Những thành tựu y học “Made in Việt Nam”

14:12, 27/02/2015
|

(VnMedia) Nhân Kỉ niệm 60 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, VnMedia xin điểm lại những thành tựu y học mang dấu ấn cho sự phát triển vượt bậc của nền y học Việt Nam.

Mổ nội soi bằng robot


Ảnh minh họa




Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi bằng robot. Đây được xem là bước đột phá của nền y khoa Việt Nam, giúp nhiều trẻ được thụ hưởng những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Theo PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đến thời điểm này, bệnh viện đã tiến hành mổ cho 54 bệnh nhân, chưa có trường hợp nào biến chứng. Đặc biệt, việc triển khai phẫu thuật nội soi có sử dụng người máy là điều kiện để các nhà phẫu thuật nhi có thể thực hiện được các kỹ thuật ngang tầm quốc tế, đồng thời phát triển được các kỹ thuật mới, kỹ thuật khó giải quyết các bệnh lý phức tạp.

TS Phạm Duy Hiền - Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, so với các phương pháp khác, mổ nội soi bằng robot có nhiều ưu việt, vừa an toàn, độ chính xác cao nhờ vào các cổ tay của robot trong lồng ngực hay ổ bụng có thể xoay được 540 độ - vượt xa tầm quay của tay người. Cũng theo TS Hiền, phẫu thuật robot cho các vết mổ nhỏ, bệnh nhân thường ít đau sau mổ, hồi phục nhanh. Với bệnh nhân vừa phẫu thuật chỉ cần nằm viện 3-4 ngày là có thể ra viện. 

Theo PGS.TS Lê Thanh Hải, kỹ thuật nội soi bằng robot được đánh giá là tương lai của ngoại khoa thế giới. Sự ra đời của Trung tâm phẫu thuật nội soi nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Trung ương giúp trẻ em Việt Nam được thụ hưởng thành tựu kỹ thuật cao trên thế giới trong khám chữa bệnh.

Ghép thận, gan, tim...

Ảnh minh họa


Ghép tạng (hình thức phẫu thuật trong y tế cho phép thay thế một cơ quan hoặc một bộ phận của cơ thể bằng một tạng khác khỏe mạnh) ở Việt Nam đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng ở Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc, ngang bằng. Việt Nam đã tiếp cận và nắm được toàn bộ kỹ thuật cơ bản ghép tạng phổ thông của thế giới, đặc biệt là ghép thận, gan, tim...Nhờ đó, phẫu thuật ghép tạng ở Việt Nam trở thành một trong những thành tựu nổi bật ghi dấu ấn cho của nền y học Việt Nam.
 
Tại Việt Nam, sau 20 năm kể từ ngày tiến hành ca ghép tạng đầu tiên đến nay, chuyên ngành ghép tạng đã phát triển vượt bậc và lan tỏa tới 12 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước. Bệnh viện 103 - Học viện Quân y, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế là những đơn vị đi đầu thực hiện thành công lấy ghép đa tạng từ người cho chết não. Vào tháng 6/1992, các y, bác sĩ Bệnh viện 103 đã tiến hành ghép thận thành công đầu tiên ở Việt Nam và sau này là ghép gan (1/2004) và ghép tim (6/2010), Học viện Quân Y đã khởi đầu cho một chuyên ngành mới ở Việt Nam, đó là chuyên ngành ghép tạng.

Sự thành công của việc ghép tạng mở ra triển vọng điều trị cho những người bệnh có các tạng bị suy giai đoạn cuối và góp phần thúc đẩy phát triển nhiều chuyên ngành y học khác. Những thành công trong ghép tạng là thành tích nổi bật của hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam. Phẫu thuật ghép tạng đã trở thành thường quy tại một số trung tâm ngoại khoa đầu ngành của Việt Nam với đầy đủ trang thiết bị hiện đại mà giá thành chỉ bằng 1/3 chi phí trên thế giới.

Cho đến nay, ở Việt Nam có 12 bệnh viện tiến hành ghép thận, 4 bệnh viện thực hiện ghép gan, 3 bệnh viện thực hiện cấy ghép gan thành công. Các ca tiến hành ghép tạng thành công đã đem lại hy vọng sống rất lớn cho người bệnh, nhất là người bệnh trọng.

Mổ nội soi tuyến giáp

Ảnh minh họa

Là người sáng tạo ra kĩ thuật mổ nội soi tuyến giáp, PGS.TS Trần Ngọc Lương được mệnh danh là một trong những bàn tay vàng trong ngành Y tế Việt Nam. Trong khi các bác sĩ trẻ ở Việt Nam luôn mong muốn xuất ngoại để nâng cao tay nghề thì giáo sư-bác sĩ ở các nước như Úc, Singapore, Malaysia… lại khăn gói sang Việt Nam để mong học được kỹ thuật mổ tuyến giáp mang tên Dr.Lương.

Ưu điểm của mổ nội soi là không để lại sẹo trên cổ. Mặt khác, khi mổ nội soi, đường rạch da nhỏ, chỉ khoảng 0,5-1cm (lồng từ nách và lồng ngực lên cổ) nên bệnh nhân không cảm thấy khó chịu khi nuốt, thở, thời gian phục hồi ngắn hơn nhiều so với mổ mở cổ điển…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Lương cho biết, kỹ thuật nội soi tuyến giáp được ông tiến hành từ năm 2003. Đây là kỹ thuật khó và thời điểm đó rất ít chuyên gia trên thế giới thực hiện. Bác sỹ Lương còn áp dụng những kiến thức mổ nội soi ổ bụng (chuyên ngành chính mà ông được học tại Pháp) vào mổ nội soi tuyến giáp nên những dụng cụ phẫu thuật trở nên đơn giản và đỡ tốn kém hơn, giúp bệnh viện tuyến huyện cũng có thể thực hiện được.

Phương pháp mổ nội soi tuyến giáp của bác sỹ Lương được các chuyên gia trên thế giới đánh giá là hoàn hảo nhất hiện nay.

Ghép tế bào gốc đồng loại

Trong năm 2014 tại Khoa Huyết học truyền máu - Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên thành công. Người được ghép là Chị Trần Thị Thu Phương (39 tuổi, ở thị trấn Can Lộc, Hà Tĩnh) bị lơ xê mi cấp, một căn bệnh ung thư hệ tạo máu. Sau 1 tháng cấy ghép, tế bào máu mới đã phát triển trong cơ thể bệnh nhân, thay thế tế bào máu ác tính cũ.

Để thực hiện được phương pháp này bệnh nhân cần được diệt tủy rồi lấy tế bào gốc tạo máu của người khác ghép cho bệnh nhân. Người cho và người nhận tế bào gốc cần hòa hợp nhau về mặt miễn dịch. Vì vậy, ở Việt Nam thường chọn người cho có quan hệ huyết thống gần như anh, chị em ruột. Với phương pháp này, nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc gan thận của bệnh nhân rất cao, đồng thời dễ xảy ra phản ứng miễn dịch giữa tế bào gốc mới với người. Bệnh nhân phải cách ly hoàn toàn trong buồng bệnh hơn 1 tháng.

Không khí  đưa vào phải được lọc, buồng bệnh và buồng đệm tạo nên 3 tầng áp lực để đảm bảo không khí chỉ đi theo một chiều. Chăm sóc dinh dưỡng cũng rất được chú trọng, phải đảm bảo đủ năng lượng, và tiệt trùng bằng tia cực tím, làm nóng bằng lò vi sóng”. Tỉ lệ kéo dài cuộc sống cho bệnh nhan có thể trên 5 năm.

Ngoài lơ xê mi cấp, ghép tế bào gốc đồng loại là phương pháp điều trị được chỉ định cho bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn sinh tủy, suy tủy, lơ xê mi kinh, thalassemia…Hiện nay, chi phí để thực hiện cấy ghép tế bào gốc tại Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với nước ngoài. 

Thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại Bệnh viện Bạch Mai

Bé trai Nguyễn Chí Thành ra đời hôm 16/12, con của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hạnh (45 tuổi) và chị Đặng Thị Nhan (44 tuổi) ở Hải Phòng, là em bé đầu tiên ra đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm tại đơn vị hỗ trợ sinh sản, khoa sản Bệnh viện Bạch Mai. Theo chị Nhan, chị đã điều trị vô sinh từ 18 năm nay và đã hai lần đi thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành công. Rất may mắn lần này bé Thành trở thành trường hợp thành công đầu tiên tại khoa sản Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế thứ 20 ở Việt Nam có đơn vị hỗ trợ sinh sản. Trong 10 tháng kể từ khi triển khai kỹ thuật đến nay, đã có trên 20 cặp vợ chồng hiếm muộn đậu thai nhờ hỗ trợ của các bác sĩ tại đây. Trong đó, có một gia đình mà người vợ đã 45 tuổi và đã làm thụ tinh trong ống nghiệm sáu lần, một phụ nữ người nước ngoài đã đi thụ tinh trong ống nghiệm ở cả châu Âu và châu Á nhưng chưa thành công...Tỉ lệ vô sinh ở VN vào khoảng 7,7%, tỉ lệ thành công nhờ hỗ trợ sinh sản tại các cơ sở y tế đầu ngành khoảng 35-50%.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc