Trung Quốc thèm khát siêu vũ khí của Nga

18:52, 08/05/2015
|

(VnMedia) - Trung Quốc sẽ phải mua bằng được chiến đấu cơ đa năng đỉnh cao Sukhoi Su-35 (Flanker-E) của Nga bất chấp thực tế về việc Bắc Kinh đang phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 của riêng mình, website Want China Times đưa tin.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Phiên bản mới nhất của chiến đấu cơ Trung Quốc - Shenyang J-11D vừa tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên hồi tuần trước. Chiếc J-11D do tập đoàn Máy bay Shenyang chế tạo dựa trên nguyên mẫu Sukhoi Su-27 của Nga. Su-35 cũng là một phiên bản nâng cấp của Su-27.
 
"Su-35 có khả năng chứa 11,5 tấn nhiên liệu so với 9 tấn của J-11D. Điều đó có nghĩa, chiến đấu cơ của Nga sẽ phù hợp hơn với các nhiệm vụ giám sát, do thám ở Biển Đông. Su-35 cũng có cấu trúc tối tân hơn với sức bền hoạt động lên tới 6.000 giờ phục vụ và trọng lượng tối đa lúc hạ cánh, bay cũng như cất cánh ưu việt hơn”, website Want China Times dẫn lời mạng lưới quân sự Sina phân tích.
 
Theo tờ báo trên, Trung Quốc cần cả J-11D và Su-35 để duy trì hiện diện quân sự ở dọc bờ biển đông nam, biên giới với Ấn Độ và ở Biển Đông. Bắc Kinh cần loại máy bay quân sự có thể là đối thủ với F-35 của Nhật Bản và Su-30MKI hay T-50 của Ấn Độ nhưng nước này không chắc rằng J-11D của họ có thể là một đối thủ xứng tầm với những loại chiến đấu cơ đó.
 
Kể cả thậm chí nếu J-11D có thể đối đầu với những loại máy bay như F-35, Su-30MKI hay T-50 thì Trung Quốc cũng không thể sản xuất đủ loại máy bay chiến đấu hai động cơ và một chỗ ngồi này. Theo ước tính, Trung Quốc đã sản xuất được khoảng 10 chiếc máy bay chiến đấu 10 J-11B/BS – một phiên bản trước đây của J-11D.
 
"Trung Quốc không thể đơn giản đợi 5 hoặc 10 năm nữa để có thể có được loại chiến đấu cơ thế hệ mới và Su-35  sẽ giúp củng cố năng lực phòng không của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) và ít nhất giúp Trung Quốc có thể có được một loại vũ khí có thể đấu với F-35 của Mỹ”, website Want China Times cho biết.
 
Sukhoi Su-35S là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng và chiếm ưu thế trên không. Nó được ca ngợi là “máy bay tiêm kích thế hệ 4++ sử dụng công nghệ thế hệ thứ 5”.
 
Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Su-35 là dòng máy bay tiêm kích đa năng siêu linh hoạt được phát triển dựa trên phiên bản của máy bay tiêm kích Su-27. Một trong những đặc điểm nổi bật của dòng máy bay này là hệ thống thiết bị điện tử mới tích hợp với hệ thống chỉ huy thông tin dạng số, trạm radar đa dụng, đa tần có phạm vi quét rộng, có khả năng theo dõi đồng thời gần 30 mục tiêu trên không, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km, tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu nguy hiểm nhất trên mặt đất.
 
Su-35 được trang bị cả vũ khí tầm xa, tầm trung lẫn tầm gần, có thể mang các thiết bị tấn công dẫn đường chống radar, chống tàu và tấn công hỗn hợp, các loại bom thông minh cũng như các loại vũ khí thông thường khác. Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm hoặc có thể dài hơn nếu được bảo dưỡng tốt. Su-35 được đánh giá là một trong những loại máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới. Ngoài ra, Su-35 còn có khả năng tàng hình vượt trội so với dòng máy bay tiêm kích cùng lớp và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
 
Su-35 cũng là loại vũ khí được rất nhiều nước ngoài Nga thèm muốn. Được biết, nhiều khách hàng ở khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ đang đàm phán với Sukhoi để mua Su-35
 
Trung Quốc lần đầu tiên tỏ ra quan tâm đến Su-35 là tại hội chợ vũ khí quốc tế MAKS-2007. Một số quan chức Trung Quốc có mặt tại triển lãm đã tìm cách tiếp cận với các quan chức Nga nhằm đạt được thỏa thuận mua máy bay này.
 
Có thể nói Trung Quốc đang vô cùng thèm khát Su-35 của Nga nhưng chưa rõ quyết định cuối cùng của Moscow như thế nào. Trước đây, Moscow thường không muốn bán những thứ vũ khí tối tân Trung Quốc vì sợ Trung Quốc sao chép công nghệ tối tân của họ trong những thứ vũ khí hàng đầu như Su-35
 
Nga từng trải qua bài học cay đắng khi bán vũ khí thiện chiến cho Trung Quốc. Trung Quốc đã cố tình vi phạm các thỏa thuận được đưa ra trong Luật Sở hữu Trí tuệ (IPR) khi sao chép công nghệ từ chiến đấu cơ Su-27 của Nga để chế tạo J-11B của họ. Trong năm 1995, Trung Quốc đã ký một hợp đồng với Nga để chế tạo 200 chiếc Su-27SK hay còn gọi là J-11A với trị giá 2,5 tỉ USD. Năm 2006, Nga đã hủy hợp đồng này sau khi phát hiện Trung Quốc sao chép công nghệ của mình để bí mật sản xuất một phiên bản tự chế có tên là J-11B.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc