Chợ Lớn Sài Gòn vào phim của Charlie Nguyễn

09:43, 24/02/2013
|

(VnMedia) - Chợ Lớn từ lâu đã trở thành địa danh quen thuộc của Sài Gòn và đã không ít lần là bối cảnh trong các phim điện ảnh - truyền hình. Trong bộ phim mới nhất của đạo diễn Charlie Nguyễn - Bụi đời Chợ Lớn, khu vực này còn trở thành một nhân vật trên phim.

>> "Mùa hè lạnh" ra mắt sát ngày công chiếu 
>> Tâm sự của những kẻ giấu mặt sau 'Mỹ nhân kế'
>> Khi Charlie Nguyễn tung ra "Bụi đời Chợ Lớn"
>> Bụi đời Chợ Lớn tung ảnh hậu trường ấn tượng

Bụi đời Chợ Lớn là phim điện ảnh thứ 5 của đạo diễn Charlie Nguyễn thực hiện tại Việt Nam, sau một Dòng máu anh hùng ấn tượng và các phim hài, lãng mạn như Để Mai tính, đến Long ruồi Cưới ngay kẻo lỡ.

Phim có hơn 80% các cảnh quay được thực hiện tại khu vực Chợ Lớn, gồm phần lớn quận 5, quận 6, quận 10 và một phần của quận 11. Hơn 40 ngày thực hiện ghi hình, mỗi ngày các thành viên của đoàn làm phim phải tập trung tại đây từ lúc 17h30 chiều và làm việc cho đến tận gần 5-6h sáng.

Chợ Lớn biến thành phim trường tự nhiên

Đã từ lâu, Chợ Lớn trở thành biểu tượng quen thuộc của Sài Gòn, như một thành phố thu nhỏ trong thành phố lớn bận rộn và đậm sắc màu văn hóa. Nhưng với đạo diễn Charlie Nguyễn, Chợ Lớn còn hơn thế, nó trở thành một nhân vật điện ảnh, tỏa linh hồn vào trong phim.

Anh chia sẻ: “Nơi này không chỉ đóng vai trò là bối cảnh phim mà còn là một “nhân vật” đặc biệt, và rất quan trọng trong câu chuyện này. Nó có một ý nghĩa rất quan trọng với các nhân vật mà khi xem phim các khán giả nếu tinh ý sẽ nhận ra được”.


Ảnh minh họa

Các cảnh quay ở Chợ Lớn hầu hết đều diễn ra vào ban đêm


Đạo diễn Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, và ê-kíp thiết kế đã phải bỏ ra khá nhiều thời gian để nghiên cứu cách thức hoạt động của khu vực này, đặc biệt là trung tâm Chợ Lớn. Phát hiện thú vị là ban ngày, nơi đây rất sầm uất với các hoạt động buôn bán tấp nập, nhưng khi đêm về, từ khoảng 7h tối trở đi thì lại tĩnh lặng và im ắng đến không ngờ.

Một Chợ Lớn về đêm khác hoàn toàn ban sáng, như ủ trong lòng những bí mật khôn lường. Những con hẻm sâu thẳm, những ánh đèn vàng leo lét, cảnh phố xá đêm khuya tạo nhiều cảm xúc khó tả. Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: “Đây là một thuận lợi lớn của chúng tôi khi thực hiện bộ phim này. Đường vắng nên những cảnh quay tại đây luôn được diễn ra khá suôn sẻ, ít gặp trở ngại".

Để lột tả một Chợ Lớn vừa quen, vừa lạ, vừa tự nhiên sống động mà lại rất điện ảnh, đạo diễn Charlie Nguyễn đặc biệt mời Tal Lazar làm D.O.P, đảm nhận việc thiết kế ánh sáng trong phim. Anh là giảng viên tại Viện lưu trữ phim Hoa Kỳ, từng tham gia thực hiện nhiều phim ở thị trường quốc tế.

Những con đường ở đây luôn cần phải được tưới ướt liên tục để lên phim được đẹp hơn. Trần Trung Lĩnh - người đảm nhận phần thiết kế của phim cho biết: “Không chỉ là tưới nước cho đường đẹp mà trong phim có rất nhiều cảnh quay dưới mưa nên chỉ riêng việc đụng tới nước thôi là đã là một kỷ niệm rất đáng nhớ với anh em của tổ thiết kế”.

Phim hành động Việt đầu tiên dùng flycam 8 cánh

Khu vực xung quanh chợ Kim Biên, chợ Bình Tây được sử dụng nhiều nhất cho những cảnh hành động lớn trong phim. Với nhiều cảnh đánh đấm, có khi số lượng diễn viên lên đến gần 150 người với nhiều đạo cụ, do đó, chuyện một cảnh quay mà phải thực hiện đến cả tuần lễ đã trở thành khá quen thuộc với cả đoàn làm phim.

Khu chung cư cũ 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 cũng là một trong những bối cảnh chính của phim. Từng ngóc ngách cũ kỹ nơi này đều được sử dụng, từ chiếc cầu thang sắt rỉ sét cho đến phần sân thượng bỏ hoang đều hiện lên một cách sống động trong phim. Sau hơn 2 tuần “ăn dầm nằm dề” tại đây, những cảnh phim cuối cùng đã được hoàn thành với sự nỗ lực của toàn ê-kíp.

Ảnh minh họa

Đạo diễn Charlie Nguyễn (áo trắng) cùng các cộng sự bên chiếc flycam


Trong các cảnh hành động lớn, có một phân đoạn chiến đấu dưới mưa của hai nhóm Phong Bụi (Johnny Trí Nguyễn) và đàn em của Hùng Chợ Lớn (Long Điền). Đây cũng là phân đoạn thể hiện được sự bi tráng nhất của phim với sự kết hợp tuyệt vời giữa bối cảnh, ánh sáng và nội dung.

Xen kẽ với các cảnh quay giao chiến là những khung hình đẹp khắc họa sự cô độc của nhân vật trong Bụi đời Chợ Lớn. Một trong những cảnh quay ấn tượng này được thực hiện tại con đường Nguyễn An Khương vào khoảng 2h sáng. Đây là cảnh Lâm (Hà Hiền) một mình chạy tới nơi giao chiến của hai phe.

Trong phim có sử dụng chiếc máy quay flying cam 8 cánh (máy quay phim trên không) cho những cảnh có góc quay từ trên cao, đặc biệt là cảnh Lâm chở Hương (Huỳnh Bích Phương) chạy trốn và cảnh đua xe đến chỗ tập kết đánh nhau của băng Tài Nhớt (Hoàng Phúc).

Chiếc flycam quay cho Bụi đời Chợ Lớn có tên gọi chính xác là Octokopter (gồm 8 cánh, 8 chong chóng). Đây là thiết bị do AFS Group nhập về từ nước ngoài, khi sử dụng thì điều khiển bằng tay kết hợp với thiết bị GPS. Trước đây, vì lý do kinh tế nên ở Việt Nam thiết bị này chưa được sử dụng thường xuyên.

Trong Mùa len trâuÁo lụa Hà Đông cũng từng sử dụng thiết bị dạng này nhưng với sự điều động của ê-kíp nước ngoài. Đây là lần đầu tiên thiết bị này được một ê-kíp Việt Nam đem về và sử dụng cho phim hành động.

Bụi đời Chợ Lớn sẽ công chiếu trên toàn quốc từ ngày 18/4.


Lan Anh

Ý kiến bạn đọc