Tổng thống Putin bất ngờ ký sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên

07:31, 17/10/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên theo đúng một nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua trước đây. Điều gây bất ngờ là sắc lệnh này đã được ký đúng thời điểm một phái đoàn của Bình Nhưỡng đang có mặt tại Nga để tham dự một hội nghị.

Tổng thống Putin
Tổng thống Putin

Sắc lệnh của Tổng thống Putin chỉ đến nghị quyết trừng phạt Triều Tiên được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng 11 năm 2016. Sắc lệnh dài gần 40 trang đã liệt kê cụ thể một loạt biện pháp trừng phạt được áp dụng từ năm 2007. Nó cũng bao gồm 11 cái tên của những cá nhân được cho là có liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Động thái của ông Putin được đưa ra đúng thời điểm một phái đoàn Triều Tiên đang có mặt ở St. Petersburg để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137).

Sắc lệnh vừa được ký cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trong khi hợp tác trong lĩnh vực “công nghệ, khoa học hạt nhân, kỹ thuật máy móc hàng không và vũ trụ” sẽ chỉ được hạn chế trong khuôn khổ các hoạt động không có liên quan đến đến chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Putin cũng ra lệnh tước giấy phép của các tàu biển có liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên đồng thời cấm những con tàu này không được cập cảng ở Nga ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp. Các biện pháp trừng phạt của Nga cũng bao gồm lệnh cấm bán trực thăng và tàu cho Triều Tiên.

Bình Nhưỡng còn bị áp đặt các biện pháp nhằm hạn chế họ nhập khẩu những mặt hàng “xa xỉ” có giá từ hơn 500 USD và 100 USD.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng không được sử dụng bất kỳ bất động sản nào ở Nga trừ các cơ sở và văn phòng ngoại giao, lãnh sự quán.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày hôm qua (16/10), Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng vì việc nước này “tiếp tục đẩy mạnh chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân”. Những biện pháp trừng phạt mà EU tung ra với Bình Nhưỡng bao gồm lệnh cấm xuất khẩu, bán và cung cấp xăng dầu cũng như cả dầu thô cho Triều Tiên. Hoạt động trao đổi tài chính với Triều Tiên cũng bị cấm.

Khi Nga và EU tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên thì tại phiên họp của IPU, đại diện của Bình Nhưỡng đã miêu tả những biện pháp trừng phạt của Mỹ là hành động “khủng bố cấp quốc gia”. “Những biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên là nhằm chặn đứng hoàn toàn các hoạt động giao dịch thương mại của chúng tôi, bao gồm cả các giao dịch trong những lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân của chúng tôi. Đó là chủ nghĩa khủng bố cấp quốc gia”, người đứng đầu phái đoàn của Triều Tiên gay gắt chỉ trích.

Bình Nhưỡng chưa có phản ứng gì trước việc Tổng thống Putin ký sắc lệnh trừng phạt họ. Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều rằng, Bình Nhưỡng sẽ không tránh khỏi cảm giác sốc và tức giận. Nga lâu nay vẫn được biết đến là một trong số ít nước có mối quan hệ khá thân thiết với Triều Tiên.

Nga và Trung Quốc có lập trường chung trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Cả Bắc Kinh và Moscow đều liên tục nhấn mạnh đến lập trường ủng hộ giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên thông qua các cuộc đối thoại, đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên. Nga và Trung Quốc tin rằng, đó là con đường duy nhất để làm dịu căng thẳng trong khu vực. Hai nước này đều phản đối biện pháp trừng phạt và chiến tranh.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang cao độ sau khi Bình Nhưỡng liên tục thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Trong những ngày qua, người ta chứng kiến Mỹ và Triều Tiên ném vào nhau những lời đe dọa về khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh. Lo sợ trước viễn cảnh này, Nga cùng với Trung Quốc đã đề xuất biện pháp làm hạ nhiệt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Moscow và Bắc Kinh kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong khi Washington cùng với đồng minh Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung. Đây được gọi là kế hoạch “chấm dứt kép”. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhanh chóng bị Mỹ bác bỏ.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc