Nghi lễ mùa xuân quá thành công

06:59, 01/07/2013
|

Giám đốc Trung tâm Vũ kịch quốc gia Grenoble (Pháp) JEAN - CLAUDE GALLOTTA đã đánh giá như vậy khi đem vở ballet đương đại kinh điển Nghi lễ mùa xuân tới Việt Nam.

 

Theo Jean, ngay khi bước chân vào con đường múa chuyên nghiệp, năm 22 tuổi, ông đã được xem nhiều bản dựng hiện đại của vở diễn này, lúc đó đã gây scandal và nhận nhiều lời chỉ trích. Jean dần nhận thức được đây là một vở diễn quan trọng và từ đó xác định, nhất định trong sự nghiệp của mình, tôi phải dựng vở này.

 

Đến năm 2011, ông quyết định dựng lần hai và sản phẩm là vở ballet trên nền nghệ thuật đương đại như hiện nay, Jean đã giữ lại một số chi tiết ở lần dựng trước, như cử chỉ vẫy tay hay đoạn cô gái múa solo… “ Tôi nghĩ phiên bản này đã thành công, khi được giới chuyên môn đánh giá cao và được công chúng đón nhận” - Jean nói.

 

Vở diễn nói về một cô gái bị chọn làm vật hiến tế cho thần mùa xuân thời xưa, còn trong xã hội dân chủ hiện nay, tôi nghĩ phụ nữ phải được bảo vệ, được tôn trọng. Tôi dựng lại vở này để nhắc nhở rằng, trong xã hội dân chủ, nam nữ bình đẳng, ai cũng được quyền nói lên điều mình mong muốn. Trong cách chọn trang phục, tôi không sử dụng trang phục cổ, trang phục truyền thống mà diễn viên mặc quần jean, áo phông như hình ảnh thường thấy trên đường phố hiện nay. Trong vở diễn có nhiều phần khác nhau, có phần âm nhạc đi rất xa nhưng có phần tôi cố gắng tối đa để kéo diễn viên tới gần hơn với khán giả.

 

Khi dựng tác phẩm này, Jean cảm thấy rất thoải mái, không có áp lực gì. Mặc dù giới truyền thông nhiều lần nhắc tôi rằng, đây là ngọn núi thiêng, một vở cực kỳ khó, nhưng tôi không sợ. Khi vở diễn hoàn thành, chính tôi cũng cảm thấy bất ngờ bởi nó thành công vượt quá sự mong đợi.

 

Khi nói đến múa đương đại tức là mình sẽ phải chú ý đến việc hòa vào không khí chung của nơi đó. Khi diễn ở châu Á thì ta sẽ nhìn thấy một chút gì đó bản sắc của châu Á trong vở diễn. Nếu diễn ở Pháp, diễn viên có thể mặc đồ lót nhưng ở Việt Nam thì không thể, nên tôi để diễn viên mặc quần jeans, áo lưới. Hay trước các buổi diễn ở Việt Nam , Jean đều giới thiệu ngắn gọn về vở diễn để khán giả hiểu rõ hơn, tiện theo dõi…

 

“Thực ra, tôi không quá áp đặt câu chuyện trong vở diễn vào bối cảnh Việt Nam , và cũng không thể đưa mọi thứ ở Việt Nam lên sân khấu. Điều tôi quan tâm là tạo ra sự đối thoại giữa khán giả và diễn viên, qua đó tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, chứ không đơn thuần chỉ là mang đến trình diễn một vở diễn của Pháp” - Jean cho hay.

 

Sau buổi biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh, Jean đã gặp đại diện Trường Múa của TP và họ đã có ý tưởng về một dự án với các nghệ sỹ Việt Nam. Jean sẽ xây dựng một vở diễn dành cho 3 thế hệ diễn viên múa cùng đứng trên sân khấu: những em 7 - 8 tuổi, các nghệ sỹ chuyên nghiệp hiện nay và các nghệ sỹ già. Mỗi nhóm nghệ sỹ sẽ có khoảng 4 nam, 4 nữ. Nội dung vở diễn nói về cuộc sống thường ngày của người Việt Nam . Tuy nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng, và nếu được triển khai, Jean sẽ chỉ định hướng, các diễn viên Việt Nam phải phát triển, biên đạo vở múa cho phù hợp với Việt Nam.


Lê Vân

Ý kiến bạn đọc