Người Nga sẵn sàng “ăn ít” vì Tổng thống Putin

08:00, 24/01/2015
|

(VnMedia) - Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos ngày hôm qua (23/1), Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov đã cảnh báo phương Tây đừng cố lật đổ Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời tuyên bố đầy tự tin rằng người dân Nga sẵn sàng hy sinh tài sản của họ để ủng hộ cho nhà lãnh đạo của mình.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Putin


Nga trong một năm qua đang trượt sâu vào sự suy thoái kinh tế do giá dầu mỏ sụt giảm nghiêm trọng và do các biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị ở nước láng giềng Ukraine.
 
Phó Thủ tướng Shuvalov – người được tin là một trong những chính khách giàu nhất trong chính phủ Nga, tuyên bố, ông xem nỗ lực của phương Tây nhằm lật đổ Tổng thống Putin chỉ khiến cho đất nước Nga trở nên đoàn kết hơn.
 
"Khi một người Nga cảm thấy bất kỳ áp lực bên ngoài nào, họ sẽ không bao giờ từ bỏ người lãnh đạo của mình. Không bao giờ. Chúng tôi sẽ sống sót vượt qua những khó khăn – ăn ít thức ăn hơn và tiêu thụ ít điện hơn”, ông Shuvalov nhấn mạnh.
 
Cũng theo Phó Thủ tướng Shuvalov, người dân Nga không liên hệ các biện pháp trừng phạt đến Tổng thống Putin mà xem đó là một cuộc tấn công vào nước Nga. Và trong bối cảnh đó, họ trở nên đoàn kết hơn.
 
"Khi mọi người nói về các biện pháp trừng phạt, nó được xem như một phương tiện để làm đau chúng tôi chứ không phải ông Putin, và vì thế chúng tôi phải đoàn kết đằng sau người lãnh đạo của mình. Trong vấn đề này, đây là cách nghĩ của người Nga”, ông Shuvalov cho hay.
 
Phó Thủ tướng Nga cũng thêm rằng, “với mức độ đoàn kết cao và những điều kiện bên trong, bên ngoài đầy khắc nghiệt như vậy, chúng tôi phải học cách hoàn thành chương trình nghị sự của mình”. Ông Shuvalov cho rằng, tình hình khó khăn nay mở ra cơ hội cho Nga tiến hành cải cách.
 
Cũng tại diễn đàn Davos, đồng minh lâu năm của Tổng thống Putin cũng là cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin cho biết, ông chủ điện Kremlin rõ ràng nghĩ rằng những lợi ích đạt được trong chính sách đối ngoại của Nga rất đáng với cái giá mà Nga đang phải trả như lạm phát tăng cao và sự suy sụt của đồng rúp.
 
Cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây trở thành một trong những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, nhà nghiên cứu kinh tế Peter Havlik cho biết.
 
"Nói chung, Áo là một trong những nước Châu Âu ngay từ đầu đã phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Các nước có quan điểm giống Áo là Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia, Italia,  Hy Lạp và Cyprus", ông Havlik cho hay đồng thời nói thêm rằng rất khó để đoán về khả năng liệu các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây có được dỡ bỏ hay không.
 
Mỹ: Nga chịu trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine
 
Sở dĩ Nga phải hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng đau đớn như hiện nay là do Mỹ và phương Tây luôn đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Phương Tây cho rằng, Nga gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông và đang tuồn vũ khí, binh lính vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai chiến đấu chống lại chính phủ Kiev.
 
Bất chấp mọi lời phủ nhận, bác bỏ mạnh mẽ của Nga, phương Tây vẫn không thay đổi quan điểm. Ngày hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki vẫn có phát biểu khăng khăng cho rằng Nga là nước phải chịu trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
“Nga nắm chìa khóa để giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Nga khơi mào nên Nga phải gánh trách nhiệm chấm dứt tình trạng bạo lực đã tàn phá cuộc sống của quá nhiều người dân vô tội ở Donetsk và Luhansk”, bà Psaki đã phát biểu như vậy.
 
Nữ phát ngôn viên Psaki còn thêm rằng, Mỹ “vẫn quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực và đổ máu ở miền đông Ukraine”. Theo bà Psaki, tình hình này là do “những cuộc tấn công đang gia tăng từ phía lực lượng ly khai miền đông Ukraine, vi phạm lệnh ngừng bắn”.
 
“Giới lãnh đạo ly khai công khai tuyên bố ý định của họ là chiếm thêm lãnh thổ”, bà Psaki cho biết trong cuộc họp báo.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine không chỉ gây ra tổn thất vô cùng nặng nề về người và của cho chính đất nước Ukraine mà còn gây ra cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Hơn 5.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Ukraine kể từ khi nó bùng phát hồi tháng 4 năm April 2014, một phát ngôn viên của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu leo thang từ hồi tháng 4 năm ngoái khi Kiev kiên quyết bỏ qua mọi lời kêu gọi của Nga để phát động một chiến dịch quân sự quyết liệt và đẫm máu nhằm đàn áp những người đòi độc lập ở hai khu vực Donetsk và Luhansk. Đây là hai khu vực từ chối công nhận chính phủ Kiev được dựng lên sau một cuộc đảo chính.
 
Kiev và lực lượng ly khai đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 9 năm ngoái dưới sự làm trung gian của Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu. Tiếp đó, vào ngày 9/12, hai bên tuyên bố thwucj hiện “chế độ im lặng” nhằm củng cố thêm cho tính hiệu lực của thỏa thuận ngừng bắn.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ bạo lực, giao tranh tiếp tục nổ ra và cả chính quyền Kiev lẫn lực lượng ly khai đều tố nhau, đổ lỗi cho nhau về những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc