Thầy của tôi

07:43, 26/09/2013
|

(VnMedia) - Kể từ khi đi học, ngoài học chữ tôi còn học nhiều thứ khác, nhưng tôi chỉ gọi những người dạy chữ là thầy. Chị là người dạy tôi nấu ăn, song tôi muốn dành tiếng gọi THẦY cho chị với sự trân trọng tuyệt đối.

Lâu nay, việc nấu ăn với tôi chỉ là chức năng như bất cứ người vợ, người mẹ nào nên tôi không đam mê, dù vẫn cố nghĩ cách chế biến thức ăn ngon nhất theo khả năng của mình. Cũng vì thế, tôi chẳng có mấy kinh nghiệm để dạy con gái nấu nướng. Các con tôi hiện ở xa, ngoài bữa cơm đơn giản với rau luộc, thịt luộc, trứng rán, còn lại thì triền miên mì ăn liền. Thương các con ăn uống thất thường, thiếu chất, chẳng mấy khi được miếng ngon, tôi quyết định đi học nấu ăn để dạy lại cho con.

 Ảnh minh họa

 Tác giả bài viết và nghệ nhân Ánh Tuyết


Không học thì thôi, đã học phải học đến nơi đến chốn. Suốt mấy tháng liền tôi điện thoại tới tấp nhờ bạn bè là đồng nghiệp làng báo ở Bắc, Trung , Nam “tầm sư” cho tôi học “đạo”. Bạn bè giới thiệu toàn đầu bếp chuyên nghiệp, khá nổi tiếng nhưng gặp họ rồi chẳng hiểu sao tôi lại không thích. Một hômchị gái tôi bảo hay đến bà Hồng Tuyết ở Hàng Bạc mà học. Nhờ người bạn thân cùng phố tìm khắp Hàng Bạc, chẳng có ai dạy nấu ăn tên là Hồng Tuyết. Tôi vào Google gõ: “Hồng Tuyết dạy nấu ăn” - kết quả nhận được: “
Làm hoa hồng giấy tuyệt đẹp..”Gõ tiếp “Hồng Tuyết + nấu ăn”, nhận dược đường link blog của một Hồng Tuyết nào đó. Kiên trì gõ “Nghệ nhân nấu ăn Hồng Tuyết”, lời đáp:“Vì sao các nghệ nhân ca trù Lỗ Khê tẩy chay "hồng hồng, tuyết tuyết". Nản lòng tính bỏ cuộc, bỗng có người mách bà Hồng Tuyết thường lên sóng dạy nấu ăn.Gọi ngay cho anh bạn thân ở Truyền hình Hà Nội mới biết chị là Ánh Tuyết chứ không phải Hồng Tuyết. Sai tên hèn gì search mãi chẳng ra.

Có số điện thoại của chị Ánh Tuyết rồi, tôi bấm máy gọi ngay. Sau khi xưng tên và trình bày nguyện vọng, tôi bị từ chối. Chị nói chị bận lắm, không có thời gian và chấm dứt việc dạy lâu rồi. Lúc đó với suy nghĩ học cũng được, không học cũng chả sao nên sau khi cám ơn tôi bảo nghe nói chị hiện ở Đà Nẵng? Chị trả lời:“Ừ, nhưng chị đang ở sân bay, chuẩn bị về Hà Nội. Thôi, chiều nay đến chị đi” (sau này chị bảo tôi đã chọc đúng cơn bốc đồng của chị). Tôi xin phép gặp chị sau một tuần nữa.

Đúng hẹn, tôi đến gặp chị mà trong lòng thật sự không mấy hào hứng chuyện học hành. Tôi rủ hai người bạn đi cùng. Chúng tôi dự định đến nhà hàng của chị gọi món ăn, nếu thấy ngon mới học. Tuy nhiên, khi đến nơi vẫn còn sớm nên chúng tôi gặp chị trước. Chị vui vẻ đón tiếp, lắng nghe tôi trình bày thực đơn cần học. Rồi, chị từ tốn:“Nếu em đã đi vào ngành ẩm thực thì phải hiểu ẩm thực gắn liền văn hóa. Món ăn của mỗi nước có sự độc đáo riêng. Các món ăn em muốn học tuy ngon nhưng pha tạp, lai căng và không làm nên nét riêng của dân tộc, của người Hà Nội. Nếu thích, em có thể nấu cho gia đình thưởng thức, nhưng nếu tiếp bạn bè phương xa hoặc người ngoại quốc, em sẽ không giới thiệu được sự tinh túy của những món ăn thuần Việt, thuần Hà Nội”. Tôi bất ngờ đến lặng người. Thật sự tôi không biết nhiều về chị. Tôi nghĩ chị là người nấu ăn giỏi như bao nhiêu đầu bếp chuyên nghiệp khác. Ai ngờ, thần thái cùng những triết lý về ẩm thực của chị thuyết phục tôi hoàn toàn. Tôibiết mình đã tầm đúng sư để học đạo – đạo ẩm thực.

Tuy nhiên, thực đơn của buổi học đầu tiên khiến tôi khá băn khoăn. Toàn những món ăn bình dân như: canh bí nấu tôm nõn khô; canh cải nấu cá rô; đậu phụ tẩm hành; giá, mướp xào lòng gà… Chỉ đến khi đi vào khâu chế biến, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra rằng: món ăn bình dân qua tay chị Ánh Tuyết trở thành đẳng cấp, đậm đặc sự tinh tế của người Hà Nội cổ. Tô canh bí trong veo, xanh biếc, thanh khiết. Tô canh cải nấu cá rô thơm lừng, ngọt lịm. Đặc biệt, cách chế biến món ăn của chị không có bất cứ một chất phụ gia hay chất tạo màu thực phẩm nào,chỉ có nước mắm, hành, tiêu, ớt, tỏi, nước hàng thắng bằng đường. Vậy mà thức ăn vẫn thơm ngon, bắt mắt. Đã thế, nguyên liệu sử dụng nấu ăn lại dễ kiếm, chợ nào cũng có. Trước kia đi chợ tôi tiêu rất nhiều tiền mà mâm cơm vẫn đơn điệu, ít màu sắc. Bây giờ chỉ cần ít tiền thôi tôi đã có thể nấu được một bữa cơm đủ dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, ngon mắt, ngon miệng…

 Ảnh minh họa

 Những món ăn tinh tế trong cách chế biến


Tôi đã nhập môn bằng các món ăn đơn giản như thế đấy. Mấy chục năm rán đậu, kho cá, kho thịt, giờ phải học lại hoàn toàn. Cũng thịt ấy, cá ấy, mắm muối ấy, gia vị ấy nhưng chế biến theo công thức của chị, món ăn trở nên tuyệt ngon. Ngẫm nghĩ lại thấy cũng đúng. Hà Nội ngày xưa nghèo khó, thực phẩm khan hiếm, chất phụ gia không có, thậm chí mì chính nếu dùng cũng phải dè xẻn, chỉ dám chấm một đầu đũa vào lọ penicillin rồi nhúng vào nồi canh đã là sang lắm rồi. Ai đã sống ở thời bao cấp mới hiểu mì chính quý tới mức nào. Những gia đình khá giả mới có mì chính, nó ít tới mức chất phụ gia ấy được đựng trong chiếc lọ peincillin bé tý, cất kỹ trong tủ để dành đãi khách.Chính vì vậy các bà nội trợ của Hà Nội xưa mới tìm cách chế biến bữa cơm ngon cho gia đình bằng chính những nguyên liệu bình dân nhất - điều đó tạo nên sự tinh túy của món ăn
.

Chị là người kỹ tính, nghiêm khắc nhưng cũng rất vui tính và dễ sẻ chia. Thời gian học 5 ngày, mỗi ngày bảy, tám món ăn nhưng rất nhẹ nhàng, không cần thực hành vẫn đạt chuẩn ít nhất 90%. Trong khi dạy nấu ăn, chị không chỉ dạy tôi về ẩm thực mà còn sẻ chia cả văn hóa ứng xử, nề nếp cùng phong cách của người Hà Nội xưa. Phong cách người Hà Nội gốc rất tinh tế. Người xuề xòa sẽ cho đó là sự nhiêu khê, kiểu cách, khách khí, khắt khe. Chính vì lẽ đó mà tôi vốn đặc sản Hà Nội nhưng đã phải lược bớt để phù hợp với cuộc sống của bạn bè ở đủ mọi vùng miền. Buồn cười, hai chị em mải chuyện tới mức đểcháy nồi thịt kho tàu. Lúc phát hiện, cả thầy lẫn trò hốt hoảng kêu chết chết, chạy vội ra tắt bếp.Chúng tôi gắp bỏ những miếng thịt bị cháy rồi đổ vào nồi khác kho lại. Mang một ít về cho chồng ăn, hỏi anh ngon không, anh gật đầu: “Ngon!” Gặng lần nữa: “Ngon thật không anh?”, anh mủm mỉm: “Người mới học nấu ăn như thế này là ngon rồi”. Tôi cười phá lên bảo anh rằng Nghệ nhân nấu đấy. Hôm sau kể lại chuyện đó, chị ôm bụng cười ngặt nghẹo…

Chị được Nhà nước vinh danh Nghệ nhân. Chị cũng được rất nhiều nhà báo trong, ngoài nước ca ngợi. Người ta gọi chị là NGƯỜI GIỮ HỒN HÀ NỘI, là NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ SĂN ĐUỔI… Còn tôi, tôi gọi chị bằng THẦY với sự trân trọng tuyệt đối. Bởi lẽ món ăn của thầy tôi không đơn giản chỉ là món ăn mà trong đó hàm chứa cả văn hóa, sự tinh tế, hào hoa, lắng đọng của tâm hồn người Hà Nội, của một Hà Nội rất xưa…


Phong Lan

Ý kiến bạn đọc