Truyền hình thực tế cần một cuộc “gạn đục, khơi trong”!

14:29, 03/04/2015
|

(VnMedia)  - Rất nhiều câu hỏi của độc giả VnMedia đặt cho ba vị khách mời với những tâm huyết mong muốn có những chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn, phù hợp với văn hóa Việt Nam và đặc biệt là có những chương trình phiên bản Việt.

Chiều 3/4, ba vị khách mời gồm Diva Mỹ Linh, ca sĩ Dương Hoàng Yến và nhà báo Mạnh Hà đã có buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Báo điện tử VnMedia. Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh cuộc sống nghệ thuật, về những điều hay và còn chưa thực tế của truyền hình thực tế được mua bản quyền, những scandal mang tên gọi “truyền hình thực tế”… cho ba khách mời.

Truyền hình thực tế với những phiên bản ăn khách nhất thế giới như The Voice, Vietnam Idol, X-Factor, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s Got Talent, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam’s Next Top Model… đã làm thay đổi bộ mặt của truyền hình giải trí nhiều năm qua. Không đơn thuần là mang lại những chương trình được đầu tư chất lượng, quy mô, được giám sát chặt chẽ về format bởi các nhà bán bản quyền mà nó còn mang lại cơ hội đổi đời, vụt sáng của rất nhiều tài năng Việt Nam ở đủ mọi lứa tuổi, trong mọi lĩnh vực. Rất nhiều tài năng mới đã được tìm ra, rất nhiều nghệ sĩ Việt cũng nhanh chóng đắt sô sau khi tham gia các chương trình này. Điều đó, cho thấy, sức hút của truyền hình thực tế đã bao phủ rộng khắp.

Tuy nhiên, những sai phạm trong thời gian qua và những scandal mà các chương trình truyền hình thực tế vấp phải như lộ kịch bản sắp đặt kết quả, thí sinh uống nhầm axit, biên tập quá đà gây ảnh hưởng đến đời tư của thí sinh, thí sinh lấy nhầm khăn Piêu của người Thái làm khố, thí sinh đấu tố nhau ở hậu trường… khiến cho các show truyền hình thực tế làm khán giả mất niềm tin vào kết quả cuối cùng của mỗi cuộc thi. Thậm chí, với những scandal có thể dù là vô tình của thí sinh cũng trở thành đề tài được cho là câu khách, tạo hiệu ứng khán giả của nhà sản xuất. Đơn vị đứng ra sản xuất là VTV cũng bị phạt không ít lần vì biên tập cẩu thả và thiếu kiểm duyệt trước các chương trình trước khi phát sóng, tạo dư luận trái chiều không tốt.

Trước quyết định của Bộ tạm dừng cấp giấy chứng nhận liên kết của VTV với các đối tác đã tạo nên ý kiến nhiều chiều. Là một quyết định đúng đắn, kịp thời để VTV chấn chỉnh các hoạt động kiểm duyệt chương trình khi sản xuất với các đối tác, Bộ cũng để ngỏ cơ hội sẽ tái cấp giấy chứng nhận nếu VTV khắc phục được những sai phạm. Khán giả thì vẫn mong đợi nhiều hơn những chương trình được đầu tư sâu và chất lượng hơn, đúng với tinh thần là nơi tôn vinh những tài năng Việt.

  Ảnh minh họa

 Lãnh đạo Báo tặng hoa cho ba khách mời giao lưu trực tuyến


Bằng kinh nghiệm ngồi ghế nóng Gương mặt thân quen nhí, Giọng hát Việt của ca sĩ Mỹ Linh; làm thí sinh truyền hình thực tế Giọng hát Việt, Cặp đôi Hoàn hảo của Dương Hoàng Yến là kinh nghiệm theo dõi Văn hóa Giải trí trên 10 năm của nhà báo Mạnh Hà, nhiều tâm huyết được chia sẻ để “gạn đục, khơi trong” những chương trình truyền hình thực tế sao cho chất lượng hơn, mong muốn những chương trình mang đậm bản sắc văn hóa Việt, tránh bị xâm lăng văn hóa…

Cùng theo dõi buổi giao lưu trực tuyến của ba vị khách mời với độc giả Báo điện tử VnMedia tại đây:

  Ảnh minh họa

  Diva Mỹ Linh, nhà báo Mạnh Hà và ca sĩ Dương Hoàng Yến


   Câu hỏi 1 - Mai Linh -Nu, 25 tuổi, hỏi: Theo chị, do đâu mà các chương trình thực tế ở nước ngoài vẫn được duy trì liên tiếp qua nhiều mùa và vẫn được đánh giá cao, thu hút người xem, nhưng những format ấy khi về Việt Nam lại dần trở nên nhạt nhòa và không đạt được hiệu ứng như kỳ vọng?

   - Diva Mỹ Linh : Chào bạn, tôi nghĩ việc các chương trình truyền hình thực tế với nhiều fomat khác nhau liên tục được đưa về Việt Nam sản xuất và phát sóng với phiên bản Việt hóa, vẫn luôn là những chương trình thu hút nhất trên sóng truyền hình, đã cho chúng ta thấy được sức mạnh của các chương trình này.

Mặt khác, việc các chương trình truyền hình thực tế làm mưa làm gió trên truyền hình cho ta thấy một đời sống tinh thần, nói cụ thể là âm nhạc khá là nghèo nàn của nhân dân. Một số những chương trình sau khi được phát sóng dài hơi thì đã trở nên "đuối", nhạt nhòa, điều này thật khó tranh khỏi.

  Ảnh minh họa

 Diva Mỹ Linh trả lời độc giả VnMedia


Ta thấy ngay cả những nước lớn như cả Mỹ, Anh thì một số fomat cũng không tránh khỏi việc bị nhàm chán sau nhiều mùa, ngay cả khi họ có đội ngũ sản xuất và trình độ cao hơn hẳn ta thì việc các chương trình của ta không được hiệu ứng như kỳ vọng cũng là điều dễ hiểu.


Câu hỏi 1 - Mai Trang -Nu, 25 tuổi, hỏi: Anh có đánh giá như thế nào về chất lượng các chương trình truyền hình thực tế hiện nay?

   - Nhà báo Mạnh Hà : Truyền hình thực tế có hai đơn vị lớn là BHD và Cát Tiên Sa, sau 10 năm trở lại đây, họ làm càng ngày càng có kinh nghiệm. Cái thu hút người xem nhất là âm thanh, sân khấu càng ngày càng tiến bộ. Những chương trình của Cát Tiên Sa hay thiên về bề nổi, có tính chất hơi thị trường, thời thượng, bên BHD họ làm điềm đạm hơn. Về chất lượng là vậy, nhưng cái khiến cho khán giả đánh giá chương trình là kết quả.

Nhiều khi mang danh là truyền hình thực tế nhưng có sự dàn xếp của BTC. Nếu một chương trình mua bán được sẽ đánh mất niềm tin trong khán giả. Đây là một lĩnh vực hấp dẫn về quảng cáo nên thu hút các đơn vị tổ chức nên có quá nhiều chương trình tương đối giống nhau về nội dung diễn ra cùng một lúc khiến cho chương trình truyền hình thực tế đang trở nên nhàm.

Bất cứ format nào cũng có một tuổi thọ nhất định nên đòi hỏi chương trình nào cũng phải có sự thay đổi hoặc format mới hấp dẫn khán giả và sau đó phải nghĩ ra một cái gì đó mới hơn. Đôi khi truyền hình thực tế còn có dấu hiệu quảng cáo trá hình (lách luật) và khán giả đang phải xem quảng cáo bị động. Với tư cách khán giả tôi mong cho những chương trình truyền hình thực sự là thực tế (đảm bảo tính khách quan) và sạch về mặt quảng cáo.

  Câu hỏi 1 - Thu Hà -Nu, 38 tuổi, hỏi: Việc Bộ tạm dừng cấp phép một số chương trình liên kết của VTV với các đối tác khiến cho một loạt gameshow có thể sẽ phải ngừng phát sóng đã nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình của khán giả, bởi họ cho rằng đó là một động thái mạnh tay cần thiết của cơ quan quản lý trước thực trạng thả nổi, cẩu thả mà các show truyền hình thực tế đã vấp phải thời gian qua. Tuy nhiên, cũng không ít khán giả bày tỏ sự nghi ngại khi quyết định này của Bộ có khả năng sẽ làm hạn chế cơ hội phát hiện tài năng của các thí sinh truyền hình thực tế. Cá nhân anh có ý kiến gì về vấn đề này?

   - Nhà báo Mạnh Hà : Theo tôi nghĩ quản lý bằng cách cấm không phải giải pháp tối ưu. Bản thân tôi không hy vọng truyền hình thực tế tìm kiếm được tài năng bởi truyền hình thực tế cơ bản là để giải trí. Việc cấm cũng có thể làm ảnh hưởng đến nhu cầu giải trí của khán giả.

 
  Ảnh minh họa

 Nhà báo Mạnh Hà giao lưu trực tuyến với độc giả VnMedia


Câu hỏi 2 - Minh Hoàng -Nam, 0 tuổi, hỏi: Yến ơi em có định đi thi cuộc thi truyền hình thực tế nào nữa không?

   - Ca sĩ Dương Hoàng Yến : Nếu có lời mời tham gia mà Yến thấy phù hợp với mình thì Yến sẽ tham gia để thử thách bản thân mình, nhưng chỉ là những gameshow các nghệ sĩ thi với nhau thôi, hihi...


   Câu hỏi 1 - Trần Bình Phương -Nam, 0 tuổi, hỏi: Chào ca sĩ Khôi Minh. Anh là một trong những nhà báo hiếm hoi có giọng hát, đi hát phòng trà, ra album... Anh có nghĩ mình sẽ có thể nổi danh hơn nữa khi đăng ký tham gia chương trình truyền hình thực tế nào đó không?

   - Nhà báo Mạnh Hà : Cảm ơn bạn đã hỏi thăm Khôi Minh - nghệ danh của tôi khi đi hát. Rất nhiều người đã tìm đến với truyền hình thực tế để nổi tiếng sau một đêm, nhưng có thể ngay đêm sau lại nhường sân cho người khác. Tôi thích sự nổi tiếng một cách tự nhiên bằng chính lao động của mình.


  Ảnh minh họa

 Ca sĩ Dương Hoàng Yến



   Câu hỏi 4 - Ngọc Lan -Nu, 30 tuổi, hỏi: Theo anh, sự đổ bộ ồ ạt của các phiên bản gameshow truyền hình thực tế vào Việt Nam đã có những tác động gì đối với thị hiếu nghe nhìn của công chúng Việt?

   - Nhà báo Mạnh Hà : Điều đầu tiên khán giả đại trà được tiếp cận với thực đơn giải trí phong phú hơn. Nhưng có một vấn đề format nước ngoài cũng sẽ truyển tải nội dung văn hóa nước ngoài dẫn đến việc ở các bản làng xa xôi người dân cũng biết đến những bài hát tiếng ANh nào đang thịnh hành qua truyền hình thực tế. Cho nên truyền hình thực tế theo format nước ngoài tiềm ẩm một nguy cơ xói mòn văn hóa truyền thống.

Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần phải nghĩ đến việc sản xuất những chương trình truyền hình thực tế phù hợp với văn hóa Việt Nam hơn nữa, nếu không muốn bỏ ngỏ địa bàn này cho nước ngoài thao túng.

   Câu hỏi 4 - Ngọc Linh -Nu, 30 tuổi, hỏi: Ở The Voice, thí sinh nào khiến Hoàng Yến nể phục nhất. Là thí sinh thi cả hai cuộc thi The Voice và Sao Mai điểm hẹn, Yến có thấy sự vượt trội về sự chuyên nghiệp, công nghệ đào tạo và truyền thông của truyền hình thực tế như The Voice.

- Ca sĩ Dương Hoàng Yến: Với The Voice, mỗi thí sinh đều có những điểm mạnh riêng thể hiện trên sân khấu và ai cũng đều cố gắng để thể hiện hết khả năng có thể. Mỗi một thí sinh đều là những đối thủ đáng gờm của nhau, đều ngang tài ngang sức nên rất khó để so sánh khi mỗi người theo đuổi một dòng nhac riêng, một phong cách riêng.

Cả hai cuộc thi đều là một dấu mốc trong sự nghiệp của Yến. Với Sao Mai điểm hẹn, ngày đó Yến còn quá non nớt và không có nhiều kinh nghiệm trên sân khấu, khán giả mới chỉ nhớ đến hình ảnh một Hoàng Yến nhí nhảnh, vô tư. Và sau 5 năm, Yến quyết định đến với The Voice vì khao khát được thể hiện sự trưởng thành trong giọng hát cũng như phong cách của mình.Và thực sự khi đến với The Voice cũng như một thời điểm chín muồi và Yến rất may mắn khi nhận được nhiều tình cảm của khán giả.

  Câu hỏi 4 Hoàng Nguyên  -Nam, 30 tuổi, hỏi: Mình rất thích bài hát "Đã từng" bạn hát với Bùi Anh Tuấn. Đây có phải là một hướng đi mới trong âm nhạc của bạn không. Có bao giờ bạn nghĩ sẽ ra album song ca với người yêu của bạn không?  

- Ca sĩ Dương Hoàng Yến: Yến với Bùi Anh Tuấn kết hợp với nhau cũng là một cái duyên khi tình cờ hai người gặp nhau ở sân bay để vào Sài Gòn thi Cặp đôi Hoàn hảo. Yến có cho Tuấn nghe demo ca khúc "Đã từng" và lúc đó Tuấn rất phấn khích và Yến là người rủ Tuấn cùng song ca.

Và thời gian thực hiện ca khúc này rất nhanh và không ngờ khi ra mắt lại nhận được rất nhiều sựu phản hồi tích cực từ phía khán giả. Có lẽ đó là một sự khởi đầu suôn sẻ của hai thí sinh The Voice hai mùa khi lần đầu tiên kết hợp với nhau. Yến với Tuấn cũng có dự định để tiếp tục hợp tác những dự án khác trong tương lai.

Câu hỏi 2 - Đinh Thị Nga -Nu, 35 tuổi, Hải Hậu, Nam Định hỏi: Tôi cho rằng nhiều khi truyền hình thực tế của mình đi hơi quá xa. Ví như năm Yasuy lên ngôi không thuyết phục tí nào trước cô Hoàng Quyên. Nhưng khán giả bình chọn thế, chúng ta phải tôn trọng kết quả. Nhưng tôi nghĩ cách làm quá của nhà sản xuất, nhấn mạnh đời tư của Ya Suy khiến chàng trai này lại được lòng fan hâm mộ. Nếu tìm tài năng kiểu này, thì thật là phí hoài chương trình lớn. Không biết chị có đồng quan điểm với tôi không?

   - Diva Mỹ Linh : Tôi nghĩ bất kỳ một điều gì, việc gì, sự kiện gì xảy ra thì luôn có những ý kiến trái chiều về những cái được và chưa được. Việc Yasuy lên ngôi thần tượng Việt Nam 2013 cho thấy một mặt bằng âm nhạc dưới chuẩn của số đông công chúng, nó cũng cho thấy sự cảm tính của người nghe khi họ nghe nhạc bằng hoàn cảnh chứ không phải nghe bằng tài năng.

Chính vì người nghe hoặc người xem truyền hình luôn ở thế bị động nên họ luôn bị những nhà đạo diễn dãn dẵn cảm xúc của mình theo hướng mà họ muốn. Tôi nghĩ với sự nở rộ của truyền thông hiện nay theo cách mà nó đang diễn ra, mỗi người hãy tự là một màng lọc thông tin cho riêng mình. Đọc và hỏi, nghĩ rồi mới tin hoặc không tin điều gì đó là một kỹ năng nên biết.

Câu hỏi 1 - Hoàng Lan -Nu, 34 tuổi, hỏi: Là một nhà báo theo dõi mảng Văn hóa - Giải trí, anh nghĩ thế nào về làng giải trí của Việt Nam nhiều năm qua. Nhất là khi có sự đổ bộ của nhiều show truyền hình thực tế?

   - Nhà báo Mạnh Hà : Những năm qua bắt đầu manh nha hình thành công nghiệp giải trí ở Việt Nam. Đôi khi nó tách biệt với đời sống nghệ thuật, đánh lạc hướng khán giả khiến họ chạy theo những giá trị bề nổi mang tính thời trang. Tôi nghĩ khán giả nên khó tính hơn nữa để tìm cho mình món ăn giải trí thực sự tác động tích cực đến đời sống tinh thần.

Việc xuất hiện nhiều chương trình truyền hình thực tế cũng có tác dụng đẩy nhanh sự phát triển của công nghiệp giải trí tạo nhiều cơ hội cho các nghệ sỹ thể hiện trước công chúng, đồng nghĩa với việc họ ít có thời gian đầu tư cho sự sáng tạo nghệ thuật cá nhân. Truyền hình thực tế cũng lấy mất đất của các chương trình biểu diễn trên sân khấu nhà hát. Bởi chỉ có trên sân khấu này khán giả mới được tiếp xúc với nghệ thuật trực tiếp và nuôi dưỡng đam mê sáng tạo của nghệ sỹ.

Câu hỏi 3 - Trần Thị Thu -Nu, 37 tuổi, Hưng Yên hỏi: Thật ra điều tiếc nuối nhất của em ở sân chơi The Voice là gì. Vì khi bạn ở vòng Giấu mặt, truyền thông về bạn rất tốt và được đánh giá là ứng viên rất nặng ký?

   - Ca sĩ Dương Hoàng Yến : Điều mà em tiếc nuối nhất chính là khi mình không được may mắn vào sâu và phải dừng bước khá sớm nên không có cơ hội để được hát những ca khúc mà em đã dự định để tri ân khán giả. Tất nhiên, khi đi thi thì ai cũng mong mình sẽ có được kết quả tốt nhất, nhưng đôi khi điểm dừng ấy lại là cơ hội, là động lực để Yến tiếp tục cố gắng phấn đấu.

  Câu hỏi 2 - Đức Minh -Nam, 37 tuổi, hỏi: Việc Bộ tạm dừng cấp phép một số chương trình liên kết của VTV với các đối tác khiến cho một loạt gameshow có thể sẽ phải ngừng phát sóng đã nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình của khán giả, bởi họ cho rằng đó là một động thái mạnh tay cần thiết của cơ quan quản lý trước thực trạng thả nổi, cẩu thả mà các show truyền hình thực tế đã vấp phải thời gian qua. Tuy nhiên, cũng không ít khán giả bày tỏ sự nghi ngại khi quyết định này của Bộ có khả năng sẽ làm hạn chế cơ hội phát hiện tài năng của các thí sinh của truyền hình thực tế. Cá nhân chị có ý kiến gì về vấn đề này?

   - Diva Mỹ Linh : Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này ở nhiều góc khác nhau mới có thể có được cái nhìn tổng quan. Nếu xét về mặt tác động xã hội thì các chương trình truyền hình thực tế không mang lại cái xấu bằng sự tràn lan thông tin nhảm nhỉ từ một số báo mạng. Mà trong thực tế ngay cả những tờ báo đó còn chưa quản lý được thì cấm các chương trình thực tế truyền tải được giấc mơ của các bạn trẻ "từ zero" trở thành "hero" thì tôi cho rằng điều này không hợp lý.

Mặt khác, xét về kinh doanh nếu như ta không sản xuất các chương trình nội địa thì nhân dân sẽ không xem các kênh VTV (vì quá nhàm chán) mà sẽ chuyển sang xem các kênh ngoại nhập (có dịch tiếng Việt đầy thu hút). Điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ những doanh thu quảng cáo đáng ra VTV thu được để nộp thuế cho nhà nước sẽ được chuyển sang cho các đối tác ngoại, vậy là về mặt kinh doanh mà nói ta thua ngay trên sân nhà.

Ở một khía cạnh khác các nhà sản xuất họ cũng chẳng cần VTV mà chọn phát sóng những chương trình mà họ đã sản xuất ở các đài địa phương thì cuối cùng mục đích cấm cũng không thực hiện được. Tôi nghĩ đây chỉ là nhưng ý kiến hoàn toàn mang ý kiến cá nhân ở góc nhìn của tôi còn các nhà quản lý họ sẽ có những lý luận phản biện khác.

Câu hỏi 1 - Trương Xuân Ngọc -Nam, 0 tuổi, hỏi: Hoàng Yến ơi, tôi thấy tình yêu của bạn với bạn trai Hà Anh bền vững khá lâu. Bạn có bao giờ nghĩ sự nổi danh quá của mình sẽ làm tổn hại tới tình yêu không. Bạn đã bao giờ "xui" Hà Anh nổi danh bằng thi truyền hình thực tế?

   - Ca sĩ Dương Hoàng Yến : Nếu sự nổi danh của Yến mà làm tổn hại đến tình yêu thì chắc có lẽ nó không bền vững được như bây giờ. May mắn là cả Yến và Hà Anh đều cùng nghề nên dễ cảm thông và chia sẻ với nhau được rất nhiều điều. Và Yến cũng có cảm giác là tình yêu càng bền chặt thì tiếng hát của Yến càng thăng hoa.

Thông thường, các cuộc thi truyền hình thực tế cũng là một cơ hội tốt, một bệ phóng tốt để các nghệ sĩ chứng tỏ tài năng và tiếp cận công chúng dễ dàng hơn, nên Yến nghĩ nếu mình có cơ hội thì hãy nên thử thách mình. Và dù bạn có thành công hay thất bại thì đó cũng là một bài học kinh nghiệm và đó cũng là một hành trang để bạn vững bước trên con đường nghệ thuật. 

   Câu hỏi 1 - Ngọc Tú -Nu, 30 tuổi, hỏi: Có ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của hàng loạt chương trình phiên bản nhí như “The Voice Kids”, “Gương mặt thân quen nhí” hay “Bước nhảy Hoàn Vũ nhí”,… bên cạnh việc nâng cánh để phát triển tài năng thì cũng khiến các em bị rơi vào guồng quay giải trí quá sớm, ảnh hưởng đến việc học tập và tâm lý tuổi mới lớn bởi chúng thường phải biểu diễn những tác phẩm được dàn dựng "người lớn hóa". Chưa kể đến việc nhiều người tin rằng một số nhà sản xuất đang cố dùng yếu tố trẻ em để câu kéo khán giả, đưa trẻ em vào những cuộc thi với đầy rẫy những toan tính, sắp đặt của người lớn là rất nguy hiểm. Còn quan điểm của anh thì sao? Nên hay không nên phát triển các chương trình này, và nếu phát triển thì nên đi theo hướng nào để hạn chế mức thấp nhất các hệ lụy không tốt cho thế hệ tài năng trẻ?

   - Nhà báo Mạnh Hà : Những chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của tài năng thiếu nhi luôn thu hút sự chú ý của khán giả nhưng dường như sau mỗi cuộc thi rất ít em có khả năng ngày lập tức có thể lên sân khấu biểu diễn như nghệ sỹ chuyên nghiệp. Những chương trình truyền hình thực tế sử dụng thí sinh ít tuổi cần được sự giám sát chặt chẽ hơn nữa vì trẻ em luôn là những đối tượng dễ bị tổn thương.

Đôi khi chính sự quan tâm thái quá của khán giả khiến các thí sinh ít tuổi cũng chịu áp lực quá sức. Tôi nghĩ là phụ huynh của các em nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho con em mình tham gia chương trình truyền hình thực tế. Phát triển năng khiếu cho trẻ em bằng con đường giáo dục vừa chơi vừa học tôi nghĩ là lâu bền hơn.

   Câu hỏi 2 - Ngô Đức Hải -Nam, 0 tuổi, hỏi: Sau The Voice và Cặp đôi hoàn hảo, Yến trở nên đắt sô và nổi danh hơn hẳn. Nếu không có hai chương trình đó, bạn có nghĩ mình sẽ an phận với nghề giáo ở Hà Nội không?

   - Ca sĩ Dương Hoàng Yến : Yến còn rất trẻ và tuổi trẻ thì rất muốn bay nhảy. Vậy nên nếu không thi The Voice và Cặp đôi Hoàn hảo thì Yến cũng sẽ tham gia một cuộc thi khác. Và có lẽ đây chưa phải là thời điểm để Yến an phận.

  Câu hỏi 38 - Chu Thị Hương -Nu, 40 tuổi, hỏi: Vợ chồng chị đều từng ngồi ghế nóng ở những show lớn như The Voice, Vietnam Idol... chị thấy các khán giả, thí sinh Việt được gì ở các show truyền hình này không? 


   - Diva Mỹ Linh : Tôi nhận thấy việc có các chương trình thực tế như The Voice hay Vietnam Idol, So You think you can dance… mở ra cho nhưng người có khả năng ca hát hay nhảy múa có cơ hội được tiếp cận với giới chuyên môn, tiếp cận với khán giả đại chúng một cách nhanh nhất. Trong một số trường hợp đã khiến họ thay đổi cả cuộc đời. Tôi nghĩ đây là khía cạnh nhân văn của các chương trình kể trên.

Hơn nữa, không thể phủ nhận một số chương trình đã phát hiện để đưa đến thị trường âm nhạc những giọng ca hoặc những vũ công tài năng xuất hiện từ quần chúng. Mặc dù còn có nhiều ý kiến trái chiều, còn nhiều điều cần phải bàn và chấn chỉnh nhưng việc có mặt những chương trình thực tế đã góp phần làm thay đổi bộ mặt âm nhạc đại chúng là điều ai cũng có thể nhìn thấy.

  Câu hỏi 39 - Nguyễn Hoàng Quân -Nam, 40 tuổi, hỏi: Chào chị Mỹ Linh. Tôi là fan của chương trình Gương mặt thân quen nhí. NHưng tôi thấy chương trình làm các cháu già sớm quá hoặc bắt các cháu cứ phải đóng giả trai, giả gái. Như thế có vẻ thiếu định hướng về lối sống và thẩm mỹ cho các cháu không. 

  - Diva Mỹ Linh : Tên gốc của chương trình là The face and sound familiar nên việc các cháu phải đóng giả hình dáng, giọng hát, cách trình diễn của một nghệ sĩ nào đó (nam hoặc nữ) theo sự bốc thăm là fomat của chương trình rồi. Chương trình này không mang nặng tính ăn thua mà mang tính giải trí, vui là chính nên tôi nghĩ nó không có vấn đề gì quá to tát về lối sống hay tính thẩm mỹ của các cháu.

 Mặt khác, cũng là một phụ huynh của 3 con đang tuổi mới lớn tôi xin chia sẻ rằng việc giáo dục trong gia đình là quan trọng nhất rồi mới đến nhà trường và xã hội. Thế cho nên định hướng và lối sống về thẩm mỹ và lối sống cho các cháu ngay từ khi còn nhỏ trong gia đình.

   Câu hỏi 40 - Ngô Đức Hải -Nam, 25 tuổi, hỏi: Theo anh, sự đổ bộ ồ ạt của các phiên bản gameshow truyền hình thực tế vào Việt Nam đã có những tác động gì đối với thị hiếu nghe nhìn của công chúng Việt?

  - Nhà báo Mạnh Hà : Điều đầu tiên khán giả đại trà được tiếp cận với thực đơn giải trí phong phú hơn. Nhưng có một vấn đề format nước ngoài cũng sẽ chuyển tải nội dung văn hóa nước ngoài dẫn đến việc ở các bản làng xa xôi người dân cũng biết đến những bài hát tiếng Anh nào đang thịnh hành qua truyền hình thực tế.

Cho nên truyền hình thực tế theo format nước ngoài tiềm ẩm một nguy cơ xói mòn văn hóa truyền thống. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần phải nghĩ đến việc sản xuất những chương trình truyền hình thực tế phù hợp với văn hóa Việt Nam hơn nữa, nếu không muốn bỏ ngỏ địa bàn này cho nước ngoài thao túng.

Câu hỏi 2 - Mai Trang -Nu, 25 tuổi, hỏi: Chị có chia sẻ gì với những bạn thí sinh đang có ý định tham gia các show truyền hình thực tế?

   - Ca sĩ Dương Hoàng Yến : Yến muốn chia sẻ một kinh nghiệm là “phải liều”, dám thử thách, dám chấp nhận kể cả là thất bại vì nếu bạn chỉ ngồi một chỗ và tưởng tượng mà không dám thực hiện những ước mơ của mình thì không bao giờ có thể biến ước mơ đó thành hiện thực. Bên cạnh đó, Yến nghĩ các bạn cũng nên có một hành trang nghệ thuật, tích cực luyện tập để có thể đi con đường dài hơn trong sự nghiệp chứ không nên chỉ đơn thuần phụ thuộc vào bản năng.

Câu hỏi 1 - Popy -Nam, 0 tuổi, hỏi: Gần đây mình thấy Yến hay xuất hiện trên các chương trình truyền hình, Yến có thể chia sẻ một chút về chương trình nào để lại cho bạn nhiều ấn tượng, tình cảm nhất.

   - Ca sĩ Dương Hoàng Yến : Đó là chương trình Điều ước thứ 7. Yến cũng được tham gia chương trình này trong số ghi hình đám cưới của anh Vượng – chị Loan. Một chương trình rất nhân văn, ý nghĩa và xúc động với những hình ảnh chân thật, những con người chân thật, giúp đỡ cho những mảnh đời không được may mắn tìm thấy niềm tin trong cuộc sống.

Câu hỏi 1 - Đức Minh -Nam, 37 tuổi, hỏi: Đứng dưới góc độ của một khán giả xem truyền hình, anh thấy những cái được và chưa được của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay là gì?
   - Nhà báo Mạnh Hà : Vì là truyền hình thực tế nên các góc khuất bày ra trên màn hình, khán giả có thể cảm nhận được. Chẳng hạn trong một cuộc thi hát, khi một thí sinh được coi là ứng cử viên quán quân bị loại sớm không vì lý do gì. Và người thẳng chung cuộc lại không có gì nổi bật về chuyên môn, khán giả có thể quan sát và tự kết luận.

  Câu hỏi 3 - Mai Trang -Nu, 35 tuổi, hỏi: Chào em Hoàng Yến. Chị rất thích em từ hồi thi Sao Mai điểm hẹn. MỘt thời gian bẵng đi không thấy em trên truyền hình mấy, nghĩ là em đã bỏ nghề. Trong âm nhạc, ai là người có sức ảnh hưởng với em nhất. Nếu người yêu muốn em lùi lại để yên bề gia thất, em có chấp nhận không.


- Ca sĩ Dương Hoàng Yến : Em chào chị, rất cảm ơn tình cảm chị đã dành cho em. Nói bỏ nghề thì cũng có những lúc em cũng nản lắm nhưng vì tình yêu và đam mê với nghệ thuật quá lớn nên em cũng khó lòng mà dứt được.

Trên con đường nghệ thuật của mình, những năm tháng học tập dưới mái trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội đã giúp em có được tính kiên trì vì học nghệ thuật không chỉ trong một thời gian ngắn, 1 hay 2 năm mà có thể có đủ kiến thức để ra nghề. Với em, 10 năm học trong trường mà em còn cảm thấy chưa đủ mà vẫn cần phải tiếp tục trau dồi thêm, nếu không thì mình chỉ dậm chân tại chỗ, không tiến thêm được.


Trong âm nhạc, người ảnh hưởng đến em nhiều nhất chính là người đã dìu dắt em từ thưở nhỏ đến bây giờ - đó chính là NSƯT Minh Ánh.


Mặc dù còn nhiều câu hỏi của độc giả VnMedia giành cho ba vị khách mời, nhưng thời lượng có hạn nên chúng tôi dừng cuộc giao lưu trực tuyến tại đây.


VnMedia

Ý kiến bạn đọc