Vắcxin tiêm phòng sởi chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế

07:04, 19/01/2013
|

(VnMedia)  - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/1 công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ trẻ em tử vong do nhiễm bệnh sởi trên toàn cầu đã giảm gần 75% tính từ năm 2000, tuy nhiên tình trạng thiếu vắcxin đang đe dọa phá hoại thành quả này.

WHO cho biết số ca tử vong do sởi đã giảm từ 542.000 trường hợp trong năm 2000 xuống còn 158.000 vào cuối năm 2011. Trong khoảng thời gian đó, các ca nhiễm mới cũng giảm tới 58%, xuống còn 355.000.

Nhìn chung, tỷ lệ tử vong do sởi giảm đáng kể chủ yếu là do việc tăng cường cung cấp vắcxin phòng sởi cho trẻ em ở phạm vi rộng. Từ năm 2000, hơn 1 tỷ trẻ em trên toàn cầu đã được tiêm phòng. Tất cả trẻ em nếu được tiêm 2 liều vắcxin phòng sởi sẽ tránh được nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Tuy nhiên, WHO cũng cho biết mặc dù các chương trình tiêm chủng phòng sởi cho trẻ em đã được nhân rộng, nhưng lượng vắcxin chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Trong năm 2011, có tới 20 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được tiêm liều phòng sởi thứ nhất. Hơn một nửa trong số đó sống tại 5 nước Ấn Độ (6,7 triệu em), Nigeria (1,7 triệu trẻ em), Ethiopia (1 triệu trẻ em), Pakistan (900.000 trẻ em) và Cộng hòa Dân chủ Congo (800.000 trẻ em).

Năm 2012, WHO đã đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 95% số ca tử vong do sởi trên toàn cầu, và đến năm 2020 phải loại bỏ bệnh sởi và Rubella tại ít nhất 5 trong tổng số 6 khu vực trên thế giới.

* Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Virus này có tính lây truyền cao nên dễ gây thành dịch. Khi trên 94% quần thể trong cộng đồng có tính miễn dịch thì mới có thể cắt được sự lây truyền của sởi..Do đó, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao nếu trẻ không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không hiệu quả (cần tiêm đủ 2 mũi). Sởi sẽ rất nguy hiểm nếu có biến chứng, đặc biệt là viêm não sau sởi.

Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40 độ C, sốt liên tục. Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy. Có những chấm nhỏ khoảng 1 mm nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12-18 giờ.

Sau khi sốt 3-4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da. Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3-4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc