Ukaine giết chết giấc mơ liên minh Nga-Đức

12:21, 20/04/2015
|

(VnMedia) - Những dấu hiệu gần đây cho thấy, mối quan hệ giữa Nga và Đức ngày một xấu đi vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Một nhà phân tích nhận định, vấn đề Ukraine đã giết chết giấc mơ thiết lập liên minh Nga-Đức.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Nga Putin (bên trái) và Thủ tướng Đức Merkel


Đức tiếp tục cảnh báo Nga


Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steimneier hôm qua (19/4) đã lên tiếng cảnh báo giới chức Nga không được công nhận nước cộng hoà nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk (DPR and LPR) là các quốc gia độc lập.
 
"Điều đó sẽ làm phức tạp hoá nghiêm trọng tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine", ông Steimneier đã nói như vậy trên kênh truyền hình ARD.
 
Nhà ngoại giao hàng đầu của nước Đức kêu gọi Nga tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, coi đó là nền tảng căn bản của thoả thuận Minsk. Ngoại trưởng Steimneier cho biết, ông hy vọng thoả thuận này cuối cùng cũng sẽ được thực hiện. "Nếu tôi không có hy vọng, tôi sẽ không dành quá nhiều thời gian và nỗ lực cho tiến trình đó", ông Steimneier khẳng định, đồng thời thêm rằng tình hình Ukraine hiện nay không còn nghiêm trọng như cách đây khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, theo lời Ngoại trưởng Đức, việc thực hiện thoả thuận Minsk chưa đạt đến mức có thể khiến các bên hài lòng.
 
Trước đó, hôm 18/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn chương trình Vesti v Subbotu rằng, vấn đề có công nhận nền độc lập của nước cộng hoà nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk hay không nếu nó nảy sinh sẽ được quyết định từ tình hình thực tế tại thời điểm đó. "Chúng tôi sẽ tính đến yếu tố thực tế", ông Putin cho hay.
 
Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Nga cho biết, ông không muốn bình luận gì về vấn đề trên. “Tôi không muốn nói về vấn đề đó vào thời điểm hiện tại, bởi dù cho tôi có nói bất kỳ điều gì thì mọi thứ đều có thể gây phản tác dụng", ông chủ điện Kremlin cho biết.
 
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Đức lên tiếng cảnh báo Nga. Sẽ là điều bình thường nếu quan hệ giữa Nga và Đức không phải là một mối quan hệ gắn bó, phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, thực tế là mối quan hệ giữa Nga và Đức giống như một mối quan hệ tình bạn đặc biệt.
 
Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý. Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít.
 
Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.
 
Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, quan hệ Nga-Đức đã sứt mẻ trầm trọng. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Khi cuộc khủng hoảng Ukraine mới nổ ra, trong khi các nước phương Tây đổ xô vào chỉ trích, đổ lỗi cho Nga và ra sức gây sức ép với Nga thì Đức vẫn giữ một lập trường thận trọng, dè dặt để tránh làm tổn thương “người bạn thân”.
 
Tuy nhiên, dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh trong Liên minh Châu Âu (EU), Đức đã thay đổi lập trường nhanh chóng, ra tay quyết liệt và cứng rắn với Nga. Hiện tại, Đức dường như đang nắm vai trò dẫn dắt Liên minh Châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.
 
Khủng hoảng Ukaine giết chết giấc mơ liên minh Nga-Đức
 
Giấc mơ về một Châu Âu thống nhất “từ Dublin tới Vladivostok" từng được ông Jean-Francois Thiriart đề xuất những năm 1960, cuối cùng đã bị đập tan bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Bryan MacDonald – một nhà văn Ai len và là một nhà bình luận cho chuyên mục Op-Ed của tờ RT, đã nói như vậy.
 
Theo ông MacDonald, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã giáng một đòn chí tử vào ý tưởng của ông Jean-Francois Thiriart về một Châu Âu thống nhất từ Dublin đến Vladivostok. Ý tưởng này đã được các nhà lập chính sách của Nga và Đức thông qua những năm 2000.
 
"Một liên minh giữa Moscow và Berlin sẽ làm đối trọng với Mỹ và siêu cường mới nổi Trung Quốc. Giấc mơ này đã tồn tại trong nhiều năm và thật công bằng để nói rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine cuối cùng đã giết chết giấc mơ đó."
 
Điện Kremlin rõ ràng thất vọng trước thực tế rằng các quốc gia hàng đầu Châu Âu đang tuân theo lệnh từ Washington, thay vì theo đuổi  một tiến trình thực hiện chính sách đối ngoại độc lập.
 
Vì thế, cho đến nay, sự lạnh lẽo, băng giá trong mối quan hệ giữa Moscow và Châu Âu được xem như là động cơ chính, động cơ trung tâm để mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc cất cánh, ông MacDonald nhận xét.
 
"Tuy nhiên, tôi đánh cược rằng các nhà lập chính sách Nga sẽ tiếp tục hy vọng về sự thay đổi chính sách của Châu Âu. EU không ổn định. Nếu có sự mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ thì có nhiều cơ hội để Đức có thể tìm cách cứu vãn “một Châu Âu cốt lõi” tập hợp quanh nền kinh tế mạnh của nước này”.
 
Ông Bryan MacDonald tin rằng, một “cánh rất lớn và có ảnh hưởng ở Berlin” sẽ gây áp lực để giới lãnh đạo nước này thực hiện một tiến trình chính trị độc lập, không tuân theo mệnh lệnh từ Washington.
 
Tuy nhiên, có ít cơ hội những nước hàng đầu như Đức, Nhật Bản, Italia và Pháp muốn Nga “quay trở lại dưới mái nhà phương Tây” và trở lại G8.
 
Việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa Nga và phương Tây vẫn khó có thể xảy ra trong thời gian trước mắt.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc