Bệnh lupus có thể "phá" nội tạng trong cơ thể

12:05, 09/04/2015
|

(VnMedia) ThS.BS. Lưu Phương Lan - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, l upus là một trong những bệnh rối loạn hệ thống miễn dịch được gọi là bệnh tự miễn. Trong các bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch chống lại các bộ phận của cơ thể mà bình thường nó được thiết kế để bảo vệ. 

ThS.BS. Lưu Phương Lan cũng cho biết, người mắc bệnh lupus có thể dẫn đến tình trạng viêm và tổn thương đến các mô khác nhau của cơ thể. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể như: các khớp, da, thận, tim, phổi, mạch máu và não... Bên cạnh đó người bệnh còn có thể có nhiều triệu chứng khác nhau thường gặp nhất là mệt mỏi cùng cực, đau khớp hoặc sưng (viêm khớp), sốt không rõ nguyên nhân, phát ban da và các vấn đề về thận.

Hiện nay, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh lupus. Tuy nhiên, lupus có thể được điều trị hiệu quả và người bệnh vẫn có thể có chất cuộc sống tốt hơn.

  Ảnh minh họa

  Bệnh lupus gây ảnh hưởng các cơ quan trong cơ thể. Ảnh minh họa.



Các dạng bệnh lupus 

- Lupus ban đỏ hệ thống (SLE): bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể. Thường gặp ở người trong độ tuổi từ 15 đến 45, có thể gặp ở trẻ em hoặc người già.
- Lupus ban đỏ dạng đĩa: là một tổn thương da mạn tính, da có màu đỏ, ban dát xuất hiện trên mặt, da đầu hoặc ở nơi khác. Các khu vực này có thể dày lên có vảy và có thể sẹo. Ban da có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều năm và có thể tái phát. Một tỷ lệ nhỏ những bệnh nhân lupus dạng đĩa có hoặc phát triển thành SLE về sau.
- Lupus ban đỏ da tổn thương da bán cấp: những tổn thương da xuất hiện do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các tổn thương không để lại sẹo.
- Lupus do thuốc: là một hình thức của bệnh gây ra bởi thuốc. Một số loại thuốc có thể gây ra bệnh lupus. Bao gồm một số thuốc chống động kinh, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị bệnh tuyến giáp, thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm và viên uống tránh thai . Các biểu hiện tương tự như các triệu chứng của bệnh (viêm khớp, phát ban, sốt, và đau ngực) và thường mất đi khi ngưng thuốc. Rất hiếm gặp tổ thương thận và não.
- Lupus trẻ sơ sinh: là một bệnh hiếm có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh của những phụ nữ có bệnh lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren, hoặc ở những phụ nữ không có bệnh gì cả.

Nguyên nhân gây bệnh lupus 

Theo ThS.BS. Lưu Phương Lan , bệnh Lupus là một căn bệnh phức tạp và nguyên nhân gây bệnh chưa được hiểu biết đầy đủ. Theo nghiên cứu của một số nhà khoa học, bệnh lupus có thể ảnh hưởng bởi ánh sáng mặt trời, căng thẳng, hóc môn, khói thuốc lá, một số loại thuốc và các tác nhân gây bệnh: như virus...

Biểu hiện của bệnh Lupus

Người bị lupus có các triệu chứng khác nhau có thể xếp từ nhẹ đến nặng và có thể đến tiến triển theo thời gian. Tuy nhiên, một số triệu chứng thường gặp nhất của bệnh như là đau khớp hoặc sưng (viêm khớp), sốt không rõ nguyên nhân và mệt mỏi cùng cực. Ban đỏ đặc trưng gọi là ban cánh bướm xuất hiện trên mũi và má. Ngoài ra có thể phát ban trên mặt, tai, cánh tay, vai, ngực, và bàn tay hoặc các khu vực khác tiếp xúc với ánh mặt trời. Nhiều người bệnh lupus rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, ban da sẽ trầm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh mặt trời.

Các triệu chứng khác có thể xảy ra ở thời điểm khác nhau 

- Đau hoặc sưng của khớp và cơ 
- Sốt không rõ nguyên nhân 
- Phát ban đỏ thường là ở trên mặt (ban cánh bướm) 
- Đau ngực khi hít thở sâu, rụng tóc bất thường 
-  Nhạt màu hoặc tím ở ngón tay, ngón chân (hội chứng Raynaud) 
-  Sưng (phù) ở chân hoặc xung quanh mắt 
-  Loét miệng, sưng hạch, rất mệt mỏi…

Các cơ quan có thể bị tổn thương do bệnh lupus gây ra  

- Thận: Viêm cầu thận: Thông thường không có cơn đau liên quan đến tổn thương của thận, dấu hiệu của bệnh thận là bất thường về xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Một số dấu hiệu báo trước như: nước tiểu đậm màu và phù quanh mắt, chân, mắt cá chân hoặc ngón tay. Vì thận rất quan trọng cho sức khỏe cơ thể nên lupus ảnh hưởng đến thận cần phải điều trị thuốc tích cực để ngăn chặn tổn thương vĩnh viễn.

- Tim: Có thể gặp viêm cơ tim và viêm nội tâm mạc gây đau ngực hoặc các triệu chứng khác.

- Các mạch máu: có thể gặp viêm mạch ảnh hưởng đến lưu thông máu trong cơ thể. Những bệnh nhân lupus tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. • Phổi: Một số người bệnh lupus bị viêm màng phổi, viêm tổ chức kẽ của phổi gây ra đau ngực.

- Hệ thống thần kinh trung ương: Một số bệnh nhân lupus ảnh hưởng đến não hoặc hệ thống thần kinh trung ương. Điều này có thể gây ra đau đầu, chóng mặt, trầm cảm, rối loạn trí nhớ, các vấn đề tầm nhìn, động kinh, đột quỵ, hoặc thay đổi hành vi.

- Tế bào máu: bệnh nhân lupus có thể thiếu máu, giảm bạch cầu hoặc giảm tiểu cầu. Những bệnh nhân lupus có kháng thể kháng phospholipid gia tăng nguy cơ bị cục máu đông. Chẩn đoán bệnh Lupus dựa vào đâu ? Chẩn đoán bệnh lupus có thể khó khăn, có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để các bác sĩ tập hợp các triệu chứng để chẩn đoán bệnh phức tạp này một cách chính xác.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc