Trên 30% số người mù lòa không biết có thể chữa trị được

06:37, 18/01/2013
|

(VnMedia) - Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ mù lòa ở Việt Nam hiện còn khá cao. Theo điều tra, có tới trên 30% số người mù loà không biết bệnh có thể chữa trị được và chữa ở đâu.


Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, tỷ lệ mù lòa ngày càng gia tăng, xuất hiện nhiều bệnh lý về mắt phức tạp, đặc biệt tỷ lệ mắc mới và tồn đọng hàng trăm nghìn ca mỗi năm chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về nhân lực của ngành mắt, nhất là ở tuyến huyện, vùng cao... cũng đang là một trong những khó khăn trong công tác phòng, chống mù lòa ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ mù lòa ở Việt Nam hiện còn khá cao, chiếm 0,6% dân số. Số liệu điều tra gần đây nhất cho thấy, hiện có khoảng 400.000 người mù cả hai mắt, nếu tính mù một mắt, cả nước có tới 2 triệu người, chưa kể hàng năm số người mù mắc mới hàng trăm nghìn người và tỷ lệ mù tồn đọng mỗi năm lên tới 150.000 người.

Nguyên nhân chính gây mù được các nhà chuyên môn chỉ ra: bệnh đục thể thủy tinh, chiếm 66,1%; các bệnh đáy mắt, các bệnh nửa phần sau nhãn cầu (chiếm 16,6%), bệnh glôcôm (6,5%), tật khúc xạ (2,5%) và bệnh mắt hột (1,7%).  Trong số nguyên nhân gây mù hiện nay có tới trên 80% là có thể phòng và chữa được. Bên cạnh đó, tình trạng tật khúc xạ cận thị, viễn thị, loạn thị ở lứa tuổi thanh thiếu niên cũng đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội.

Cả nước ước tính có 3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 2/3 bị cận thị. Mắc các tật khúc xạ nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ dẫn tới mù lòa. Qua điều tra cho thấy, có tới trên 30% số người mù loà không biết bệnh có thể chữa trị được và chữa ở đâu, gần 1/3 số người mù không có tiền để chữa trị.

Để thực hiện mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới là giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 0,3% vào năm 2020, thời gian tới ngành y tế tiếp tục tăng cường kiểm soát những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa; coi trọng kiểm soát bệnh đục thủy tinh thể gây mù, hàng năm phẫu thuật ít nhất 170.000 ca và phấn đấu phẫu thuật được 250.000 ca đục thể thủy tinh vào năm 2013; thanh toán bệnh mắt hột vào năm 2017; thiết lập và phát triển mạng lưới chăm sóc mắt trẻ em tại các trung tâm lớn ở các vùng trong cả nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tăng cường đào tạo cán bộ nhãn khoa, phẫu thuật viên; tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho tuyến dưới; coi trọng và dành kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, nâng cao kiến thức chăm sóc và bảo vệ mắt trong cộng đồng...

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, việc kiểm tra mắt định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh và các tật ở mắt để có phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời. Tránh tình trạng khi bệnh nặng mới đến các cơ sở y tế thì việc điều trị sẽ hạn chế và có thể dẫn tới mù lòa.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc