"Siêu lừa" Huyền Như nói về 718 tỉ chiếm đoạt của ACB

06:04, 24/05/2014
|

(VnMedia) - Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như đã tiết lộ về kẻ hở để bị cáo lừa đảo chiếm đoạt của ngân hàng ACB 718 tỉ đồng...

Ảnh minh họa

Bị cáo Lý Xuân Hải tại phiên xét xử ngày 23/5.

ACB ký hợp đồng ủy thác cho nhân viên gửi tiền là trái luật

Ngày 23/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm được tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn về hành vi cố ý làm trái. Đây là vụ việc liên quan đến trách nhiệm của các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải.

Theo cáo trạng, từ ngày 22/3/2010, ngân hàng ACB và ông Nguyễn Đức Kiên có chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Từ tháng 6 đến 9/2011, ông Lý Xuân Hải (Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu) đã chỉ đạo ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbanhk. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch một chi nhánh của Vietinbank) chiếm đoạt.

Được hỏi tại tòa, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng là làm trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Liên quan đến vụ việc, trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết sau khi họp HĐQT thì giao cho 2 người thực hiện là bị cáo và ông Nguyễn Văn Hoà (kế toán trưởng của ABC). Ông Hoà có nhiệm vụ tổ chức cho các nhân viên đi gửi tiền. Hải khai không trực tiếp chỉ đạo bất cứ vấn đề gì về thực hiện Nghị quyết HĐQT đối với Nguyễn Văn Hòa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, chính mình là người ký hợp đồng ủy thác cho các nhân viên. Trong đó Huỳnh Thị Bảo Ngọc được giao toàn quyền là người liên hệ với Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh và các ngân hàng khác để tìm kiếm lãi suất cáo và hoa hồng tốt nhất để gửi. ACB đã thực hiện chuyển tiền cho nhân viên qua tài khoản. Người đã có tài khoản thì chuyển tiền vào rồi ký hợp đồng ủy thác, người chưa có thì chuyển tiền vào rồi mở tài khoản sau.

Tại phiên tòa, ông Hòa cũng cho biết, không biết Huyền Như là ai, chỉ biết bà này khi bị bắt. Ông Hòa khẳng định việc mình thực hiện các thủ tục ứng tiền và gửi tiền là đúng quy định, việc thu và trả phí hoa hồng tiền gửi cũng là một nghiệp vụ của ngân hàng tuy không biết có quy định trong văn bản pháp luật nào không.

Ảnh minh họa

Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên xét xử

Kẽ hở của ACB khiến ngân hàng bị chiếm đoạt 718 tỉ đồng

Tham dự tòa với vai trò người có nghĩa vụ liên quan Huỳnh Thị Huyền Như, người đã chiếm đoạn gần 719 tỷ đồng do ngân hàng ACB gửi cho biết, mình không có quan hệ với bà Huỳnh Thị Bảo Ngọc. Giữa năm 2011, chị Ngọc (nhân viên ACB) liên hệ, đề nghị gửi tiền tại VietinBank với lãi suất thỏa thuận. Chị Ngọc đưa ra mức lãi suất trong hợp đồng quy định là 14%, phần chênh lệch ngoài hợp đồng thì tùy theo từng kỳ hạn, từng số tiền. Vào thời điểm đó VietinBank không có chủ trương nào huy động vượt trần lãi suất, chỉ quy định 14%. Và đến mãi sau này Như mới biết là tiền đó của ACB.

Theo lời khai của Huyền Như, lúc đó bị cáo chỉ báo lại với lãnh đạo là 1 số khách hàng muốn gửi 14% và có yêu cầu hoa hồng. Lãnh đạo chi nhánh đã không giải quyết hoa hồng đó. Tuy nhiên, Huyền Như vẫn vẫn đồng ý với chị Ngọc và đã trích trực tiếp hoa hồng từ tiền cá nhân của mình. Theo Huyền Như việc bỏ tiền túi ra là đã có mục đích chiếm đoạt số tiền này từ trước.

Cũng theo Huyền Như, theo quy chế của NHNN, khách hàng mở tài khoản phải đến trực tiếp ngân hàng làm thủ tục để nhân viên ngân hàng đối chiếu các thủ tục pháp lý, năng lực hành vi. Nhưng các khách hàng của chị Ngọc không thực hiện đúng quy trình đó mà chỉ cung cấp số CMND rồi ký hoàn tất bổ sung.

"Đó chính là là sơ hở để tôi có thể trích chuyển tiền đi" - Huyền Như nói.

Ngoài ra, cũng theo Huyền Như cho biết, khi ký kết hợp đồng tiền gửi, bên chị Ngọc cũng không có bất cứ phản hồi nào mà cứ thế tiến hành. Hợp đồng tiền gửi có thể ký sau khi tiền về tài khoản và thủ tục mở tài khoản. Mặt khác, sau khi tiền về tài khoản, chủ tài khoản có quyền kiểm tra số dư và yêu cầu ngân hàng thực hiện các dịch vụ của mình. Nếu phát hiện tài khoản đã bị sử dụng sai mục đích thì khách hàng báo ngay ngân hàng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh rủi ro. Nhưng khách hàng bên chị Ngọc không có động thái đó.

"Khi tiền về tôi tự động trích vào tiền gửi tiết kiệm. Chị Ngọc không quan tâm đến việc tôi trích tài khoản làm gì, chỉ quan tâm đến số tiền, lãi suất. Đó cũng là điều kiện để tôi có thể chiếm đoạt số tiền trôi chảy. Tôi đã lập sổ tiết kiệm rồi dùng sổ tiết kiệm đó để thế chấp vay và chuyển tiền. Có những sổ tiết kiệm do tôi tự tất toán và chuyển tiền đi thông qua chữ ký giả và hợp đồng giả” - lời của Huyền Như.

Tại phiên tòa, Huỳnh Thị Huyền Như tự nhận trách nhiệm về số tiền chiếm đoạt 718 tỷ đồng. Như cho rằng, việc chiếm đoạt số tiền của ACB là do ý thức chủ quan của Như và lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank hoàn toàn không biết việc này.


Khánh Công - (tin, ảnh)

Ý kiến bạn đọc