Công nghệ thông tin nhìn bằng con mắt Dịch học

10:27, 23/04/2011
|

(VnMedia) - Công nghệ thông tin giờ đây đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc với tất cả mọi người. Thành tựu CNTT đã và đang làm thay đổi cả thế giới. Người ta gọi thời đại ngày nay là thời đại thông tin, có người gọi là thời đại (kỹ thuật) số, kỷ nguyên tin học, kỷ nguyên công nghệ thông tin.

Bản chất của tất cả những ảnh hưởng ấy của CNTT là từ đâu?

Người ta biết rằng, nền tảng cơ sở lý thuyết và mọi công nghệ kỹ thuật ứng dụng rộng rãi của CNTT là hệ đếm cơ số 2 (hệ nhị  phân). Tất cả các lệnh được máy tính thực hiện để tạo ra cả một thế giới số đều chỉ là tổ hợp của các chuỗi (01) với độ dài và thứ tự khác nhau.

Điều này trùng hợp với sự biến hóa âm dương  theo quan điểm của Dịch học. Theo Dịch học, thế giới do âm dương (lưỡng nghi) biến hóa mà thành. Người ta biểu diễn dương bằng một vạch liền ( – ), âm  bằng một vạch đứt (- -); lấy hai vạch này chồng lên nhau, tổ hợp thành 4 kiểu, gọi là “lưỡng nghi sinh tứ tượng” (Thái âm, Thiếu dương, Thiếu âm, Thái dương ); lấy tứ tượng  này chồng lên từng vạch âm, dương, tổ hợp 2 lần 4 như vậy, thành 8 quẻ (gọi là tứ tượng sinh bát quái). Tám  que này là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.

Lại tổ hợp các quẻ thì sẽ thành muôn vạn các kiểu biến hóa, dùng để mô tả và dự đoán mọi sự trong cả thế gian. Thánh nhân thì vận dụng theo cách của thánh nhân, người thường thì theo cách của người thường. Ứng dụng vô cùng rộng rãi suốt cả hàng ngàn năm qua (tất nhiên là không tính các trường hợp mê tín dị đoan thiếu căn cứ khoa học).

Nếu ta lấy số 1 để thay cho vạch  liền, số 0 để thay cho vạch đứt nói trên, ta có thể viết tất cả các quẻ của Dịch học bằng các số nhị phân: Càn (111), Khảm (010), Cấn (001), Chấn (100), Tốn (011), Ly (101), Khôn (000), Đoài (110). Ngược lại, các thuật toán là cơ sở để tạo nên cả thế giới công nghệ thông tin cũng có thể viết thành các quẻ Dịch (bằng tổ hợp của các vạch liền, vạch đứt).

Như vậy, có thể coi về hình thức thì lý thuyết cơ sở này của CNTT và của Dịch học là trùng hợp hoàn toàn.

Về nội dung, thì công nghệ thông tin (nhờ biến hóa các tổ hợp (01)) có thể tạo ra mọi thứ trong thế giới ảo; cũng như thế giới thật do âm, dương biến hóa (được mô tả qua các các quẻ dịch) mà thành.

Minh chứng đơn giản nhất cho điều này là chỉ cần loại bỏ nguồn điện (thực chất là thế điện âm - dương tạo nên) thì chẳng còn gì của thế giới ảo của CNTT có thể hoạt động được nữa.
Cách đây hơn 2500 năm, Pitago (tác giả định lý Pitago nổi tiếng), nhà triết học và toán học Hy Lạp đã nhận định: Bản chất mọi sự vật là con số…, mọi sự vật sinh ra phù hợp với các con số. Bây giờ chúng ta nói cuộc sống số, thời đại số, số hóa các quá trình v.v… cũng có thể coi là một sự minh họa cho tư tưởng triết học của Pitago.

Triết học duy vật biện chứng thì coi sự thống nhất, đấu tranh giữa các mặt đối  lập là nguyên nhân cơ bản của mọi sự vận động tạo nên thế giới vật chất muôn màu muôn vẻ. Điều đó cũng tương đồng với lý thuyết âm dương trong Dịch học, tương đồng với sự biến hóa đóng ngắt của các mạch điện điều khiển - tạo nên cả thế giới ảo sống động như thật, hoạt động theo các lệnh điều khiển được viết bằng các tổ  hợp số nhị phân (01).

Như vậy, có thể nói, CNTT có thể phản ánh mọi diễn biến của thế giới thật vào thế giới ảo của nó. Bản chất của CNTT ánh xạ bản chất của thế giới. Đây là điều khiến cho CNTT không chỉ là một công nghệ như các công nghệ khác vốn chỉ tác động vào một loại đối tượng nhất định của thế giới trong điều kiện nhất định.Cũng vì vậy mà nhờ công nghệ thông tin, người ta như thu được tất cả thế giới vào trong bàn tay, như nói theo Dịch học, cả vũ trụ trong hạt cát vậy. Và nhờ Dịch học, người ta có thể dự đoán ra điều gì, tưởng tượng ra điều gì, thì bằng CNTT người ta cũng sẽ tạo ra được điều đó trong thế giới số.

Khi hiểu bản chất CNTT như vậy, người ta không ngạc nhiên khi thấy nó đang và sẽ làm biến đổi nhanh chóng cả thế giới, tạo ra cả một thời đại mới, thời đại của xã hội thông tin toàn cầu. CNTT tạo ra biến đổi không chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, chính  trị, đạo đức, luật pháp, tức là không chỉ  tạo ra sự thay đổi trong kết cấu hạ tầng  mà cả sự thay đổi trong kiến  trúc thượng  tầng xã hội nữa. (Ví dụ, bây giờ pháp luật chỉ quy định trừng phạt các hành vi xấu, nhưng trong tương lai, pháp luật có thể sẽ phải quy định trừng phạt cả ý định xấu để không cho hành vi xấu được phép xảy ra, vì với CNTT, người ta có thể đọc được ý định của người khác như bây giờ chúng ta nhìn thấy hành vi của người ta vậy). 

CNTT trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội hiện đại, và hơn thế nữa, nó đang trở thành một lực lượng sản xuất mới tiên tiến làm nền tảng cho xã hội mới - xã hội thông tin toàn cầu. Như vậy, khác với bất cứ một  lĩnh vực công nghệ nào khác, vốn chủ yếu là sự ứng dụng tri thức  chuyên ngành hẹp, nên chỉ có thể áp dụng chủ yếu ở một lĩnh vực hẹp nào đó trong những điều kiện đặc thù. (Ví dụ công nghệ sinh học chỉ có thể ứng dụng trong điều kiện môi trường tự nhiên nhất định, lợi cho ngành nông nghiệp là chính; công nghệ vật liệu mới chủ yếu gắn với việc chế tạo máy móc, thiết bị và xây dựng, v.v…), về bản chất, công nghệ thông tin không  phải chỉ là một công nghệ cụ thể gắn với một lĩnh vực cụ thể (CNTT = Công nghệ + thông tin) như rất nhiều người hiện nay thường quan niệm.

Cũng do vậy mà ngày nay, sẽ không có  một  lĩnh vực nào có thể phát triển mà có thể tách rời CNTT.

Bản thân CNTT ngày nay đã phát triển đến mức người ta đã từng bước tạo ra cả trí tuệ nhân tạo. Và CNTT là phương tiện duy nhất có thể trợ giúp được con người trong cả hoạt động tư duy. Nhờ CNTT, người câm có thể nói, người mù có thể nhìn, người điếc có thể nghe. Và ông hoàng vật lý người Anh, Stephen Hawking, một người tàn tật mất tiếng nói, liệt chân tay, ngồi trên xe lăn, tưởng tượng không gian ba chiều một cách khó nhọc, nếu không có sự trợ giúp của CNTT thì sẽ chẳng thể có các phát minh vĩ đại về khoa học vũ trụ nổi tiếng thế giới như thế.

Như vậy, ngày nay, công nghệ thông tin phải được hiểu là một phương thức tư duy và tổ chức hành động mới nhằm nhận thức và cải tạo thế giới, là một lực lượng sản xuất mới tiên tiến tạo nền tảng vật chất cho xã hội phát triển cao; nó là kết quả dựa trên sự phát triển của khoa học kỹ thuật của loài người theo một triết lý toán học ánh xạ bản chất sâu xa của toàn thể vũ trụ (Âm-Dương, thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập là động lực cho sự hình thành, vận động, phát triển của mọi sự vật). Vì thế sức mạnh của nó là vô biên. Và do bản chất có tính hai mặt, CNTT cũng sẽ là lực lượng vật chất có sức mạnh tàn phá cả thế giới nếu nằm trong tay kẻ xấu, bọn khủng bố và các lực lượng chính trị phản động. Một nhà khoa học và nhà quản lý khoa học có tên tuổi của Việt Nam đã nói: Vấn đề cốt tử của CNTT không phải là vấn đề công nghệ, mà là vấn đề ý tưởng.

Và với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, ý tưởng của con người trở thành giá trị bậc nhất của họ mà giá trị này là vật chất chứ không chỉ là giá trị tinh thần. Chúng ta không lạ gì các ví dụ về một số người đã làm giàu nhanh chóng chỉ với sự đầu tư vật chất  là một vài chiếc máy tính nối mạng, còn toàn bộ giá trị sản phảm mà họ bán để lấy tiền chỉ là kết quả của hoạt động tư duy. Không một lĩnh vực công  nghệ hiện đại nào khác có thể cho phép người ta với số vốn ít ỏi về vật chất mà làm ra được của cải nhiều và nhanh được như vậy. Chẳng hạn, muốn làm công nghệ sinh học hay công nghệ vật liệu mới, chắc chắn người ta phải đầu tư rất nhiều vào các máy móc, trang thiết bị đặc biệt, cần  rất nhiều vốn và các điều kiện  khác. Còn muốn làm CNTT, chúng ta cần con người có trí tuệ là chính, và cần nhất là nhận thức đúng và quyết  tâm cao của cả xã hội, nhất là của những người lãnh đạo ở cả trung ương và các cấp, các ngành và các địa phương. Nếu có nhận thức đúng và quyết tâm cao, chúng ta có thể làm cho CNTT Việt Nam phát triển bùng nổ, tốc độ siêu cao, tăng trưởng phi thường, không phụ thuộc nhiều vào vốn vật chất ban đầu. Còn đối với các lĩnh vực công nghệ  khác, do bản chất khác hẳn với CNTT, vốn chỉ là công nghệ đơn thuần, không thể tự thân tạo gia giá trị trực tiếp từ tư tưởng và tri thức của con người, nên chỉ có thể phát triển với  tốc độ nhất định mà thôi.

Với CNTT, người ta thấy tiên đoán của Các Mác: Tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất vật chất trực tiếp, đang trở thành hiện thực sống động. Rồi đây, với sự trợ giúp của CNTT, người  ta sẽ đọc được ý  nghĩ của người  khác, và ý định của một người sẽ được coi là cơ sở để xã hội đối xử với người đó. Đến một mức phát triển nhất định của CNTT, người ta không thể không minh bạch trong các hoạt động của mình, và CNTT chính là nền tảng vật chất đảm bảo cho một xã hội trong sáng, minh bạch và tốt đẹp trong tương lai. Phải chăng đó chính là xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà chúng ta đang quyết tâm xây dựng.

Rõ ràng là, CNTT là một con đường phát triển nhanh nhất của một quốc gia, nhất là với Việt Nam ta, vốn nghèo về vốn liếng và vật chất, máy móc thiết bị, tiền bạc, nhưng không nghèo về tiềm năng con người. Do vậy, vai trò của CNTT cần  phải được đánh giá đúng để có thể không chỉ trở thành động lực thúc đẩy mà còn trở thành đầu kéo cả nền kinh tế đất nước phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn. Nếu chúng ta tận dụng được sức mạnh thời đại công nghệ thông tin, chúng ta có thể làm cho đất nước phát triển cực kỳ nhanh chóng.

Vì rằng thế giới là âm dương biến hóa, do đấu tranh và thống nhất giữa hai mặt đối lập không bao giờ ngừng, nên, hiển nhiên kỷ nguyên công nghệ thông tin cũng sẽ đem lại cho đất nước ta những thách thức không thể xem  thường, các thế lực thù địch thì muốn dùng CNTT để đánh sập sự nghiệp đổi mới phát triển đát nước của chúng ta. Và chúng sẽ làm được như vậy nếu chúng ta sai lầm trong nhận thức và hành động đối với CNTT.

Nhận thức đúng về vai trò của CNTT chỉ có thể có được trên cơ sở nhận thức đúng bản chất của nó. Bản chất này làm cho CNTT không phải đơn thuần chỉ là một công nghệ. Vì vậy, việc ứng xử với CNTT như với các công nghệ khác là biểu hiện của lối tư duy có phần cứng nhắc, thiếu biện chứng. Đó là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến  sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ trong nhận thức và hành động, làm hạn chế thành công của mọi chương trình phát triển, ứng dụng CNTT quốc gia và làm gia tăng ảnh  hưởng tiêu cực trong các hoạt động có liên quan đến CNTT.

Hơn mười năm qua, dưới ánh sáng của Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Công  nghệ thông tin Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, thực sự là một động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước. Tuy nhiên, sự đóng góp của CNTT cho đất nước còn xa mới tương xứng với tiềm năng trí tuệ con người Việt Nam.

Điều đó đòi hỏi sự thống nhất nhận thức của tất cả hệ thống chính trị, các cấp,  các ngành, và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng của công nghệ thông tin, để CNTT thực sự là một phương thức mới, hiện đại và hiệu quả nhất cho tư duy và tổ chức hành động trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, là lực lượng sản xuất mới tiên tiến của thời đại, làm động lực hàng đầu thúc đẩy đất nước hội nhập thành công, phát triển nhanh chóng và bền vững. 
                                                                                             
 


Trần Văn Sỹ

Ý kiến bạn đọc