Bệnh dại lây truyền như thế nào?

09:04, 24/10/2014
|

(VnMedia) Trước tình hình bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã cung cấp những thông tin giúp người dân hiểu rõ, biết cách phòng tránh cách xử lý khi bị động vật cắn.

Bệnh dại là bệnh gây ra bởi một loại vi rút, bệnh lây truyền từ các loại động vật sang người. Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.

Cách lây truyền của bệnh dại

Vi rút dại xâm nhập vào hệ thần kinh của động vật có vú. Virút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người. Bệnh dại cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, hoặc lớp niêm mạc miệng, mũi của người. Trâu và bò không cắn khi chúng bị nhiễm bệnh dại, nhưng cũng cần phải đề phòng khi thăm khám trâu bò bị ốm và có triệu chứng tăng tiết nước bọt ở miệng.

Đôi khi, những người chủ chăn nuôi nhầm lẫn bệnh dại với bệnh lở mồm long móng, nhiễm trùng máu có xung huyết hoặc khó thở và họ có thể bị nhiễm vi rút dại khi chủ quan và chăm sóc, cho vật nuôi uống thuốc bằng tay.

Chưa có báo cáo dựa trên bằng chứng nào về bệnh dại trên người xảy ra do sử dụng sữa. Những người giết mổ chuyên nghiệp có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi giết động vật bị dại và xử lý phần não hoặc các bộ phận bị nhiễm vi rút khác, tuy nhiên không có trường hợp nào lây bệnh trên người do ăn thịt đã nấu chín.

Việc lây truyền bệnh dại từ người sang người thông qua việc cấy ghép giác mạc hoặc các nội tạng khác là tương đối hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Việc lây truyền này đã xảy ra ở những người nhận giác mạc cấy ghép và gần đây xảy ra đối với một số trường hợp người nhận cấy ghép các nội tạng đặc và mô mạch. Do vậy, giác mạc hoặc các bộ phận cơ thể con người không được lây từ bệnh nhân chết do viêm não hoăc bất kỳ bệnh thần kinh nào khác mà chưa được chẩn đoán rõ ràng.

Mặc dù bệnh nhân mắc bệnh dại rất hiếm khi cắn người khác, tuy nhiên những người chăm sóc bênh nhân cũng nên thận trọng và cảnh giác khi chăm sóc bệnh nhân bị dại, đặc biệt tránh tiếp xúc với nước bọt của bệnh nhân bị dại.

 Ảnh minh họa



Cách xử lý vết cắn khi bị động vật cắn

N
ếu một người bị động vật cắn thì cần thực hiện như sau:

- Vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod, nếu có.
- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
-
Những điều không nên làm đối với vết cắn của động vật

Cần tránh:
- Sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm.
- Băng bó, đắp thuốc kín vết thương.
- Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào?
- Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi-rút dại phát triển từ lớp trong cùng của mô dưới da (gọi là mô dưới da), hoặc từ cơ bắp tiến vào các dây thần kinh ngoại biên (tức là các dây thần kinh trong cơ thể con người nằm ngoài não hoặc tủy sống). vi rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính khoảng 12-24 mm mỗi ngày. Người bị nhiễm bệnh có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi vi rút bắt đầu xâm nhập vào não bộ. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài tháng, và có thể dài tới 1 năm.

Thời gian ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ một vài ngày đến vài tháng, trong khi thời gian phát bệnh - cho đến khi chết – dao động từ 1 đến 7 ngày.

Dấu hiệu và triệu chứng của người bị bệnh dại

Người mắc bệnh dại có các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

- Đau hoặc ngứa ở vết cắn (trên 80% các trường hợp)

- Sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2-4 ngày.

- Sợ nước (chứng sợ nước)

- Không chịu được tiếng ồn, ánh sáng hoặc không khí

- Sợ hãi khi thấy cái chết sắp xảy ra

- Tức giận, bứt rứt và trầm cảm

- Tăng động

Ở giai đoạn sau, chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng.
Thời gian bị bệnh thường là 2-3 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 5-6 ngày hoặc dài hơn khi được chăm sóc tích cực.

Bệnh dại luôn gây tử vong?

- Bệnh dại do virus dại cổ điển gần như gây tử vong 100% trên người, hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Khi nào phải tiêm vắc xin chống bệnh dại sau khi bị cắn?

Tiêm vắc-xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (PEP) là bắt buộc nếu bạn bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. Cần áp dụng PEP trong các điều kiện sau đây: 

- Nếu vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu.

- Nếu màng nhầy ở vùng da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại.

- Nếu con vật đã cắn người bị chết, biến mất trong thời gian theo dõi, có biểu hiện hành vi không bình thường, thất thường.

- Nếu kết quả xét nghiệm chất liệu não của động vật nghi dại hoặc bị dại cho kết quả dương tính.

 Liệu tiêm vắc-xin phòng dại có thể gây bệnh dại không?

Không. Tất cả các loại vắc-xin dại cho người đều đã được bất hoạt. Vắc-xin phòng dại trên người phải trải qua một loạt các kiểm định về chất lượng như hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng. Việc tiêm phòng bệnh dại không thể gây bệnh dại.

Làm gì để phòng chống bệnh dại ?

- Cần có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y.

- Giữ giấy chứng nhận tiêm phòng chó và xuất trình trong thời gian tiêm phòng hàng năm.

- Không bán hoặc tiêu thụ sữa hoặc thịt từ bò hoặc trâu bị dại hoặc nghi ngờ dại.

- Lịch tiêm phòng bệnh dại cho chó nuôi như thế nào?

Chó con thường có nguồn gốc các nhà nhân giống chó đáng tin cậy với chó cái đã được tiêm vắc xin phòng dại. Những con chó con này nhận kháng thể chống bệnh dại từ mẹ trong vòng 3 tháng đầu. Do đó, khuyến cáo nên tiêm phòng cho chó vào các thời điểm 3 tháng tuổi, 9 tháng tuổi sau đó nhắc lại hàng năm. Phải thường xuyên tẩy giun sán cho chó con và chó trưởng thành trước khi tiêm phòng.

Nếu mang chó con bị bỏ rơi về nhà nuôi, quy trình tiêm phòng cũng giống như ở trên (tại thời điểm 3 tháng tuổi, 9 tháng và nhắc lại hàng năm). Cách khác, lần tiêm phòng đầu tiên có thể tiến hành sớm hơn, vào thời điểm 2 tháng tuổi. Cần áp dụng các biện pháp dự phòng trong 3 tháng tuổi đầu.

Nếu mang chó trưởng thành bị bỏ rơi về nhà nuôi, lần tiêm chủng đầu tiên phải được tiến hành càng sớm càng tốt với sự tư vấn của bác sĩ thú y địa phương.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc