Sán dây lợn lây truyền như thế nào?

09:15, 01/03/2015
|

(VnMedia) - Bệnh sán dây lợn do Taenis solium gây ra. Sán ký sinh ở ruột non, gây rối loạn tiêu hoá và có thể gây bệnh ấu trùng ở các bộ phận trong cơ thể.

Nang ấu trùng ở sán trong thịt lợn

Đường lây truyền bệnh

- Lây qua đường tiêu hoá: Ăn thịt lợn nấu chưa chín, nem chua
- Bệnh nhân thải trứng sán ra đất, trứng sán sống ở đất nhiều tháng
- Từ khi nhiễm nang ấu trùng sán đến khi sán trưởng thành khoảng 10 tuần

Triệu chứng lâm sàng

Tuỳ theo từng thể mà sán trưởng thành hay ấu trùng gây nên những triệu chứng khác nhau.

Sán trưởng thành

Bệnh sán dây trưởng thành chủ yếu gây triệu chứng đau bụng vùng rốn, rối loạn tiêu hóa nhẹ, dần dần thấy yếu mệt, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu suy dinh dưỡng do sán chiếm dụng thức ăn, có thể gây thiếu máu. Tuy nhiên, triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt do những đốt sán tự rụng ra ngoài ống tiêu hóa bất cứ lúc nào. Sán có thể gây tắc hoặc bán tắc ruột

Ấu trùng

Bệnh ấu trùng tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau:

- Thể bệnh ở dưới da, bắp cơ: Các cơ bị ấu trùng sán ký sinh như chi trên, cơ bụng, ngực, cơ chi dưới, cơ đầu mặt …Biểu hiện là có các nốt ở dưới da hoặc lẩn sâu trong cơ bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết. Bệnh nhân có đau cơ, mỏi cơ hoặc co giật cơ.

Thể bệnh ở các cơ quan:

Ở mắt: Kén sán có thể trong ổ mắt làm lồi nhãn cầu gây lác, nhìn đôi, đặc biệt làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể gây mù.

Ở não: Tuỳ theo từng giai đoạn phát triển của kén mà mức độ biểu hiện thần kinh khác nhau như nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ.

Ở tim: ấu trùng ký sinh ở cơ tim gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến van tim tiến tới suy tim.

Chu kỳ phát triển của sán dây lợn  




Ảnh minh họa

Sán dây lợn lây qua đường tiêu hóa. Trên đây là chu kỳ phát triển của sán dây lợn

Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non. Ấu trùng sán ký sinh ở các cơ và nội tạng như não, tim, mắt. Các cơ thường có nhiều ấu trùng ký sinh hơn là lưỡi, cơ hoành, cơ denta.

Trứng sán theo đốt già rụng ra khỏi cơ thể sán rồi ra ngoài theo phân. Trứng sán dây không cần đòi hỏi thời gian phát triển ở ngoại cảnh. Khi người hoặc lợn ăn phải trứng, trứng sẽ vào ruột nở thành ấu trùng. Ấu trùng sán sẽ theo hệ bạch mạch hoặc xuyên qua các lớp tổ chức để tìm đến ký sinh ở cơ, cơ quan nội tạng phát triển thành nang ấu trùng sán (Cysticercus cellulosae).

Lợn mắc ấu trùng sán được gọi là "lợn gạo". Sau thời gian phát triển 2,5-4 tháng, ấu trùng có khả năng lây nhiễm. Nếu người ăn phải kén sán chưa chết vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, ấu trùng thoát khỏi vỏ kén để phát triển thành sán trưởng thành. Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 5-7 tháng. Tuổi thọ của sán dây lợn 20-30 năm, có thể rất lâu tới 70 năm.

Biện pháp phòng chống bệnh sán dây lợn

- Quản lý phân của người bệnh. Người bệnh không đại tiện vào chuồng lợn
- Không ăn thịt lợn tái, nem chua, thịt nấu chưa kỹ, thịt lợn gạo (thịt có nang ấu trùng sán)
-Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: tuyên truyền cho người dân về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán dây và bệnh ấu trùng sán lợn để chủ động phòng chống bệnh.
- Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường.
- Không nuôi lợn thả rông.
- Phát hiện và điều trị triệt để cho bệnh nhân.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc