lỗ và không phải phát sinh nghĩa vụ nộp thuế. Chi cục thuế Đông Đa xác nhận số thuế này? Có phải là nguyên đơn dân sự trong vụ này không khi số thuế đó nộp vào ngân sách nhà nước?”, luật sư Nam nói.

Trong phần bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên chiều ngày 27/5, Luật sư Bùi Quang Nghiêm cũng đã nêu quan điểm khá dài chứng minh thân chủ của mình không phạm tội "Kinh doanh trái phép" và "Trốn thuế".

Về tội "kinh doanh trái phép", cáo trạng của VKS cho rằng các công ty B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN không có chức năng kinh doanh tài chính nhưng Kiên vẫn chỉ đạo các công ty trên góp vốn mua trái phiếu chuyển đổi và mua cổ phần, cổ phiếu của các công ty khác. Công ty Thiên Nam không có chức năng kinh doanh vàng trạng thái nhưng đã ký hợp đồng với ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên các tài khoản ở nước ngoài.

Luật sư Nghiêm phân tích: “Quyền thành lập góp vốn mua cổ phần quản lý doanh nghiệp được ghi cụ thể là 5 doanh nghiệp được quyền góp vốn tham gia các doanh nghiệp khác theo quy định pháp luật.

"Tôi thấy, sau hơn 2 năm cơ quan điều tra vẫn chưa tìm ra căn cứ pháp luật để điều chỉnh các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như kinh doanh tài chính khác như mua bán cổ phần cổ phiếu. Nếu kết tội ông Kiên kinh doanh trái phép không những trái những căn cứ pháp luật mà còn đe dọa tính an toàn pháp lý với những ai đang đặt lệnh giao dịch chứng khoán thông qua các công ty CP, công ty chứng khoán" - luật sư Nghiêm nói.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc