Cách phòng chống bệnh cúm A (H7N9)

18:57, 09/01/2014
|

(VnMedia)  - Hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người cũng như gia cầm nhưng những ngày đầu năm 2014, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân chủ động phòng chống bệnh cúm A(H7N9) ở người.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Từ 31/3/2013 đến 07/01/2014 trên thế giới ghi nhận 152 trường hợp mắc cúm A(H7N9), 48 trường hợp tử vong: Trung Quốc có 148 người mắc, Đài Loạn 2 trường hợp mắc, Hồng Kông 2 trường hợp. Số mắc vẫn liên tiếp xảy ra và có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam Trung Quốc và trường hợp mắc gần đây nhất ghi nhận được ở Quảng Đông, gần sát biên giới Việt Nam, đưa số ca mắc ở địa phương này lên 7 trường hợp. Đa số những ca bệnh này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Vi rút cúm A(H7N9) lưu hành ở những đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng và gây ốm, chết trên gia cầm do đó rất khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm. Vi rút cúm A(H7N9) lại có tính thích nghi cao ở động vật có vú, do đó dễ biến đổi thành chủng có khả năng lây từ người sang người.

Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam, ngay từ những ngày đầu xuất hiện cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan và đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai triệt để các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh cúm A(H7N9) trên gia cầm và trên người.

Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người cũng như gia cầm. Tuy nhiên, mùa đông và xuân thời tiết lạnh, rất thuận lợi cho vi rút phát triển, lây lan; tết nguyên đán đang đến gần nhu cầu tiêu thụ gia cầm và thủy cầm là rất lớn, việc buôn bán gia cầm, nhất là gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc vẫn tiếp diễn, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát nhưng cũng không thể kiểm soát 100%.

Hiện thế giới chưa có vắc-xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu, cộng đồng chưa có miễn dịch nên khi tiếp xúc với mầm bệnh người dân dễ mắc bệnh, khó khăn trong điều trị và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước những khó khăn đó, không loại trừ dịch cúm A(H7N9) xâm nhập nước ta vào những ngày đầu năm 2014.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Chủ động phòng chống bệnh cúm A(H7N9) ở người, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

- Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

- Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc