Nhật Bản xứng đáng vị trí lãnh đạo khu vực

17:37, 03/06/2014
|

(VnMedia) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi cuối tuần vừa rồi đã có bài diễn văn quan trọng tại cuộc Đối thoại Shangri-La – một trong những hội nghị an ninh quan trọng nhất Châu Á. Ông Abe được cho là đã tận dụng cơ hội này đã củng cố thêm nữa những nỗ lực của ông này trong việc tái lập vị thế lãnh đạo của Nhật Bản trong khu vực.
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe


Những nỗ lực của Thủ tướng Abe trong việc đưa Nhật Bản trở lại vị trí lãnh đạo khu vực đã diễn ra khá thành công trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước Châu Á tỏ ra quan ngại về một Trung Quốc hung hăng, quyết liệt trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải. Trong 1,5 năm đầu cầm quyền, ông Abe đã gây chú ý khi củng cố được mối quan hệ liên minh giữa Nhật Bản với các nước quan trọng như Nga, Ấn Độ. Tuy nhiên, không nơi nào mà Thủ tướng Abe lại thành công hơn là ở Đông Nam Á. Từ năm ngoái, sự nổi lên của Nhật Bản ở Đông Nam Á được đánh giá là một trong những diễn biến quốc tế quan trọng nhất của năm 2013.
 
Bản thân Nhà lãnh đạo Abe cũng trực tiếp gắn mình với nỗ lực tạo dựng vị trí dẫn đầu của Nhật Bản ở Châu Á. Riêng trong năm đầu nhậm chức, cá nhân ông Abe đã đến thăm toàn bộ 10 quốc gia Đông Nam Á. Ông Abe cũng củng cố lập trường của Tokyo ở Đông Nam Á bằng cách tham gia vào các cuộc đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương bất chấp sự phản đối mạnh mẽ mà ông đối mặt ở trong nước về vấn đề này, trong đó có cả sự phản đối từ chính trong nội bộ đảng của ông. Nhiều trong số những nỗ lực gây tranh cãi nhằm gỡ bỏ bớt những giới hạn, rào cản cho lực lượng vũ trang của Nhật Bản cũng giúp củng cố khả năng Tokyo đóng một vai trò lãnh đạo ở ASEAN. Ví dụ, bằng cách dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và thực hiện chính sách phòng thủ tập thể, Tokyo có thể trang bị vũ khí vào bảo vệ các quốc gia ASEAN bị đe dọa bởi Trung Quốc.
 
Bất chấp những bước tiến trên, vẫn có một thiếu sót lớn trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường vị thế ở ASEAN: đó là lập trường của nước này đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Từ bỏ chính sách hiện nay và đưa luật quốc tế vào giải quyết tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích lớn cho cả Nhật Bản và Đông Nam Á.
 
Tokyo đến nay vẫn tiếp tục từ chối thừa nhận việc có tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Dù chính sách này từng có lợi thế như thế nào thì bây giờ nó không còn phục vụ cho lợi ích của Nhật Bản. Kể từ khi Nhật Bản mua lại một số trong 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012, việc Tokyo từ chối thừa nhận có tranh chấp tồn tại ở quần đảo Senkaku/Điều Ngư không ngăn được Trung Quốc tăng cường các chuyến tuần tra trên biển và trên không ở vùng tranh chấp. Cứ tiếp tục làm như vậy, Trung Quốc dần dần sẽ làm xói mòn chủ quyền từng được khẳng định rất chắc chắn của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Chính sách hiện nay của Nhật Bản cũng đẩy các nước ASEAN vào tình trạng khó khăn trong các cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở những khu vực trên Biển Đông. Bằng cách từ chối thừa nhận tồn tại một cuộc tranh chấp, Nhật Bản đang giúp Trung Quốc hợp pháp hoá sự từ chối của Trung Quốc trong việc thừa nhận có các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hơn nữa, lập trường hiện nay của Nhật Bản sẽ cản trở việc Tokyo tìm kiếm một giải pháp hoà bình thông qua việc sử dụng luật pháp quốc tế và các diễn đàn đa phương để giải quyết tranh chấp. Điều đó cũng vô tình giúp Trung Quốc hành xử tương tự ở Biển Đông. Mặc dù Thủ tướng Abe ca ngợi Philippines về việc đã kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế để giải quyết tranh chấp nhưng bản thân Nhật Bản chưa làm như vậy.
 
Thừa nhận có tranh chấp và tìm kiếm sự giải quyết ở toà án quốc tế sẽ là sự thể hiện rõ nhất vai trò lãnh đạo mà Nhật Bản muốn đóng tại Châu Á. Biện pháp pháp lý sẽ giúp giảm căng thẳng trong khu vực. Hơn nữa, nó không chỉ làm lợi cho chính Nhật Bản mà còn củng cố lập trường của một số quốc gia ASEAN đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Nhật Bản nên bắt đầu bằng cách đề nghị kín với Trung Quốc rằng, Tokyo sẽ thừa nhận có một cuộc tranh chấp đang tồn tại ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi vì Trung Quốc đang muốn như thế vào nếu Bắc Kinh đồng ý hai bên sẽ đưa vụ việc ra giải quyết tại toà án quốc tế. Mặc dù Trung Quốc có thể từ chối, Tokyo vẫn sẽ đưa ra một cách để giải quyết tranh chấp mà Bắc Kinh có thể tự nhận là đạt được một chiến thắng nào đó (cụ thể ở đây là việc Nhật Bản thừa nhận có tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư). Hơn nữa, nếu Bắc Kinh đồng ý với đề xuất trên của Nhật Bản thì điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ mạnh mẽ cho Biển Đông.
 
Thậm chí rất có thể Trung Quốc sẽ bác bỏ đề nghị của Nhật Bản nhưng Tokyo vẫn nên tự mình đơn phương tiến hành hành động pháp lý. Nói cách khác, Nhật Bản nên đi theo trường hợp của Philippines.
 
Nhật Bản sẽ được nhiều hơn là mất khi đi theo đuổi con đường tiếp cận này. Trước hết, Nhật Bản có cơ sở mạnh mẽ để đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo được tin là gần như chắc chắn được giữ quần đảo ở biển Hoa Đông sau phán quyết của toà án quốc tế. Kể cả nếu Trung Quốc từ chối thừa nhận phán quyết đó thì nó vẫn có ảnh hưởng đến các hành động của Bắc Kinh ở khu vực tranh chấp theo hướng có lợi cho Nhật Bản. Phán quyết của toà sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khi nói bất kỳ điều gì về các cuộc tuần tra của họ trong khu vực ngoài việc bị quốc tế miêu tả là hành động khiêu khích không cần thiết. Việc Trung Quốc chiếm quần đảo bất chấp một toà án quốc tế công bằng đã đưa ra phán quyết khẳng định chủ quyền của Nhật Bản là điều gần như không thể xảy ra. Nhật Bản cần phải tìm kiếm một phán quyết của toà án quốc tế càng sớm càng tốt bởi những chuyến tuần tra của Trung Quốc ở gần quần đảo tranh chấp đã trở nên thường xuyên và trở thành một đặc điểm lâu dài. Thực tế này sẽ chỉ làm suy yếu lập trường vững chắc về chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Tất nhiên, bằng cách lập trường chính sách hiện nay ở Senkaku/Điếu Ngư và tìm đến toà án quốc tế, Nhật Bản sẽ khiến Trung Quốc không thể duy trì được lập trường hiện nay của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh thậm chí sẽ bị cô lập hơn vì không chịu thừa nhận các cuộc tranh chấp ở Biển Đông cũng như từ chối biện pháp giải quyết tranh chấp bằng toà án quốc tế. Với tất cả các bên có tranh chấp cùng với những bên thứ ba quan trọng như Mỹ và Indonesia cả trên lời nói và hành động đều thúc đẩy việc tìm kiếm một giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế và các diễn đàn đa phương, lập trường thách thức của Trung Quốc thực chất sẽ được xem là một hành vi thể hiện sự bá quyền. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đòi tất cả các bên phải đi theo lập trường của mình họ. Đây là điều không thể về lâu về dài và nó sẽ hình thành lên một lập trường khu vực, quốc tế ngả về phía Nhật Bản.


Kiệt Linh - (theo Diplomat)

Ý kiến bạn đọc