"Nữ tướng" quyền lực thay đổi chiến thuật với Moscow

10:11, 26/11/2014
|

(VnMedia) - Sau 9 tháng với những hoạt động ngoại giao không ngừng nghỉ nhằm “tháo ngòi nổ” trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức cuối cùng đã phải “đầu hàng” trước sự cứng rắn và kiên quyết của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mới đây, hồi giữa tháng, bà Merkel tuyên bố cần phải thay đổi chiến thuật với Moscow.
 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Đức Merkel (bên trái) và Tổng thống Nga Putin


Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 ở Australia, Thủ tướng Đức Merkel đã quyết tâm một mình "đối mặt" với Nhà lãnh đạo Nga Putin mà không cần một đội ngũ cố vấn và phiên dịch hùng hậu như thường lệ.
 
Thay vì thách thức ông chủ điện Kremlin về cái mà bà Merkel cáo buộc là “một loạt lời hứa không được thực hiện”, bà Merkel đã yêu cầu Tổng thống Nga nói rõ xem ông muốn gì ở Ukraine và các nước vệ tinh cựu Xô-viết cũ.
 
Phương Tây do Mỹ dẫn đầu khăng khăng cáo buộc, đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Bất chấp việc Moscow liên tục bác bỏ thẳng thừng và mạnh mẽ những lời cáo buộc như trên, phương Tây vẫn tung ra hàng loạt đòn trừng phạt nhằm vào Nga và giới lãnh đạo phương Tây tăng cường gây sức ép với Moscow. Cuộc “đối đầu” giữa bà Merkel và ông Putin ở hội nghị thượng đỉnh G20 là một trong số những nỗ lực gây sức ép như vậy.
 
Hôm 15/11, vào lúc 10 giờ tối (theo giờ địa phương), ở một nơi cách xa các cuộc giao tranh leo thang ở miền đông Ukraine, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel đã có cuộc gặp ở tầng 8 của Khách sạn Brisbane Hilton. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này không diễn ra như mong đợi.
 
Trong suốt gần 4 giờ đồng hồ, nữ Thủ tướng Merkel – sau đó được “trợ giúp” thêm bởi Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker lúc nửa đêm – đã tìm mọi cách để thuyết phục Tổng thống Putin – một cựu điệp viên KGB thành thạo tiếng Đức, đi theo lập trường chung của phương Tây trong vấn đề Ukraine.
 
Tuy nhiên, tất cả những gì mà nữ Thủ tướng quyền lực hàng đầu thế giới nhận được từ ông Putin – Nhà lãnh đạo quyền lực nhất hành tinh, là một sự kiên quyết, không lay chuyển trong lập trường về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng.
 
Cuộc họp ở Brisbane và một cuộc gặp riêng rẽ khác ở Milan một tháng trước đó giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Đức đã đẩy mức độ tức giận của Berlin lên một mức cao mới. Thủ tướng Merkel đã đi vào ngõ cụt trong con đường ngoại giao với Tổng thống Putin.
 
Kể từ hồi tháng 2, khi Tổng thống Viktor Yanukovich của Ukraine bị lật đổ, Đức đã đóng vai trò hàng đầu trong việc tìm cách thuyết phục Tổng thống Putin tham gia cùng với phương Tây.
 
Bà Merkel đã nói chuyện điện thoại với ông Putin hàng chục lần. Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier – một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và là một đảng thân Nga truyền thống, cũng đã dành hàng trăm giờ đồng hồ để tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
 
Hiện tại, giới chức Đức cho biết, họ đã cạn kiệt ý tưởng trong việc thuyết phục Nhà lãnh đạo Putin thay đổi lập trường.
 
Đức thay đổi chiến thuật với Nga?
 
Thất bại trong việc thuyết phục Nga đi theo con đường của phương Tây trong việc xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (25/11) đã thể hiện một lập trường cứng rắn khi tuyên bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là cần thiết.
 
“Các biện pháp trừng phạt là không thể tránh khỏi trong bối cảnh Nga không có hoặc có ít các nỗ lực nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, bà Merkel đã phát biểu như vậy tại một cuộc họp của Hội Doanh nghiệp Gia đình Châu Âu ở thủ đô Berlin.
 
Nữ Thủ tướng Merkel thừa nhận các đòn trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên Nga có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Châu Âu, trong đó có Đức.
 
Lập trường của Nga và các nước phương Tây trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine về cơ bản khác nhau hoàn toàn. Moscow liên tục phủ nhận bất kỳ sự dính líu, can dự nào vào cuộc xung đột trong nội bộ ở Ukraine nhưng phương Tây vẫn đổ lỗi cho Nga và vẫn tung ra các đòn trừng phạt nhằm khuất phục Moscow. Nga cũng đã đưa ra các biện pháp trả đũa đầu tiên.
 
Trong khi Nga và Liên minh Châu Âu (EU) “đánh nhau sứt đầu mẻ trán” vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine thì nước khơi mào ra cuộc chiến trừng phạt là Mỹ lại dường như không bị hề hấn gì.
 
Mỹ thừa nhận đã ép EU phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga dù Liên minh Châu Âu không hề muốn điều này. Đức là một trong những nước gánh chịu tổn thất nặng nề nhất từ “cuộc chiến trừng phạt” với Nga. Có lẽ, giới chức Đức đã tìm mọi cách thuyết phục Moscow thay đổi lập trường để có thể tháo dỡ các biện pháp trừng phạt nhằm giảm thiểu tổn thất cho cả hai bên. Tuy nhiên, họ đã thất bại trước lập trường cứng rắn và kiên quyết của chính quyền Tổng thống Putin.
 
Moscow phản đối mạnh mẽ việc chính quyền Kiev phát động chiến dịch quân sự đàn áp thẳng tay những người biểu tình ở miền đông Ukraine. Nga liên tục kêu gọi Kiev ngồi vào bàn đàm phán, đối thoại trực tiếp với đại diện các khu vực miền đông để tìm hướng giải quyết hoà bình cho cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng này. Tuy nhiên, Kiev từ chối đàm phán với lực lượng ly khai miền đông. Sự khác nhau căn bản về lập trường của các bên cùng với việc không bên nào chịu thoả hiệp, lùi bước khiến cho tình hình Ukraine khó có lối thoát.
 
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 4.000 người đã thiệt mạng và hàng trăm ngàn người khác phải bỏ nhà, bỏ cửa chạy đi sống lưu vong ở bên ngoài kể từ khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng lên hồi giữa tháng 4. 


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc