Apple bị ép biến người dùng thành "con tin"

15:28, 08/09/2015
|

(VnMedia) - Theo cuộc điều tra gần đây của Bộ Tư pháp Mỹ, Apple đã bị tòa án yêu cầu "giao nộp" các tin nhắn theo thời gian thực trên iPhone của các nghi phạm bị tình nghi.

Các quan chức chính phủ Mỹ từng cảnh báo rằng, động thái trên là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các công ty công nghệ như Apple và Google áp dụng biện pháp mã hóa an toàn hơn, khiến chính phủ không thể do thám được dữ liệu người dùng.

Ảnh minh họa


Liên tục bị ép

Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét một rắc rối pháp lý khác với Microsoft. Chẳng là hãng phần mềm lớn nhất thế giới này đã từ chối tuân thủ trát của tòa vào tháng 12/2013, yêu cầu giao nộp e-mail của một kẻ tình nghi buôn bán ma túy. Microsoft đã nói thẳng rằng, các quan chức liên bang cần phải lấy lệnh từ tòa án Ai-len bởi e-mail trên được lưu tại máy chủ ở Dublin.

Những xung đột như trên giữa Apple, Microsoft với chính phủ phản ánh sự kháng cự của các tập đoàn công nghệ sau sự kiện Edward J. Snowden. Các công ty công nghệ cho thấy, họ đang cố gắng bảo vệ thông tin khách hàng.

Căng thẳng giữa chính phủ và các công ty công nghệ về việc giao nộp thông tin người dùng không hề mới. Chính quyền Clinton từng bị ép từ bỏ kế hoạch yêu cầu các nhà sản xuất công nghệ cài cắm chip nghe lén vào hệ thống phần cứng để cho phép chính phủ thâm nhập vào các trao đổi mã hóa.

Hiện tại, các công ty điện thoại vẫn cho phép chính phủ xâm nhập vào đường liên lạc kỹ thuật số để ghi âm cuộc gọi theo Đạo luật Wiretap. Tuy nhiên, Apple và Google không phải là hãng viễn thông nên không nằm trong phạm vi áp dụng điều luật này.

Giới chính trị Mỹ ngày nay đã khác. Sau khi "bẽ mặt" từ vụ Snowden, giờ đây quyền hạn của họ đối với các công ty công nghệ đã giảm đi nhiều. Họ đang gặp sự kháng cự từ các công ty như Apple, Google và Microsoft từ chối cho tiếp cận thông tin khách hàng.

Giới làm ăn nói rằng, họ ngày càng bị chính quyền yêu cầu tiếp cận thông tin mã hóa, gồm cả hệ điều hành iOS mới mà Apple giới thiệu năm ngoái. Các nỗ lực này được James B. Comey, giám đốc FBI, và các quan chức chính phủ nói rằng là nhằm hạn chế tội phạm và ngăn chặn khủng bố.

Mã hóa dữ liệu

Hiện có 2 phương thức mã hóa được áp dụng. Phương thức đầu tiên là mã hóa từ cuối đến cuối (end-to-end), tức là mọi dữ liệu được mã hóa trước khi gửi đi và chỉ được giải mã trước khi được nhận. Hiện Apple đang sử dụng phương thức mã hóa này trong hệ thống iMessage và FaceTime. Ngoài ra, nó còn được Open Whisper Systems và WhatsApp (mã hóa cho ứng dụng độc lập) sử dụng. Kiểu mã hóa này luôn làm cơ quan điều tra đau đầu, nhất là khi họ không thể xâm nhập được vào nội dung liên lạc của kẻ tình nghi.

Với Apple, mã hóa và giải mã được thực hiện trên chiếc điện thoại. Apple không lưu lại bản sao của tin nhắn trừ khi chúng được người dùng đưa lên iCloud (nơi không được mã hóa). Trong vụ điều tra súng đạn và buôn bán ma túy gần đây, Apple đã phải giao nộp một số tin nhắn trên iCloud. Tuy không phải là tin nhắn dạng trực tiếp nhưng chính phủ Mỹ coi đây là dấu hiệu hợp tác ban đầu.
 
Phương thức mã hóa thứ hai là dạng phần mềm mã hóa phức tạp trên điện thoại Apple và Android. Chỉ có duy nhất người dùng mở được nội dung của họ, từ ảnh, danh sách liên lạc, tin nhắn đã lưu và nhiều thứ khác… bằng chính mật khẩu do họ tạo ra.

Lý lẽ của Apple

Bộ Tư pháp Mỹ muốn Apple và các công ty khác sử dụng mã hóa từ cuối tới cuối phải tuân thủ đạo luật Wiretap như các công ty điện thoại. Tuy nhiên, muốn là một chuyện nhưng các hãng có đồng ý hay không là chuyện khác. Chính vì vậy, Apple đang có nguy cơ đối mặt với vụ kiện từ chính phủ.

Apple đã từ chối bình luận về vụ kiện. Tuy nhiên, các quan chức tập đoàn này từng công khai tranh luận rằng yêu cầu của chính phủ có thể khiến cho dữ liệu người dùng bị nguy hiểm đối với các tay hacker có kinh nghiệm.

"Đang có một cuộc tấn công vào quyền tự do dân sự của chúng ta. Đó là trận chiến về mã hóa và tôi nghĩ rằng điều này thực sự nguy hiểm", phát biểu của Tim Cook, CEO Apple tại một hội nghị về an toàn điện tử đợt vừa rồi.

"Nếu bạn để chiếc chìa khóa nhà dưới thảm chùi chân cho cảnh sát thì những tên
trộm khác cũng có thể tìm thấy chúng. Nếu biết có chìa khóa giấu ở đâu đó, chúng sẽ không ngừng tìm kiếm tới khi nào tìm thấy mới thôi", Tim Cook ví von. 


Tuệ Minh - (Theo Nytimes)

Ý kiến bạn đọc