Các loại bệnh về tuyến giáp

07:26, 28/02/2015
|

(VnMedia) -   Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở phía trước cổ. Chức năng của nó là kiểm soát chuyển hóa của cơ thể (đảm bảo cho các chức năng sống cơ bản) bằng cách sản suất ra các hóc môn (T3 và T4).

Tuyến giáp bình thường sẽ duy trì một lượng hóc môn cần thiết để giữ cho chuyển hóa của cơ thể cân bằng. Lượng hóc môn tuyến giáp trong máu được kiểm soát và điều chỉnh bới tuyến yên. Tuyến yên nằm ở trung tâm của não bộ, nó điều chỉnh hoạt động của tuyến giáp bằng cách gửi các tín hiệu về sự thiếu hoặc thừa hóc môn giáp thông qua một hóc môn gọi là TSH.

Các loại bệnh của tuyến giáp

Khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hóc môn, cơ thể tăng tiêu thụ năng lượng. Tình trạng này gọi là cường chức năng tuyến giáp (nhiễm độc giáp). Ngược lại, tình trạng khi tuyến giáp không sản xuất đủ hóc môn gọi là nhược giáp.

Bệnh tuyến giáp có thể là tình trạng rối loạn về cấu trúc hoặc chức năng của tuyến hoặc kết hợp cả hai. Hầu hết các bệnh lý của tuyến giáp đều làm tuyến giáp to ra - gọi là bướu giáp. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp (mang thai, cho con bú) có tuyến giáp to nhưng không phải là bệnh, mà gọi là tuyến giáp to sinh lý.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Các bệnh tuyến giáp được phân loại như sau:

- Bướu giáp không có rối loạn chức năng được gọi là bệnh bướu giáp đơn thuần. Trong đó, có bướu giáp nhân (khi có một nhân), bướu giáp đa nhân (nhiều nhân) và bướu giáp lan tỏa (khi không có nhân).
- Bệnh viêm tuyến giáp, hay gặp là bệnh viêm tuyến giáp mạn tính tự miễn (bệnh Hashimoto), bệnh viêm tuyến giáp bán cấp De Quervain, viêm tuyến giáp Riedel, viêm tuyến giáp cấp tính. Có một số ít trường hợp viêm tuyến giáp đi kèm với rối loạn chức năng giáp.
- Bệnh bướu giáp có cường chức năng, hay gặp nhất là bệnh Basedow với triệu chứng điển hình là bướu giáp lan tỏa, mạch nhanh, mắt lồi và run tay. Một số bệnh bướu giáp có cường chức năng khác là: bướu nhân nhiễm độc (bệnh Plummer), bệnh bướu đa nhân nhiễm độc, nhiễm độc giáp do thuốc.
- Các bệnh bướu giáp có nhược chức năng, hay gặp là nhược năng giáp bẩm sinh (bướu cổ đần độn), một số trường hợp viêm tuyến giáp.

Nguyên nhân của bệnh tuyến giáp

- Tình trạng thiếu hụt i ốt: do thức ăn, nguồn nước, do giảm hấp thu (bệnh lý tiêu hóa), rối loạn men chuyển hóa i ốt.
- Chấn thương tinh thần: căng thẳng quá mức (stress), mang thai, sau sinh.
- Rối loạn đáp ứng tự miễn dịch, nội tiết.
- Yếu tố gia đình, bẩm sinh, cơ địa (yếu tố di truyền).
- Lứa tuổi, giới tính (nữ mắc nhiều hơn nam).
- Tình trạng cung cấp thừa i ốt: trong thức ăn, hoặc các thuốc điều trị.

Triệu chứng của bệnh tuyến giáp

Gồm có các triệu chứng của cường giáp hoặc nhược giáp kết hợp với triệu chứng tại chỗ của bưới giáp.

Cường giáp

- Cảm giác nóng bức, nhiều mồ hôi.
-  Ăn nhiều, uống nhiều, gày sút cân.
- Thay đổi tính tình, căng thẳng, nóng nảy.
-  Run chân tay, hồi hộp trống ngực.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Mắt lồi, cảm giác cộm ngứa hoặc giảm thị lực.

Suy giáp

- Mệt mỏi, chậm chạp.
- Giảm trí nhớ, ngủ kém.
- Chán ăn, tăng cân.
- Da và tóc khô, phù chân, cảm giác lạnh chân tay.
- Rối loạn kinh nguyệt.

Các triệu chứng tại bướu:

-  Bướu giáp to có thể chèn ép gây khó thở, nói khàn, khó nuốt.
- Đau tại bướu trong một số bệnh viêm tuyến giáp.

Điều trị

Bệnh tuyến giáp là bệnh tiến triển chậm và có thể chữa khỏi (kể cả ung thư tuyến giáp). Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị và theo dõi cẩn thận người bị bệnh tuyến giáp có thể sống cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Do vậy, bạn không nên lo lắng khi bản thân bị một trong các bệnh của tuyến giáp. Điều tốt nhất nên làm đó là đến khám bác sĩ chuyên khoa để có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Mục tiêu của điều trị là khôi phục lại lượng hóc môn giáp bình thường trong máu, xử trí những tổn thương tại tuyến.

- Đối với bệnh suy giáp:  Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các loại thuốc là nội tiết tố tổng hợp thay thế các hóc môn giáp. Loại thuốc này phải uống hàng ngày theo đơn của bác sĩ và xét nghiệm kiểm tra định kỳ.

- Đối với bệnh cường giáp: Hiện nay có 3 phương pháp điều trị, đó là: dùng thuốc kháng giáp để ngăn chặn sản xuất hóc môn; điều trị bằng i ốt phóng xạ để vô hiệu hóa tuyến giáp và phẫu thuật để cắt bỏ một phần tuyến giáp. Phẫu thuật là phương pháp điều trị có nhiều ưu điểm đó là triệt để, an toàn và không phải uống hóc môn thay thế.

- Đối với bệnh bướu giáp nhân, bướu giáp đa nhân hoặc các u tuyến giáp lành tính thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Hiện nay, một số trường hợp bệnh bướu giáp đơn thuần có thể điều trị bằng phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi có ưu điểm đó là đảm bảo tính thẩm mỹ vì các sẹo mổ nằm kín ở nách và ngực.

- Ung thư tuyến giáp là loại phát triển chậm, kết quả điều trị thường rất tốt. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Sau phẫu thuật sẽ được điều trị bổ trợ bằng hóa chất và xạ. Bên cạnh đó bệnh nhân nhân cũng được dùng các thuốc hóc môn thay thế.

Chăm sóc sau mổ bướu giáp

Mổ bướu giáp có thể được thực hiện dưới gây tê hoặc gây mê. Sau mổ bệnh nhân cần phải nằm bất động để tránh chảy máu và phù nề. Một số trường hợp có thể cần phải thở o xy hỗ trợ. Bệnh nhân phải nhịn ăn uống khoảng 24 giờ sau mổ và sau đó được uống sữa, ăn cháo. Từ ngày thứ 3, thứ 4 sau mổ bệnh nhân có thể ăn uống bình thường.

Vết mổ sẽ được thay băng hàng ngày (2-3 ngày đầu) và cắt chỉ sau mổ 7 ngày.

Sau mổ 3-5 ngày, đa số bệnh nhân được ra viện và trở lại học tập, lao động bình thường sau từ 1-2 tuần.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc