Bán đảo Triều Tiên: Chiến tranh cận kề?

07:52, 02/04/2013
|

(VnMedia) - Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc hôm 31/3 tuyên bố sẽ tiến hành hàng loạt cuộc tập trận chung với lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ vào tháng tới nhằm sẵn sàng đối phó với Triều Tiên.

   

Lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc cho biết, họ sẽ tiến hành 4 cuộc tập trận chung với Mỹ trong tháng 4 tới để rèn rũa khả năng tiến hành các chiến dịch đổ bộ chiến thuật cũng như củng cố sức mạnh của các đơn vị cơ giới hóa.

   

Các quan chức nước này tiết lộ, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đang huấn luyện ở Hàn Quốc sẽ được mời tham gia các cuộc hội thảo chiến thuật tại các đơn vị trực chiến nhằm sẵn sàng ứng phó với những động thái gây hấn tiếp theo của CHDCND Triều Tiên.


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

 

Trước những lời đe dọa ngày càng hiếu chiến của Triều Tiên trong những tuần gần đây, Lục quân Thủy chiến của Hàn Quốc cho biết, họ sẽ giữ vững tinh thần sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất trong tháng 4 này thông qua các cuộc tập trận.

   

Theo đó, trong tuần đầu tiên của tháng 4, lính thủy đánh bộ Hàn Quốc sẽ “sốc lại” tinh thần sẵn sàng trực chiến của các đơn vị.Sau đó, trong suốt tháng 4, lực lượng lính thủy đánh bộ đang đồn trú tại các hòn đảo biên giới giữa hai quốc gia láng giếng ở biển Hoàng Hải sẽ tiến hành một cuộc tập trận hải quân và không quân bắn đạn thật tại những thời điểm và địa điểm bí mật, không báo trước.

 

Trước đó, hôm qua (30/3), Triều Tiên đã hùng hồn tuyên bố mối quan hệ liên Triều đã chính thức bước vào “tình trạng chiến tranh” và tất các các vấn đề xuyên biên giới nảy sinh giữa hai quốc gia sẽ được giải quyết phù hợp theo tình trạng đó. Một ngày trước đó, lãnh đạo Triều Tiên – Kim Jong-un đã chỉ thị cho các đơn vị tên lửa của nước này sẵn sàng tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc và Mỹ nhằm trả đũa việc hai máy bay B-2 của Mỹ bay lượn trên Bán đảo Triều Tiên.

 

Theo nhiều nguồn tin, hiện CHDCND Triều Tiên đang sở hữu một kho tên lửa Scud từ thời Liên Xô, có khả năng tấn công Hàn Quốc. Tuy nhiên phạm vi của tên lửa vẫn chưa được rõ. Theo các đánh giá độc lập, tên lửa nước này về lý thuyết có thể nhắm đến các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản và Guam .


Mỹ quan ngại trước đe dọa mới nhất của Triều Tiên

Những diễn biến mới nhất này cho thấy, cuộc Chiến tranh Triều Tiên có thể tái khởi động lại bất cứ lúc nào và khiến khá nhiều quốc gia lo ngại.
 

Phản ứng trước tuyên bố trên của Triều Tiên, hôm qua (30/3), Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, bà Caitlin Hayden cho biết, Mỹ đang nghiêm túc xem xét đe dọa chiến tranh của Triều Tiên và sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc. Theo bà Hayden, Mỹ sẽ cân nhắc các biện pháp bổ sung đối phó với đe dọa của Triều Tiên, trong đó có kế hoạch tăng cường hệ thống đánh chặn mặt đất, triển khai rađa cảnh báo sớm và duy trì theo dõi thường xuyên tại Mỹ.

 

Bà Caitlin Hayden nói: "Chúng tôi vừa biết tin về một tuyên bố mới, không có tính xây dựng từ Triều Tiên. Chúng tôi đang xem xét một cách nghiêm túc những đe dọa này và vẫn liên hệ thường xuyên với đồng minh Hàn Quốc của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục có thêm những biện pháp chống lại mối đe dọa của Triều Tiên, bao gồm kế hoạch tăng về số lượng tên lửa đánh chặn mặt đất của Mỹ và hệ thống radar dò tìm, cảnh báo sớm”.

 

Tuy nhiên, dù bày tỏ sự quan ngại trước tuyên bố của BìnhNhưỡng, nhưng Washington vẫn cho rằng, những lời khiêu chiến của Triều Tiên cũng chỉ dừng lời ở những lời đe dọa và khó biến thành hành động như nước này từng làm trước kia.

 

"Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Triều Tiên từ lâu đã có những phát ngôn và lời đe dọa hiếu chiến, và tuyên bố hôm nay cũng theo một kiểu mẫu tương tự", bà Hayden nói, đồng thời khẳng định, Mỹ có đầy đủ năng lực bảo vệ bản thân và các nước đồng minh châu Á.

 

Không chỉ có Mỹ mà các quốc gia khác, trong đó có Nga và Pháp cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tuyên bố mới nhất của Triều Tiên.

Sau khi nhận được thông tin trên, Nga cũng kêu gọi các bên "kiềm chế và thể hiện trách nhiệm tối đa, không bên nào vượt quá giới hạn". Quan chức Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề Triều Tiên – ông Grigory Logvinov nhấn mạnh Nga "không thể tiếp tục thờ ơ khi căng thẳng leo thang tại biên giới phía Đông của Nga", đồng thời cho biết Nga đang "tham vấn chặt chẽ" với các bên đối tác trong tiến trình đàm phán sáu bên là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên.

 

Trong khi đó, trong một tuyên bố của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Philippe Lalliot cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Pháp yêu cầu Triều Tiên thực thi các cam kết quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc, cũng như nhanh chóng nối lại các cuộc đối thoại.

 

Hai miền liên Triều về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến Triều Tiên năm 1950-53 giữa họ mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình. Khu vực Phi quân sự giữa hai quốc gia đến nay vẫn là khu vực biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới.

 

Ngay sau khi ban bố "tình trạng chiến tranh", Bình Nhưỡng tiếp tục đưa ra lời đe dọa sẽ đóng cửa một khu công nghiệp chung Kaesong với Hàn Quốc gần khu vực biên giới được canh phòng cẩn mật trên giữa hai nước nếu Hàn Quốc tiếp tục xúc phạm Triều Tiên.

 

Khu công nghiệp Kaesong được thành lập năm 2004 tại TP biên giới Keasong của Triều Triên và được coi là biểu tượng cho sự hợp tác liên Triều. Hiện ở đây đang có khoảng 120 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động, sử dụng khoảng 50.000 lao động Triều Tiên.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc