Dùng thiết bị đeo nào cho an toàn?

06:58, 10/10/2015
|

Bạn được quảng cáo thiết bị đeo (wearable) sẽ mang lại rất nhiều tiện lợi về công nghệ, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi liệu chúng có gây ra nguy cơ nào hay không?

Thực tế, công nghệ thiết bị đeo đã xuất hiện từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước khi Casio ra mắt chiếc "đồng hồ máy tính" lịch sử. Theo thời gian, công nghệ đã có những bước tiến vượt bậc và tới nay những chiếc đồng hồ thông minh (smartwatch) hoặc kính thông minh có sức mạnh tính toán không thua kém một chiếc laptop tầm thấp.

Bắt đầu từ năm 2013, những chiếc smartwatch kết nối với smartphone dần trở nên thông dụng. Tính hết năm 2014, đã có 6,8 triệu thiết bị đeo dạng này được bán ra thị trường. Tuy nhiên, do bản chất công nghệ này còn mới và người dùng chưa chú ý nhiều tới yếu tố bảo mật nên 6,8 triệu thiết bị này có thể trở thành 6,8 triệu mục tiêu tấn công của trộm cắp và tin tặc.

Hãy tham khảo các biện pháp phòng ngừa dưới đây trước khi thiết bị đeo của bạn biến thành nguy cơ mất an toàn.

Luôn cập nhật thiết bị

Cũng giống như cách thức bạn cập nhật bản nâng cấp cho Windows hoặc máy Mac, các thiết bị đeo cần được cập nhật phần mềm thường xuyên. Hãy chắc rằng nó đang chạy phiên bản hệ điều hành (OS) mới nhất. Nếu như với laptop và smartphone, bạn nên chờ khoảng 1-2 tuần để bản OS ổn định rồi mới nâng cấp thì thiết bị đeo lại hoàn toàn khác. Do bản chất của công nghệ này nên việc cập nhật cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Bạn cũng cần đảm bảo rằng tất cả các ứng dụng chạy trên thiết bị đeo đều được cập nhật. Đây là công nghệ mới nên khả năng ứng dụng dính lỗi bảo mật khá cao. Tuy nhiên, tốc độ sửa lỗi của các nhà phát triển cũng rất nhanh, cho nên bạn cần cập nhật ứng dụng một cách thường xuyên. Tốt nhất là kiểm tra xem ứng dụng có cơ chế cập nhật tự động hay không.

Đừng đồng bộ thiết bị đeo với smartphone

Một trong những hấp dẫn của thiết bị đeo chính là khả năng đồng bộ với smartphone giúp tạo nên trải nghiệm xuyên suốt và đồng nhất. Nhưng thực tế việc này có thể tạo nên nguy cơ lớn.

Vấn đề nằm ở cơ chế hai thiết bị "nói chuyện" với nhau. Hiện tại, chúng đều sử dụng mã PIN 6 số, bao gồm 1 triệu kết hợp nên rất dễ bị phá bằng phương pháp tấn công dạng từ điểm.

Năm 2014, các nhà nghiên cứu của công ty bảo mật Bitdefender đã trình diễn một tấn công mẫu sử dụng chiếc đồng hồ thông minh Samsung Gear Live làm "vật thí nghiệm". Kết quả chiếc đồng hồ thông minh này bị hack chỉ trong vòng vài phút khi đồng bộ với điện thoại Google Nexus 4.

Vô hiệu hóa các thiết bị y tế không dây

Ngoài các ứng dụng thông thường như đồng hồ thông minh hoặc vòng đeo tay theo dõi sức khỏe, thiết bị đeo còn được triển khai nhiều trong lĩnh vực y tế. Chủ yếu chúng được dùng để trợ giúp hiển thị thông tin thời gian thực hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ.

Thực tế, các thiết bị như bơm insulin, màn hình theo dõi glucose hoặc máy tạo nhịp tim đều có khả năng kết nối không dây. Tuy nhiên, chính khả năng này lại dẫn tới nguy cơ xâm nhập từ xa rất nguy hiểm.

Chẳng hạn, năm 2012 công ty bảo mật IOActive công bố tại Hội nghị bảo mật Breakpoint ở Melbourne một số lỗ hổng trong cơ chế lập trình bộ truyền dẫn không dây của máy tạo nhịp tim. Lỗ hổng này cho phép truyền nguồn điện tới 830 volt tới thiết bị có thể gây chết người ngay lập tức. Ngay sau thông tin này, cựu phó tổng thống Mỹ Dick Cheney đã tắt bỏ chức năng không dây trên máy tạo nhịp tim của ông.

Dễ mất vì hớ hênh

Ngoài những nguy cơ kỹ thuật số được nhắc tới ở trên, thiết bị đeo còn đối diện với nguy cơ thông thường khác như mất trộm. Những thiết bị đeo như Google Glass rất dễ bị giật trộm ở ngoài đường, còn đồng hồ thông minh nếu bỏ ra để rửa tay cũng rất hay bỏ quên.

Lời khuyên ở đây là bạn không quá phô trương các thiết bị đeo ở những nơi công cộng, nhất là khi có thông tin cá nhân lưu trữ trên thiết bị đó. Việc phô trương quá đà sẽ gây sự chú ý của cả kẻ tò mò lẫn tắt mắt, có thể thó trộm thiết bị khi bạn lơ là. 

(Theo XHTT)


Ý kiến bạn đọc