Tổng thống Putin đi nước cờ bất ngờ trên chiến trường Syria

14:05, 14/12/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa trình lên Hạ viện Nga một thỏa thuận biến căn cứ tiếp nhiên liệu hải quân Tartus của Nga ở Syria thành một căn cứ hải quân toàn diện, có khả năng tiếp nhận những chiến hạm hạt nhân. Bước đi mới nhất này của ông Putin chắc chắn sẽ khiến phương Tây, đặc biệt là Mỹ, không thể không cảm thấy lo ngại và nó cũng cho thấy Nga đang tăng cường chỗ đứng của họ ở khu vực Trung Đông chiến lược.

Lực lượng Nga tại Syria
Lực lượng Nga tại Syria

Thỏa thuận trên sẽ có thời hạn 49 năm và sẽ đem lại cho Hải quân Nga con đường tiếp cận vào vùng lãnh hải và nhiều cảng khác nhau của nước Cộng hòa Ả-rập Syria. Căn cứ Hải quân Tartus sau khi được tân trang sẽ có thể tiếp nhận cùng lúc đến 11 chiến hạm, trong đó có cả tàu hạt nhân.

"Thời hạn của thỏa thuận là 49 năm nhưng có thể được tự động gia hạn thêm 25 năm trong trường hợp không có bên nào gửi thông báo về ý định kết thúc hợp đồng cho bên kia ít nhất một năm trước khi thời hạn đầu tiên kết thúc”, thỏa thuận giữa Nga và Syria quy định như vậy. Và theo thỏa thuận này, Nga được sử dụng miễn phí các cơ sở chung với Syria.

"Căn cứ Hải quân của Nga ở Syria được miễn trừ hoàn toàn các nghĩa vụ về dân sự và hành chính. Các tài sản cố định và lưu động trong căn cứ đều được miễn trừ khỏi việc bị tìm kiếm, tịch thu và các thủ tục pháp lý khác”, thỏa thuận Nga-Syria cho biết. Ngoài ra, Nga sẽ trực tiếp điều hành, quản lý căn cứ Tartus. “Nga có quyền triển khai số lượng binh sĩ cần thiết để duy trì căn cứ hải quân”.

Thỏa thuận giữa Nga và Syria cũng khẳng đinh, mối quan hệ hợp tác kỹ thuật và quân sự giữa Nga và Syria tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên tắc vì mục đích phòng thủ và không nhằm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia nào khác.

Cựu Tư lệnh Hải quân Nga – Đô đốc Viktor Kravchenko cho hãng tin Interfax biết, căn cứ được mở rộng và cải tổ của Nga ở Syria sẽ góp phần nâng cao “năng lực hoạt động” của Hải quân Nga ở biển Địa Trung Hải nói riêng và toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung. Cũng theo ông Kravchenko, căn cứ hải quân sau khi được mở rộng sẽ lớn hơn rất nhiều so với cơ sở hiện nay – một cơ sở vốn chỉ được dùng cho hoạt động tiếp nhiên liệu cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho các tàu thuyền.

“Căn cứ được cải tạo sẽ trải dài trên một khoảng đất rộng với tất cả những cơ sở vật chất về an ninh và quốc phòng cần thiết. Căn cứ có thể đón nhận tất cả các loại tàu, trong đó có cả tuần dương hạm mang tên lửa, cho phép chúng tiếp viện và cả cung cấp chỗ ăn nghỉ cho các thủy thủ”, Đô đốc Kravchenko cho hay.

Trước đó, hãng tin Interfax dẫn lời một “một nguồn tin đáng tin cậy” giấu tên cho biết, Nga có kế hoạch xây dựng hai bến tàu ở căn cứ Tartus. Hai bến tàu này có thể tiếp nhận những chiến hạm lớn đồng thời còn có những tổ hợp văn phòng và khu nhà ở.

Nghị sĩ Dmitry Belik của Nga cho hay, nhóm Hải quân của nước này đóng ngoài khơi bờ biển Syria hiện duy trì ở con số hơn 10 tàu chiến và các tàu hỗ trợ khác.

“Các chiến hạm Nga vẫn đang được duy trì trên mặt trận hàng hải để sẵn sàng cho cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Chúng tôi không thể loại trừ khả năng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ tìm cách thực hiện một chiến dịch đổ bộ và trong một tình huống như vậy, hải quân Nga vẫn là một nhân tố kiềm chế hùng mạnh. Đây là lý do tại sao các chiến hạm của Nga vẫn có mặt ở Địa Trung Hải như một phần của nhóm chiến đấu thường trực ở đây”, ông Belik nhấn mạnh.

Hồi đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm bất ngờ đến Căn cứ Không quân Khmeimim ở Syria và ra lệnh rút một phần đáng kể quân Nga ra khỏi chiến trường này. Lệnh trên được đưa ra sau khi Nga và Syria tuyên bố đánh bại nhóm khủng bố khét tiếng IS.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc