Vũ khí do thám bí mật mới của Mỹ

10:23, 09/04/2014
|

Viễn cảnh về một công nghệ khí cầu do thám của quân đội Mỹ trên bầu trời vùng ngoại ô thành phố Baltimore thuộc bang Maryland miền Đông nước Mỹ, một lần nữa gây lo ngại về sự vi phạm quyền riêng tư của công dân vốn ngày càng căng thẳng từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 - theo tuyên bố của Jay Stanley, chuyên gia về quyền riêng tư của Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU).

Để trấn an dư luận, quân đội Mỹ cho biết mục đích của họ là thử nghiệm khả năng dò tìm của khí cầu đối với các tên lửa hành trình bay thấp của đối phương để đánh chặn bởi vì các hệ thống trên mặt đất khó phát hiện kịp thời được. Quân đội cũng nhấn mạnh họ không thu thập bất cứ thông tin cá nhân nào của công dân.

Ảnh minh họa


Các khí cầu được lên kế hoạch triển khai thử nghiệm ở bang Maryland trang bị radar có thể dò tìm phát hiện những vật thể trên không ở khoảng cách hơn 5.000 mét và những chiếc ôtô trên mặt đất cách xa hơn 2.000 mét. Quân đội không cho biết những chiếc xe được nhận diện ở khoảng cách xa như thế sẽ có kích thước như thế nào.

Jennifer Lynch thuộc Tổ chức Ranh giới điện tử (EFF) - một tổ chức do Mitchell Kapor và John Perry Barlow sáng lập năm 1990 nhằm bảo vệ quyền lợi người dùng máy tính - bình luận: "Nếu khí cầu có khả năng phát hiện những chiếc xe thì đó là vấn đề cần quan tâm. Các công nghệ được phát triển cho chiến trường - vũ khí, xe quân sự, các hệ thống thông tin liên lạc - thường được chuyển tải về trung tâm sau khi những xung đột ở hải ngoại kết thúc. Những cuộc chiến diễn ra sau ngày 11/9/2001 tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển các công nghệ do thám tiên tiến và các nhà sản xuất muốn mở rộng sử dụng chúng bên trong nước Mỹ.

Khí cầu trở nên phổ biến ở Iraq và Afghanistan nhưng cũng được Israel sử dụng để giám sát Dải Gaza và các khu vực biên giới khác. Các khí cầu được triển khai tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq và Afghanistan được trang bị camera theo dõi những sự di chuyển của phiến quân và cả binh sĩ Mỹ. Cho dù bị bắn, khí cầu cũng không rơi xuống đất do áp suất khí helium bên trong gần bằng với áp suất không khí bên ngoài để tránh sự xì hơi nhanh. TCOM, công ty được nhà thầu quốc phòng Raytheon thuê để chế tạo khí cầu, cho biết doanh nghiệp đang phát triển những hệ thống chiến thuật nhỏ hơn thích hợp với các khu vực biên giới và các khu vực nhạy cảm.

Ron Bendlin, chủ tịch của TCOM, cho biết: "Khi cần phải giám sát thường trực trong một khu vực đặc biệt thì không có giải pháp nào hiệu quả hơn khí cầu". Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi gần 7 tỉ USD cho chương trình chế tạo 15 hệ thống khác nhau nhẹ hơn không khí từ năm 2007 đến 2012, theo báo cáo tháng 10/2012 của GAO (cơ quan kiểm soát các khoản chi tiêu của Chính phủ Mỹ).

Khí cầu được lên kế hoạch triển khai tại bang Maryland có tên gọi là JLENS, với giá phát triển là 2,7 tỉ USD. Trong những cuộc thử nghiệm, JLENS có thể ở trên không trung liên tục 30 ngày và dò thấy được những vật thể bay nhanh. Hệ thống radar của JLENS cũng dò tìm được những chiếc thuyền nhỏ di chuyển với tốc độ cao mà khi chở chất nổ có thể đe dọa các tàu lớn. Khí cầu dành để sử dụng ở vùng ngoại ô thành phố Baltimore đã trải qua thử nghiệm trong 3 năm qua tại khu vực sa mạc rộng lớn nằm về phía tây thành phố Salt Lake City bang Utah, miền Tây nước Mỹ.

Để thử nghiệm khả năng của JLENS, một chiếc máy bay nhỏ được dùng để mô phỏng tên lửa bay ngang bầu trời. Quân đội cho biết bản thân các khí cầu không được vũ trang và người ta dễ dàng nhìn thấy chúng từ mặt đất ở bất cứ hướng nào. Sự hiện diện của khí cầu JLENS ở ngoài Baltimore đòi hỏi các phi công phải hết sức cẩn thận khi bay qua khu vực.

Quân đội cho biết, khí cầu sẽ "tác động bất lợi rất nhỏ" cho loài đại bàng đầu trọc trên không và những con đại bàng bị rối loạn tâm lý hay bị giết chết gần khu vực khí cầu hoạt động sẽ được coi là "tai nạn" được luật pháp cho biết.

Nhà thầu quốc phòng Raytheon còn cung cấp cho khách hàng loại khí cầu được trang bị bộ cảm biến hình cầu gọi là MTS-B, thường được Không quân Mỹ, Lực lượng hải quan và Bảo vệ Biên giới lắp đặt cho những chiếc máy bay do thám không người lái. Giới chức quân sự thì giữ bí mật chính xác của MTS-B, song các kỹ sư hiểu rõ về công nghệ tiết lộ các bộ cảm biến hồng ngoại và quang-điện có thể dò thấy các cá nhân từ khoảng cách hơn 3.000 mét.

Trong cuộc thử nghiệm của Raytheon, MTS-B phát hiện được một người đóng giả phần tử khủng bố đang cài bom ven đường, cho dù cảnh tượng bị che mờ bởi làn khói phát ra từ ngọn lửa trong khu rừng gần đó. Các nhà hoạt động nhân quyền ở bang Utah chỉ trích nhà thầu quốc phòng Raytheon đã không thông báo cho họ về cuộc thử nghiệm các bộ cảm biến do thám cho khí cầu cũng như các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư của công dân có thể phát sinh.

Tuy nhiên, người phát ngôn của quân đội cho biết: "Sứ mạng chính yếu của khí cầu là dò tìm các vật thể bay trên không. Sứ mạng phụ là theo dõi các vật thể di chuyển trên mặt đất như là xe cộ hay tàu thuyền. Nhưng, khả năng giám sát mặt đất không mở rộng đến các cá nhân".

Các chuyên gia cũng trấn an dư luận giải thích ngay đến các hệ thống giám sát trên không mạnh nhất cũng khó nhận ra gương mặt người dưới đất hay các chi tiết như là biển số xe.


(theo ANTG)

Ý kiến bạn đọc