Tàu ngầm Trung Quốc sẽ bị máy bay Nhật săn đuổi

18:48, 27/03/2013
|

(VnMedia) - Hôm qua (26/3). Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản vừa tiếp nhận hai máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-1 thế hệ mới đầu tiên. Theo dự kiến, chúng sẽ được triển khai ở Căn cứ Không quân Atsugi, Quận Kanagawa vào cuối tháng này.

 

Thông tin trên vừa được truyền thông địa phương đưa ra cùng ngày.

   

Lễ bàn giao chính thức đã được tổ chức vào sáng ngày 26/3 ở Quận Gifu, miền trung Nhật Bản. Theo kế hoạch, trước tháng 3/2014, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản sẽ tiếp nhận và triển khai 7 máy bay công nghệ cao này và về dài hạn, sẽ có tổng cộng 70 máy bay tuần tra P-1 được đưa vào biên chế của lực lượng này.

 

Máy bay tuần tra chống ngầm P-1 do Công ty trách nhiệm hữu hạn Cộng nghiệp năng Kawasaki hợp tác với Bộ Quốc phòng Nhật Bản thiết kế này sẽ thay thế cho hơn 80 máy bay tuần tra P-3 Orion đã lỗi thời của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản.


 Ảnh minh họa


 Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-1 của Nhật Bản


Tuy nhiên, trước khi được triển khai đầy đủ trong các nhiệm vụ tuần tra, hai máy bay này sẽ phải trải qua 2 năm bay thử nghiệm.

   

P-1 được Nhật Bản phát triển từ năm 2001, và dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 3/2012. Tuy nhiên, tiến trình phát triển loại máy bay này đã bị trì hoãn 1 năm sau khi phát hiện một số vấn đề về kết cấu máy bay làm cánh và thân của nó xuất hiện các vết nứt, khiến Kawasaki phải điều chỉnh nguyên liệu kết cấu nên đến nay mới hoàn tất quá trình thử nghiệm và bàn giao.

 

Đây là loại máy bay do chính nước này nghiên cứu và chế tạo, dành riêng cho việc chống tàu ngầm và bảo vệ bờ biển Nhật Bản khỏi những kẻ thù xâm lược. Loại máy bay chống ngầm này được coi là khắc tinh của tàu ngầm Trung Quốc.
 

Mỗi chiếc P-1 có trị giá lên tới khoảng 210 triệu USD và được trang bị hệ thống ra-đa tân tiến cũng như thiết bị quan sát hiện đại. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, máy bay này có sức mạnh còn hơn cả máy bay P-3C của Mỹ.

 

Các máy bay loại P-1 được trang bị 4 động cơ phản lực nên có thể rút ngắn thời gian di chuyển xuống chỉ còn 1/3 so với loại P-3C và nhanh chóng phát hiện tàu ngầm của địch, đây chính là một yêu cầu quan trọng trong chiến tranh hiện đại.


P-1 có khả năng trinh sát phát hiện tàu ngầm ở độ sâu hàng trăm mét, có thể phán đoán được hình dạng và tính năng sơ bộ của tàu ngầm và lặng lẽ theo dõi. Đồng thời nó gửi các dữ liệu về tọa độ, kích thước sơ bộ, hướng di chuyển, độ sâu… của tàu ngầm về trung tâm chỉ huy bằng đường truyền số liệu, giúp trung tâm điều phối các lực lượng săn ngầm phối hợp tiêu diệt tàu ngầm địch.

Nhật Bản tích cực tăng cường sức mạnh hải quân

 

Thời gian gần đây, Nhật Bản đang tích cực tăng cường sức mạnh hải quân để đối phó với những quốc gia đối trọng, đặc biệt là Trung Quốc. Hiện Nhật Bản và Trung Quốc đang mắc kẹt trong những tranh chấp lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà chưa tìm được hướng giải quyết thỏa đáng cho cả hai bên.


Hồi tuần trước, truyền thông Nhật Bản cũng đưa tin, Bộ Quốc phòng nước này vừa lên kế hoạch đến năm 2021 sẽ đóng mới 6 tàu ngầm để tăng cường phòng thủ đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhằm đối phó với hoạt động bành trướng quân sự của Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông. Được biết, những tàu ngầm mới này sẽ được trang bị công nghệ hiện đại nhất và đóng tại Nhật Bản. Mỗi chiếc có trị giá khoảng 50 tỉ Yên (khoảng hơn 500 triệu USD). Ngoài ra, để vận hành hạm đội tàu ngầm mới trên, Nhật Bản sẽ bắt tay vào đào tạo thêm 400 thủy thủ mới trong thời gian đào tạo bình quân kéo dài 5 năm.

 

Bên cạnh đó, theo thông tin mà cổng thông tin Navy Recognition đưa ra hồi giữa tháng 3 vừa qua, Nhật Bản sẽ tiếp nhận 6 chiếc máy bay tiếp liệu trên không KC-130R từng phục vụ trong thủy quân lục chiến Mỹ trong khoảng 10-12 tháng tới. Tất cả số máy bay này hiện đang trải qua quá trình sửa chữa và nâng cấp theo yêu cầu của Tokyo tại trung tâm AMARG ở bang Arizona . Sau khi hoàn tất, chúng sẽ được trang bị thêm động cơ T56-A-16 thế hệ mới, hệ thống điện tử chuẩn kỹ thuật số và hệ thống định vị vệ tinh GPS. Hợp đồng này giữa Mỹ và Nhật Bản cũng bao gồm khóa huấn luyện phi công tại căn cứ không quân Davis-Montaigne.

 

Trước đó, ngày 7/3, 4 tàu khu trục Akizuki mang số hiệu 116 cũng đã được chính thức bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản để thực hiện nhiệm vụ tuần dương vùng biển Hoa Đông. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng đối với công tác tăng cường sức mạnh phòng thủ cũng như bảo vệ biển đảo của Nhật Bản.

 

Trước nữa, hồi tháng 2 vừa qua, Nhật cũng đưa vào biên chế loại thủy phi cơ tuần tiễu chống ngầm U-2 do Tập đoàn Shin Meiwa sản xuất. Đây là phương tiện săn ngầm tiên tiến nhất trên thế giới, được đánh giá có tính năng vượt trội so các loại thủy phi cơ săn ngầm một số nước châu Á đang sử dụng như: Be-200 của Nga, CL-415 của Canada .

 

Trong tương lai, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cũng sẽ được trang bị một số máy bay trinh sát- tấn công chống ngầm P-8A “Poseidon” của Mỹ.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc