Điện Biên Phủ - Nơi viết nên bản giao hưởng hòa bình

16:54, 22/04/2014
|

(VnMedia) - Chương trình kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản giao hưởng hòa bình đã khép lại nhưng những câu chuyện mà chương trình mang tới sẽ còn vang mãi như những khúc tráng ca về lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Đó là câu chuyện của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu - trung đoàn 675 - người đã 5 lần được gặp Bác Hồ. Tuy hồi trẻ không biết chữ nhưng muốn ra trận đánh giặc nên đã nhờ 2 anh con nhà giàu viết hộ đơn xin nhập ngũ. Trước ngày lên khám tuyển, ông không tài nào chợp mắt nổi vì hồi hộp. Trúng tuyển rồi, được giao làm anh nuôi, có lần ông đã định đào ngũ trốn về. Không phải vì ông ngại khổ, ngại khó mà vì ông sợ mình không biết tính toán tiền nong, ảnh hưởng đến các đồng đội đang ngày đêm chiến đấu. Nhưng nhớ lời bố dặn "Con đi theo Bác Hồ phải đi đến cùng"..., ông Khẩu lại tiếp tục khát vọng được cống hiến cho đất nước. 17 tuổi, ra chiến trường chiến đấu với một kẻ thù rất mạnh, nhưng ông chia sẻ rằng mình “luôn tin tưởng vào sự chỉ huy của đại tướng Giáp”. Chính niềm tin ấy đã giúp ông một mình giữ vị trí pháo thủ số 2, thay tất cả các đồng đội đã ngã xuống.

Ảnh minh họa
 

Đó còn là câu chuyện của ông Trịnh Quang Thềm - Trung đội trưởng dân công Thanh Hóa, của ông bà Lò Văn Tun - Lò Thị Khuýn ở Sơn La. Trong những ngày cao điểm của chiến dịch Điện Biên Phủ, họ cùng với đoàn dân quân cần mẫn vận chuyển từng bao gạo cho tiền tuyến. Và từ trong gian khó họ không chỉ nhìn thấy tương lai của đất nước mà còn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc của chính mình.

Và nếu đã theo dõi chương trình, hẳn không ai có thể quên hành trình gian nan vận chuyển 20 khẩu trọng pháo của Anh hùng lực lượng Nguyễn Trọng và các đồng đội. Là pháo thủ  của Đại đoàn 351, sau một năm học tập sử dụng đại pháo tại Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Trọng cùng đồng đội trở về Việt Nam với 20 khẩu trọng pháo. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, đại đội của ông đã thực hành phương pháp vận chuyển pháo lần đầu tiên có trong lịch sử quân sự Việt Nam là tháo rời pháo và vận chuyển bằng bè qua sông. Ông chia sẻ: “Lúc ấy chúng tôi vừa tháo pháo mà vừa khóc vì lo sợ rằng vận chuyển đến nơi rồi, pháo có bắn được hay không? Nhưng rồi, quyết tâm của những người chiến sĩ ấy đã được đền đáp, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của nước nhà.

Ảnh minh họa
 

Ở bên kia chiến tuyến, câu chuyện của những người Pháp yêu chuộng hòa bình cũng khiến nhiều khán giả xúc động. Bà Raymond Dien, ở tuổi 20, chưa một lần đến Việt Nam, thậm chí chưa từng gặp một người Việt Nam nào nhưng sẵn sàng bất chấp mạng sống của mình nằm xuống đường ray xe lửa ngăn đoàn tàu chở vũ khí đến Việt Nam.

Còn nhà báo, nhà làm phim Daniel Roussel – đạo diễn bộ phim tài liệu “Cuộc chiến giữa hổ và voi” chia sẻ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp:  “Mỗi lần gặp tướng Giáp, tôi có một cảm giác rất khác lạ, không phải vì ông là một Đại tướng, mà vì ở ông toát ra một nét nhân văn vô cùng cao cả. Lịch sử Anh đã công nhận ông là 1 trong 10 vị tướng vĩ đại của thế giới, nhưng với tôi, ông là một vị tướng đặc biệt”. Ông cũng cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến tích của quân và dân Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng cho những nước Châu Phi thuộc địa, tiếp thêm sức mạnh cho những nước nhỏ có niềm tin về chiến thắng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đan xen giữa những câu chuyện lịch sử là các hoạt cảnh và tiết mục ca nhạc được dàn dựng công phu, tái hiện lại phần nào sự ác liệt của chiến trường năm xưa.

Đạo diễn - NSND Lê Hùng đã mang lên sân khấu của chương trình những hình ảnh kéo pháo đầy gian nan và nguy hiểm của quân và dân Việt Nam trong những ngày này 60 năm trước. “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi - Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù - Kéo pháo ta lên, trận địa đây là xác quân thù…” Lời ca khúc “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân như nỗi lòng của những người lính năm ấy. Có người hy sinh, có người bị thương nhưng, dù đường phía trước có gian nan hiểm trở, dốc có cao, đèo có sâu nhưng cũng không bằng lòng quyết tâm chiến đấu giành độc lập của toàn quân và dân ta.

Không thể không kể đến màn trình diễn âm nhạc và ánh sáng đặc sắc được ví như “bữa tiệc ánh sáng” tại sân khấu ngoài trời mới khánh thành của Đài Truyền hình Việt Nam. Những chiếc máy bay mô hình thả những chiếc dù xuống sân khấu lại đưa khán giả vào một không gian đầy hiểm nguy khi quân đội Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, ca khúc “Qua miền Tây Bắc” được thể hiện bởi những cựu chiến binh từng là bộ binh, công binh, nữ văn công hỏa tuyến... đã tham gia trận đánh Điện Biên Phủ năm 1954 như một nốt thăng rực rỡ và hào hùng ở phần cuối chương trình.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc