Siêu xe tăng Nga khiến Mỹ kinh sợ

09:55, 09/05/2015
|

(VnMedia) - Washington có nhiều lý do để phải kinh sợ trước loại siêu xe tăng mới Armata T-14 của Nga, một học giả người Mỹ gốc Nga - Giáo sư Nikolas K.Gvosdev hôm qua (8/5) đã cho biết như vậy. Ông này cũng nói thêm rằng, các quốc gia đang tìm cách kiềm chế sự tự do hành động của Mỹ sẽ nhân cơ hội này để mua những loại vũ khí tinh vi của Nga.

 

Ảnh minh họa

Siêu xe tăng Armata của Nga


Các nhà thiết kế Nga đã chứng minh, họ có thể phát triển những hệ thống vũ khí thế hệ mới. Vì thế, Mỹ có lý do chính đáng để lo sợ xe tăng chiến đấu chủ lực mới tinh Armata của Nga, Giáo sư Nikolas K. Gvosdev - một chuyên gia an ninh người Mỹ gốc Nga đã đưa ra nhận định như vậy.


"Đối với nước Nga thời hậu Xô viết, việc khôi phục, làm sống lại ngành công nghiệp quốc phòng hàng đầu của họ là điều rất có ý nghĩa”, Giáo sư Gvosdev cho hay, nhấn mạnh rằng “một phần của chiến lược tái công nghiệp hóa nước Nga vì thế là để làm hồi sinh nền công nghiệp quốc phòng và để tận dụng nhu cầu vũ khí tinh vi ngày càng tăng trong một thế giới ngày càng đơn cực hơn".

 

Theo Giáo sư Gvosdev, sự xuất hiện của siêu xe tăng tối mật chưa từng lộ diện của Nga - T-14 Armata trên Quảng trường Đỏ trong Ngày Chiến thắng sẽ thu hút sự chú ý “của nhiều khán giả đặc biệt". Trong khi đối với những người trong nước, sự hiện diện của xe tăng Armata được xem là một thông điệp cho thấy Nga đã giành lại được vị thế của mình với tư cách là một nhà sản xuất vũ khí tinh vi hàng đầu thế giới thì sự ra mắt của Armata cũng phát đi thông điệp cho một loạt khách hàng tiềm năng khác của Moscow về việc ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang đi lên và có thể chế tạo những hệ thống vũ khí tối tân sánh ngang với các phiên bản cùng loại của phương Tây.

 

Các cường quốc mới nổi của thế giới xem mạng lưới các cục thiết kế, các nhà máy, xưởng công nghiệp và các khu thử của Nga như một nhà cung cấp vũ khí thay thế. Và họ chắc chắn sẽ nắm bắt cơ hội để nâng cao năng lực quốc phòng của mình.

 

Cho đến nay, nếu Nga tìm đủ được các đối tác để mua vũ khí của họ thì họ sẽ có cơ hội vừa chi trả được cho kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của mình vừa phát triển thêm các vũ khí tinh vi hơn, tối tân hơn, vị giáo sư người Mỹ gốc Nga nhấn mạnh.

 

Đồng thời, có một số nước đang tìm cách kiềm chế sự “tự do hành động” của Mỹ trên thế giới. Họ hiểu rất rõ rằng, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Washington vẫn “tiếp tục tìm kiếm những lựa chọn chi phí thấp, tránh thương vong khi thực hiện hành động can thiệp” và họ thích tránh “một mức độ hy sinh cao”, ông Gvosdev nhận xét.

 

Được trang bị các hệ thống vũ khí tối tân, các nước nói trên sẽ có thể chống lại sự tiến lên của Mỹ hoặc "khiến cho Mỹ phải chịu tổn thất, mất mát lớn xét về thương vong hay thiết bị” nếu thực hiện hành động can thiệp, vị chuyên gia Mỹ khẳng định.

 

"Việc ngày càng nhiều nước trên thế giới sở hữu những thiết bị, đặc biệt là các hệ thống mà Washington không muốn bán, như là một cách để gây khó khăn cho Mỹ sẽ được xem là mối đe dọa lâu dài đối với Mỹ”, Giáo sư Gvosdev phân tích thêm.

 

Trước khi Giáo sư Gvosdev đưa ra những nhận định như trên, một tờ báo nổi tiếng hàng đầu của Mỹ cũng đã nhận xét, những sáng tạo, đột phá về công nghệ và kỹ thuật của xe tăng chiến đấu Armata khiến nó trở thành thứ vũ khí vô địch, không đối thủ so với những vũ khí cùng loại khác của phương Tây.

 

Theo đánh giá của hãng tin AP uy tín của Mỹ, xe tăng tối tân Armata của Nga sắp phô diễn sức mạnh trong lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng ở thủ đô Moscow sẽ vượt qua mọi phiên bản của phương Tây.

 

Armata là loại xe tăng tác chiến chủ lực mới mang đặc tính kỹ-chiến thuật ưu việt như hệ thống tự động lên đạn, biên chế kíp lái và đầu đạn tác chiến mới.

 

Đặc điểm chính của xe tăng mới là tháp pháo được điều khiển từ xa với kíp lái gồm 3 thành viên được bố trí ngồi ở một khoang bọc thép riêng biệt ở phía trước của thân xe tăng, tách khỏi khoang động cơ và khoang đạn. Khoang này được thiết kế để chịu đựng được những đòn hỏa lực trực diện của kẻ thù. Theo nhà sản xuất xe tăng Armata, hệ thống bảo vệ hiện đại giúp tăng độ an toàn cho kíp lái, đồng thời tăng hiệu quả bắn phá và có được sự linh hoạt trong khi chiến đấu.

 

Những đặc tính công nghệ và kỹ thuật được sử dụng trong thiết kế của xe tăng Armata khiến nó trở thành thứ vũ khí “độc cô cầu bại” so với vũ khí cùng loại của phương Tây, tờ AP đã nhận định như vậy.

 

Không chỉ có khả năng tự động lên đạn, xe tăng Armata còn có thể sử dụng đồng thời 32 loại đầu đạn tác chiến khác nhau và có thể tấn công đối phương ngay cả khi xe đang cơ động.

 

Xe tăng T-14 được trang bị súng đại bác nòng trơn với cỡ nòng 125mm. Loại vũ khí này có thể bắn những loại đạn dược có hỏa lực cao, trong đó có loại đạn xuyên bọc thép, tên lửa dẫn đường, các loại đạn hình thù khác nhau và nhiều loại đạn khác.

 

Người ta dự đoán, xe tăng Armata còn có thể sử dụng loại súng đại bác cỡ nòng 152. Nếu điều này là đúng thì đây là loại xe tăng được trang bị súng đại bác mạnh nhất từ trước đến nay trong số các loại xe tăng chiến đấu. T-14 còn được trang bị súng cỡ nòng nhỏ 30mm để bắn hạ những mục tiêu trên không bay ở độ cao thấp, trong đó có máy bay và trực thăng. Để bảo vệ mình trước các tên lửa chống tăng, T-14 sẽ có một súng máy hạng nặng được đặt trên tháp pháo với cỡ nòng là 12,5mm.

 

Xe tăng Armata được kỳ vọng sẽ trở thành xe tăng tiêu chuẩn trong quân đội Nga trong tương lai. Đến năm 2020, Lục quân Nga được cho là sẽ nhận được 2.300 chiếc loại này.

 

Tạp chí Stern của Đức từng ca ngợi siêu xe tăng T-14 Armata là một ví dụ điển hình cho thấy tốc độ hiện đại hóa quân đội vượt bậc của quân đội Nga chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tạp chí của Đức tin rằng, phương Tây chắc chắn phải thán phục trước xe tăng T-14 bởi nó là loại vũ khí được thiết kết và phát triển hoàn toàn mới, dựa trên sự kết hợp các nền tảng công nghệ chế tạo xe tăng tiên tiến nhất của Nga hiện nay.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc