Scandal - bộ phim “chín” nhất của Victor Vũ

16:16, 08/03/2013
|

(VnMedia) - Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm về nước, Victor Vũ đã làm 5 phim ở Việt Nam. Tính cả 2 tác phẩm trước đó ở hải ngoại là Buổi sáng đầu nămOan hồn, anh đã có gia tài 7 phim điện ảnh. Trong số ấy, Scandal là tác phẩm đạt độ chín nhất, cả về nghề nghiệp, nội dung và chiều sâu tư tưởng.

>> Những phim xứng Oscar của điện ảnh Việt 2012
>> 'Lấy chồng người ta' – bộ phim hay nhất của Lưu Huỳnh

Trước thềm Lễ trao giải Cánh diều, cùng điểm danh những ứng viên nặng ký nhất của giải -cũng là những tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Việt trong năm qua.

Scandal (Victor Vũ, Saiga Films sản xuất, Galaxy phát hành)

Victor Vũ là đạo diễn có tần suất ra phim hàng đầu của điện ảnh Việt hiện nay, cùng với Charlie Nguyễn. Nhưng trong khi đồ thị chất lượng phim của Charlie có chiều hướng đi xuống (trừ Bụi đời Chợ Lớn) thì ngược lại, Victor Vũ lại cho thấy sự ngày càng trưởng thành qua mỗi tác phẩm.

Ảnh minh họa

Victor Vũ ghi dấu ấn mạnh với Cô dâu đại chiến hấp dẫn và Thiên mệnh anh hùng công phu...


Còn nhớ khi Cô dâu đại chiến tham gia Cánh diều Vàng 2011, cái ấn tượng hài nhảm bao trùm của một phim hài giải trí khiến bộ phim mặc nhiên đứng ngoài lề cuộc đua trong những dự đoán (của báo giới, của khán giả), dù nhìn về nghề, tác phẩm cho thấy những yếu tố trội hơn khá nhiều phim tham gia, kể cả một số phim mang ấn tượng “nghiêm túc, chính thống”.

Sau một Thiên mệnh anh hùng hoành tráng và chuyên nghiệp hồi đầu năm ngoái, với Scandal; Victor Vũ tiếp tục chứng tỏ anh là đạo diễn chuyên nghiệp hàng đầu điện ảnh Việt. Phim của anh luôn đạt đến một sự chuyên nghiệp cao (trong mặt bằng phim Việt) trong tất cả mọi khâu của quá trình sản xuất: từ bối cảnh, phục trang, hóa trang, quay phim, dựng phim, âm thanh, âm nhạc… và diễn xuất của diễn viên.

Victor Vũ còn có một ưu điểm khá đáng kể khác, là phim của anh khá "sạch sẽ" và "văn minh". Ngay cả trong những tác phẩm thuần giải trí. Có một điều tin tưởng và kỳ vọng là phim của Vũ, dù mua vui khán giả cỡ nào cũng sẽ không có những chiêu trò câu khách rẻ tiền, thô tục… Đó có lẽ không phải một khước từ dạng nỗ lực, mà đơn giản là cái tạng đi gần với sự tự tôn.

Quay trở lại với Scandal – bộ phim gây dư luận nhiều nhất của điện ảnh Việt năm qua, trước khi có sự xuất hiện của Mùa hè lạnh.

Có lẽ hiếm có bộ phim nào nhận được nhiều những lời tán dương hào phóng như Scandal – từ những nhận xét thỏa mãn trên góc độ thưởng thức, lẫn những bình luận trầm trồ về nghề nghiệp, của nhiều đối tượng khán giả.

Scandal một mặt rất xứng đáng với điều đó, thậm chí còn xứng đáng hơn khi mà ngay nhiều lời khen hết nước chưa hẳn đã thấu hết cái hay của phim. Nhưng mặt khác, nó cũng hơi được đề cao hơn giá trị thực khi mà còn những điểm trừ đáng kể lại ít được phát hiện và mổ xẻ.

Ảnh minh họa

... nhưng Scandal mới là bộ phim sắc sảo và có chiều sâu nhất của anh

Là một bộ phim được cho là hấp dẫn, dễ thưởng thức (bởi số đông khán giả) nhưng thực ra Scandal không phải là một bộ phim DỄ XEM. Với đa số các tác phẩm trong nói chung của cả điện ảnh Việt năm qua, chỉ cần xem một lần là hiểu, là cảm tương đối trọn vẹn câu chuyện - bộ phim. Nhưng với Scandal, người viết phải đến lần xem thứ 2 (và với Mùa hè lạnh phải đến lần thứ 3) mới nắm bắt được hết các tình tiết trong phim, mới giải mã được và thấu đáo được nhiều.

Đó không chỉ bởi bộ phim thuộc thể tâm lý - ly kỳ, một thể loại đòi hỏi những yếu tố lắt léo, mà bởi bộ phim thực ra là một bài toán khó mà những người ra đề khá thách thức khán giả.

Ở lần xem đầu tiên, hơi dị ứng và đánh giá thấp đạo diễn với việc để nhân vật Trà My (Maya) nhiều lần thể hiện thái độ hằn học và những lời nói đầy ghen tỵ không giấu diếm với Ý Linh (Vân Trang). Tuy nhiên, đến lần xem thứ 2 mới thấy những thái độ, những câu thoại trong các tình huống ấy mang một màu sắc khác, ý nghĩa khác. Và đạo diễn không những không phải dạng non tay khi để nhân vật hơi bị lộ liễu thiếu tiết chế, mà trái lại rất cao tay khi còn đứng trên cả cái quan niệm lối mòn ấy.

Toàn bộ những trao đổi mà Trà My dội vào Ý Linh, những cái nhìn sắc cạnh, những câu nói đe dọa, với người ngoài (ví dụ nhân vật của Lan Phương, và rộng hơn là khán giả) mang ấn tượng người nói như khiêu chiến, ghê gớm còn người nghe như dĩ hòa vi quý… nhưng thực ra chỉ có 2 người bọn họ mới biết chính xác thông điệp của những trao đổi này.

Trà My nắm rõ những bí mật không sạch trong quá khứ của Ý Linh trước khi thành sao và có một cuộc sống gia đình viên mãn. Cũng Trà My hiểu rõ sự dối trá trong những bài báo tâm sự đời tư của Ý Linh, nhưng cô đã cho qua. Thế nên cái nhìn tưởng như ghen tỵ hóa ra là khinh thị, câu nói tưởng khiêu khích hóa ra là cảnh cáo.

Ảnh minh họa

Những câu thoại và sự tiếp xúc giữa Ý Linh và Trà My mang một tầng nghĩa khác ngoài những gì nhìn thấy


Cái chết của đại gia chồng Ý Linh ở đầu phim ban đầu tưởng là một sự ngẫu nhiên – tự dưng vỡ nợ rồi tự tử (thế thì nguồn cơn bi kịch của cô hóa ra đơn giản) nhưng xem lại mới thấy nó cũng quấn quýt trong cái bi kịch làm gái – chồng khinh + chồng bồ - tung hê báo chí - chồng áp lực vì bị đe dọa tung hê mọi chuyện.

Khi xem, tôi từng nghĩ nếu cũng là một câu chuyện tương tự nhưng thử đặt vào một bối cảnh khác, môi trường khác: Hai người phụ nữ xinh đẹp chẳng hạn trong ngành Ngân hàng, Kinh doanh, Hàng không, Du lịch…, cũng đều có khả năng, cùng tham vọng và cạnh tranh nhau, bên cạnh người sếp giỏi giang, kiêu ngạo, đào hoa, những đối tác đại gia đẹp trai, phong độ, đa tình… thì liệu có thể xảy ra được câu chuyện này không. Câu trả lời là không.

Phải là - chỉ là ở trong showbiz, với đặc thù công việc đóng phim - diễn xuất, phải có sự tương tác giữa những đối tượng nhân vật này với báo chí, công chúng… thì chuyện phim mới có thể diễn biến được như thế. Có nghĩa là, Scandal đã khai thác, sử dụng được tối đa những yếu tố của nhân vật – không chỉ là tính cách mà cả nghề nghiệp - để triển khai được toàn bộ diễn biến chuyện phim.

Có thể so sánh như thế này, trong Lấy chồng người ta, nếu nhân vật anh chồng của Huy Khánh chẳng làm chài lưới mà chạy chợ, trong Mỹ nhân kế, nếu nhân vật của Anh Khoa không chăn dê mà làm đầu bếp cũng chẳng sao, chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện phim.

Một điểm hay nữa phải ghi nhận trong kịch bản Scandal là sự tinh tế của những câu thoại. Không phải là cái tinh tế kiểu hàm ý, sâu xa, điệu đà, cũng không phải cái ấn tượng ghi điểm từ những câu thoại hài hước trông thấy kiểu ‘phim chúng ta là phim siêu thị”… Scandal (và cao hơn là Mùa hè lạnh) đã tạo nên bước phát triển trong viết thoại của phim Việt, khi mà nó không đơn thuần là thông tin nguyên gốc, mà bao gồm cả sự phản ánh đối tượng đưa ra thông tin.

Thế nhưng, bên cạnh một loạt ưu điểm này, Scandal lại có vài cục sạn to đùng, mà hơi lạ lùng là chúng hầu như không bị phát hiện và mổ xẻ.

Tiếp: Hạt sạn "to đùng" khó thấy trong Scandal


Batigol

Ý kiến bạn đọc