Cóc, ốc biển, ve sầu, rượu ngâm làm nhiều người chết

07:17, 19/12/2014
|

(VnMedia) - Đó là thông tin được ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra trong buổi gặp mặt báo chí ngày 18/12.

Tử vong do ngộ độc thực phẩm gia tăng

Trao đổi với báo chí ngày 18/12, ông Phong cho hay, nguyên nhân các trường hợp tử vong hầu hết do độc tố tự nhiên có sẵn trong cóc, ốc biển lạ, rượu ngâm cây, rễ rừng, ve sầu nhiễm nấm, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô mốc…

Theo báo cáo tổng kết của Cục An toàn Thực phẩm, trong năm 2014 (tính đến ngày 15/12), toàn quốc ghi nhận 189 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.100 người mắc, 4.100 người đi viện và 43 trường hợp tử vong.

 So với cùng kỳ năm 2013, số vụ ngộ độc thực phẩm tăng 22 vụ, tuy nhiên số người mắc giảm 402 người, số người đi viện giảm 901 người và số người tử vong tăng 15 người (54%).

Được biết, năm 2014, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đã tiến hành thanh tra hơn 514.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong đó có hơn 112.000 cơ sở vi phạm (tỷ lệ gần 21%) với tổng số tiền phạt hơn 17 tỷ đồng. Một số nội dung vi phạm cần chú ý như vệ sinh dụng cụ trang thiết bị phục vụ sản xuất chế biến không đạt yêu cầu, vi phạm điều kiện vệ sinh cơ sở…

Bên cạnh đó, Cục An toàn Thực phẩm cũng đã tiến hành xử phạt, xử lý 113 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu các cơ sở vi phạm về quảng cáo (83 cơ sở). Nguyên nhân là do cả 3 bên: cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cơ quan phát hành quảng cáo.  "Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm, trong đó có cả cán bộ kiểm tra chưa hết. Vi phạm quảng cáo rất lớn nhưng số lượng các tờ báo tăng lên nhiều và thêm các trang tin điện tử, website không quản lý hết được. Nhiều trường hợp khi phát hiện vi phạm gọi lên xử lý thì họ bảo họ không chịu trách nhiệm về website này," ông Phong cho hay.

Thanh tra hơn 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm, đoàn liên ngành cho biết tỷ lệ vi phạm là gần 22%, phổ biến nhất là vi phạm điều kiện vệ sinh, dụng cụ, trang thiết bị sản xuất.

Hơn 14.000 mẫu thực phẩm được lấy xét nghiệm, kết quả có 13% số mẫu không đảm bảo chất lượng. Trong đó, có những mẫu sai phạm nghiêm trọng như: thực phẩm chức năng chứa tân dược, thực phẩm nhiễm ecoli, coliform, nấm mốc… gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Nguyên nhân và triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Có 3 loại nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn:
- Ngộ độc histamin, do thức ăn có chứa độc chất như cá ngừ, cá nóc, cóc hoặc do thức ăn gây dị ứng như dứa, lạc...;
- Ngộ độc do nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn: do thức ăn nhiễm các loại vi khuẩn như Clotridium Botilium, Samonella, Shigella, tụ cầu, phẩy khuẩn tả;
- Ngộ độc do thức ăn nhiễm nấm.
 
Tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc mà có các triệu chứng khác nhau. Thông thường, các triệu chứng ngộ độc thức ăn là: buồn nôn và nôn mửa; ỉa chảy, ỉa nhiều lần và phân lỏng; nổi mẩn ngứa, mề đay khắp người; nếu ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị truỵ tim mạch, khó thở dạng hen phế quản. Xét nghiệm mẫu thức ăn lưu nghiệm, cấy phân có thể xác định được tác nhân gây bệnh.

Ảnh minh họa

Tử vong do ngộ độc thực phẩm gia tăng. Ảnh minh họa..

Ai là người chịu trách nhiệm?

An toàn vệ sinh thực phẩm(ATTP)  là một trong những nội dung nhận được quan tâm nhất của xã hội, bởi thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người và luôn chứa đựng những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Vấn đề ở đây là chỉ khi ngộ độc xảy ra dư luận mới dấy lên tại sao lại để xảy ra ngộ độc, là trách nhiệm của ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm...Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm?.

Theo Quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 38/2012/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan thì cả cơ quan quản lý, chính quyền, nhà sản xuất, người tiêu dùng đều phải chịu trách nhiệm.

Về công tác quản lý nhà nước:  Theo quy định của luật An toàn thực phẩm, cơ quan chịa trách nhiệm chủ yếu trong công tác quản lý ATTP là: Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp & PTNT. Trong đó: Bộ Y tế là cơ quan thường trực công tác đảm bảo ATTP đồng thời chịu trách nhiệm quản lý đối với:phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng. Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý: đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột.Bộ Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm quản lý: đối với ngũ cốc; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; cacao; hạt tiêu; điều và các nông sản thực phẩm khác.

Bên cạnh phân công quản lý theo ngành hàng thì Luật An toàn thực phẩm cũng quy định các Bộ phải đảm bảo công tác quản lý của mình  trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh.

Ngoài ra Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.

 Trách nhiệm của nhà sản xuất : Trong sản xuất kinh doanh, lợi nhuận được nhà sản xuất đặt ra trên hết nhưng đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm, ngoài mục tiêu lợi nhuận nhà sản xuất còn phải đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, ATTP. 

 Trách nhiệm của người tiêu dùng : Cơ quan quản lý, nhà sản xuất kinh doanh phải sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đảm bảo chất lượng, ATTP cho người tiêu dùng. Ngược lại người tiêu dùng thực phẩm ngoài việc tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mà còn phải kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm với Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý còn rất cần đến sự tuân thủ pháp luật,  trung thực, hợp tác chặt chẽ của các cơ sở sản xuất và sự ủng hộ của người tiêu dùng.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc