Nguy cơ mắc bệnh giun xoắn vì ăn thịt sống

18:10, 30/07/2014
|

(VnMedia) -  Bệnh giun xoắn thường truyền lây giữa những loài động vật khác nhau và người. Trên động vật các loài thường mắc bệnh là động vật hoang dã, lợn, chuột, ngựa, chim, ...

Vì sao bị nhiễm giun xoắn?

TS. Nguyễn Thu Hương, Phó trưởng Khoa Ký Sinh Trùng cho biết, T
richinellosis là một bệnh truyền từ động vật qua thực phẩm sang người quan trọng, nguyên nhân do ấu trùng Trichinella. Đây cũng là một bệnh trong nhóm các bệnh truyền nhiễm bị lãng quên (NTDs) đang được cộng đồng y tế thế giới quan tâm và được xếp vào danh mục B theo Tổ chức Thú y thế giới. Lợn nuôi và lợn rừng là nguồn gây bệnh chủ yếu trên người.

 

Người bị nhiễm do tình cờ ăn phải thịt có chứa ấu trùng Trichinella tái (chưa nấu chín). Ấu trùng Trichinella lây truyền từ lợn hoặc chuột sang người, chủ yếu qua đường ăn uống. Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

 

Người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và sau 1 - 2 giờ di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4 - 5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng. Một giun xoắn cái có thể đẻ từ 500 - 1.000 ấu trùng trong thời gian khoảng 4 - 6 tuần. Ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh, tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm. Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hóa dần. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.

 

Biểu hiện nhiễm giun xoắn

 

  Dấu hiệu sớm và đặc trưng của bệnh là phù mi mắt, đôi khi phù cả đầu hoặc lan xuống cổ và tay. Đôi khi phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc. Tiếp theo là các biểu hiện đau cơ xuất hiện khi thở sâu, ho, khi nhai, nuốt, nói, đại tiện, đau cả mặt và cổ, đau khi vận động. Do đau dẫn đến co cứng cơ và hạn chế vận động. Bệnh nhân sẽ sốt nhẹ tăng dần, sau 2 - 3 ngày thân nhiệt lên tới 39 - 40 độ C. Trong trường hợp nhiễm nhẹ, bệnh có thể tiến triển với sốt âm ỉ. Ngoài ra còn có các triệu chứng như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức.

 

Các triệu chứng điển hình thường xuất hiện sau 5 - 15 ngày kể từ khi ăn phải thịt nhiễm ấu trùng giun xoắn và tùy thuộc lượng ấu trùng giun xoắn mà bệnh nhân ăn phải nhiều hay ít. Thời gian ủ bệnh có khi kéo dài tới 45 ngày nếu nhiễm ít ấu trùng.

Trong cơ thể người, giun xoắn phát triển theo 3 thời kỳ: Thời kỳ đầu, giun xoắn sống ở ruột làm cho người bệnh bị viêm ruột nặng, đại tiện lỏng, nôn, đau bụng, sốt 40 - 41 độ C. Một tuần sau, ấu trùng từ niêm mạc ruột non xâm nhập ồ ạt vào máu, hạch bạch huyết của người bệnh làm cho họ sốt cao, mê mệt, đau các khớp xương, đau cơ, khó nuốt, khó thở, phù mặt, nhất là ở hai mi mắt. Giữa tuần thứ ba, ấu trùng bắt đầu hình thành kén và thải độc tố vào trong các cơ khiến bệnh nhân đau dữ dội, khó cử động, cơ thể gầy sút, sức khỏe suy sụp nhanh do không ăn được. Trong những thể trung bình, bệnh kéo dài 3 - 4 tuần, có khi 2 - 3 tháng.

Theo báo cáo của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam có năm vụ dịch bùng phát của bệnh giun xoắn trên người tập trung tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và tỉnh Thanh Hóa. Chẩn đoán các trường hợp bệnh giun xoắn trên người thường muộn, sau 1-2 tuần kể từ khi có triệu chứng đầu tiên đến khi nhập các bệnh viện trung ương do hầu hết người dân và cả cán bộ y tế tuyến cơ sở chưa có kiến ​​thức về bệnh giun xoắn đầy đủ và thiếu trang thiết bị để chẩn đoán tại bệnh viện tỉnh và huyện.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.


Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa

Các yếu tố nguy cơ lây truyền Trichinella như vận chuyển lợn và động vật tự do, thức ăn của lợn là thức ăn thừa hoặc rác, ăn thịt lợn sống và không nấu chín và đặc biệt tại các khu giết mổ lợn không có kiểm soát về nguồn thịt nhiễm bệnh Trichinella. Ngoài ra, tại các khu dân cư người dân sống không cách ly với khu chăn nuôi lợn do sự chật chội về diện tích và thói quen sinh hoạt còn phổ biến. Một số vùng các món ăn truyền thống của người dân như lòng sống, thịt lợn tái, thịt sống (món Lạp, nem sống, nem chao, nem chua) được coi như nguồn phơi nhiễm bệnh chính.

Người dân cần tuyệt đối không ăn các món ăn từ động vật mà chưa được chế biến chín như tiết canh lợn, nem chạo... Đặc biệt, cần cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán... là những động vật được nuôi thả rông không hề “lành” như nhiều người dân nghĩ mà nó dễ nhiễm ấu trùng giun từ môi trường nên cũng cần phải chế biến chín các món ăn này.


Rất cần thiết phải giáo dục về nguy cơ căn bệnh này và tầm quan trọng của cách thức chế biến và quản lý nguồn thịt lợn trong cộng đồng. Ngoài ra, các hộ gia đình nên được khuyến khích áp dụng đầy đủ thực hành chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh. 

Bệnh lây truyền qua đường ăn uống, do vậy phải ăn chín, uống nước đun sôi là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Khi có các biểu hiện nghi mắc bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc